Xây dựng đội ngũ lãnh đạo chủ chốt tại các doanh nghiệp Nhà nước đáp ứng đúng yêu cầu thực tế
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênÔng Nguyễn Thành Phong - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội thảo |
Vẫn còn một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp Nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu về năng lực quản lý, điều hành
Ông Nguyễn Thành Phong - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Ông Nguyễn Long Hải - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương; Ông Nguyễn Ngọc Cảnh - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đồng chủ trì Hội thảo.
Sự kiện này cũng nằm trong chương trình xây dựng Đề án “Xây dựng quy định về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp Nhà nước phù hợp với thể chế chính trị, cơ chế thị trường và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế”. Đề án được Bộ Chính trị giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng, nhằm thực hiện mục tiêu: “Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế. Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội và bảo toàn, phát triển vốn Nhà nước tại doanh nghiệp” theo tinh thần của Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 3-6-2017 của Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”.
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, ông Nguyễn Thành Phong - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị: Để cung cấp thêm luận cứ cho xây dựng Đề án “Quy định về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp Nhà nước phù hợp với thể chế chính trị, cơ chế thị trường và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế” trình Bộ Chính trị trong năm 2022, hội thảo cần tập trung thảo luận làm rõ một số vần đề như chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tuyển dụng; đào tạo, bồi dưỡng; quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại; theo dõi, đánh giá cán bộ, nhất là cán bộ quản lý, quản trị tại doanh nghiệp Nhà nước.
Đánh giá thực trạng công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, theo dõi, đánh giá cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp Nhà nước. Đánh giá việc thực hiện vai trò, quyền hạn, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng trong quản lý, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, theo dõi, đánh giá cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp Nhà nước. Sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong quản lý, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, theo dõi, đánh giá cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp Nhà nước.
Kiến nghị, đề xuất với Đảng và Nhà nước ban hành, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chủ trương, chính sách và quy định về quản lý, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, theo dõi, đánh giá cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp Nhà nước nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp Nhà nước ngang tầm nhiệm vụ đến năm 2030...
Ông Nguyễn Ngọc Cảnh - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết: Ban chấp hành Trung ương đã ban hành các Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3-6-2017 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước; Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30-10-2016 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặt, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Các Nghị quyết đã có đánh giá hết sức toàn diện và đầy đủ về thực trạng đội ngũ cán bộ nói chung và đội ngũ cán bộ quản lý tại doanh nghiệp Nhà nước nói riêng. Một trong 5 nhóm giải pháp chủ yếu đề ra tại Nghị quyết số 12-NQ/TW là giải pháp về đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống quản trị và nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp Nhà nước.
Triển khai thực hiện các Nghị quyết, trong thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều quy định mới về công tác cán bộ nói chung và công tác cán bộ lãnh đạo, quản lý DNNN như: Quy định số 105-QĐ/TW ngày 19-12-2017 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Quy định số 132-QĐ/TW ngày 8-3-2018 của Bộ Chính trị về kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị; Luật doanh nghiệp năm 2020; Nghị định số 159/2020/NĐ-CP ngày 31-12-2020 về quản lý người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp…
Đồng thời với đó, công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm được đổi mới, tăng cường. Do đó, chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý doanh nghiệp Nhà nước đã có nhiều chuyển biến tích cực; cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Tuy nhiên, vẫn còn có một số cán bộ còn yếu kém về năng lực quản lý và tinh thần trách nhiệm.
Liên quan đến công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt doanh nghiệp, ông Chu Đình Động - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương cho biết, tính đến tháng 5-2021, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của 33 doanh nghiệp trong Khối gồm 154 đồng chí, trong đó có 31 chủ tịch HĐTV/HĐQT, 91 thành viên HĐTV/HĐQT, 32 tổng giám đốc. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt doanh nghiệp trong Khối có lập trường chính trị tư tưởng vững vàng, có phẩm chất đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật tốt, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; có tư duy đổi mới, chịu khó học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ và trau dồi kiến thức thực tiễn về quản lý kinh tế, quản trị doanh nghiệp, thích ứng với cơ chế thị trường; có ý chí vươn lên, năng động, sáng tạo, khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, theo Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, trong thời gian qua vẫn còn một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp trong Khối chưa đáp ứng yêu cầu về năng lực quản lý, điều hành. Tầm nhìn và khả năng hoạch định chiến lược sản xuất kinh doanh của một số cán bộ còn hạn chế, chậm thích ứng với hội nhập quốc tế. Một số người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thiếu tinh thần trách nhiệm, cố ý làm trái, vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng đến mức phải xử lý theo quy định. Ngoài ra, cơ cấu đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở một số doanh nghiệp còn mất cân đối, tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ đạt thấp. Việc chuyển tiếp giữa các thế hệ cán bộ lãnh đạo chưa được chuẩn bị kịp thời, đồng bộ.
Theo đánh giá của ông Chu Đình Động, những hạn chế, tồn tại này chủ yếu do nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo doanh nghiệp chưa đầy đủ về tầm quan trọng của công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”. Việc cụ thể hóa chỉ thị, nghị quyết, quy chế, quy định của Đảng về công tác cán bộ vào doanh nghiệp còn chậm, thiếu đồng bộ. Một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp trong Khối thiếu tu dưỡng, rèn luyện về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thiếu tự giác học tập lý luận, kỹ năng quản lý tiên tiến.
Thêm vào đó, hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra về công tác cán bộ trong doanh nghiệp chưa thường xuyên, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan. Các doanh nghiệp Nhà nước thuộc quyền quản lý của các bộ, ngành chủ quản khác nhau, nên công tác cán bộ doanh nghiệp nhà nước còn khép kín trong từng ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp. Chưa có sự linh hoạt, liên thông với các doanh nghiệp khác trong ngành hoặc doanh nghiệp ngoài ngành.
Tiến tới lộ trình thực hiện “tách người quản lý doanh nghiệp ra khỏi chế độ viên chức, công chức”
Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3-6-2017 đã nêu rõ mục tiêu đến năm 2030 là “hình thành đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, có trình độ cao, phẩm chất đạo đức tốt” và thực hiện “tách người quản lý doanh nghiệp ra khỏi chế độ viên chức, công chức” |
Cũng đề cập đến thực trạng công tác cán bộ, ông Nguyễn Hồng Long - Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp nhìn nhận, công tác quy hoạch chủ yếu thực hiện theo các chức danh chung, chưa thực hiện tốt việc quy hoạch theo từng lĩnh vực công tác cụ thể, chưa thực hiện tốt nguyên tắc “quy hoạch mở”. Quy trình bổ nhiệm nhân sự còn dài và phức tạp với sự tham gia của nhiều đơn vị của Đảng và Nhà nước; chưa chú trọng nhiều tới việc đánh giá năng lực ứng viên thông qua so sánh trực tiếp về năng lực, trình độ, phẩm chất. Trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp chưa rõ ràng, quyền hạn chưa gắn với trách nhiệm trong quản trị, điều hành doanh nghiệp thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực. Do đó, chưa phát huy được tính tự chủ, chịu trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp, người đại diện; không đảm bảo tính kịp thời trong xử lý công việc.
Ông Long cũng nhấn mạnh, mức lương đối với quản lý doanh nghiệp còn thấp so với mức tiền lương trên thị trường, chưa tương xứng với tính chất và mức độ rủi ro và giá trị công việc. Nghị quyết số 12 đã nêu rõ mục tiêu đến năm 2030 là “hình thành đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, có trình độ cao, phẩm chất đạo đức tốt” và thực hiện “tách người quản lý doanh nghiệp ra khỏi chế độ viên chức, công chức”. Khắc phục tình trạng chung: Không thu hút được người có trình độ, năng lực, phẩm chất tốt từ bên ngoài vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp Nhà nước và tình trạng “chảy máu” nhân sự chất lượng cao từ doanh nghiệp Nhà nước sang khối doanh nghiệp tư nhân; Người có năng lực, trình độ đang làm việc trong doanh nghiệp Nhà nước nhưng khó có thể phát huy hết được năng lực của mình; Không có đủ nhân sự chất lương cao để sẵn sàng bổ sung, thay thế cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý hiện tại.
Để đạt được mục tiêu nêu trong Nghị quyết 12, ông Nguyễn Hồng Long kiến nghị tiếp tục tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn Nhà nước với chức năng quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp, chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp.
TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương – CIEM, cán bộ doanh nghiệp nhà nước không thể tách rời vai trò, sứ mệnh, mục tiêu nhiệm vụ và khuôn khổ quản trị của doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt quản trị theo thông lệ quốc tế gồm HĐQT, giám đốc điều hành. Việc này cần nghiên cứu học hỏi bài học kinh nghiệm của các tập đoàn đa quốc gia, tập đoàn tư nhân trong việc bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật. “Tôi tin rằng Tổng giám đốc của Vingroup không nằm trong quy hoạch nhưng họ có cán bộ giỏi chuyên môn và đạt được mục tiêu tốt hơn khu vực nhà nước. Vì vậy, đề nghị xem xét bỏ quy hoạch cán bộ với lãnh đạo chủ chốt doanh nghiệp Nhà nước. Ông Cung phân tích, quy hoạch cán bộ sẽ không chọn được người tài, không chọn được những người lãnh đạo đổi mới, sáng tạo, dám chấp nhận rủi ro người giỏi mà chỉ chọn được những người biết tuân thủ. Thay vì quy hoạch hãy làm chương trình kế hoạch tìm kiếm tài năng, tìm kiếm người tài thì mới tốt hơn nhiều, đừng bỏ cơ hội tìm người tài về làm việc cho chúng ta. Ngoài ra, ông cũng đề nghị xem xét bãi bỏ bổ nhiệm cán bộ doanh nghiệp nhà nước theo cơ chế hành chính xin cho mà trao quyền tự chủ cho cơ quan chủ sở hữu là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và SCIC thực hiện hậu kiểm kèm theo.
Được biết, Ban Kinh tế Trung ương cùng các cơ quan, tổ chức có liên quan sẽ tổng hợp, chắt lọc các ý kiến, kiến nghị và đề xuất của các Bộ, ngành, doanh nghiệp Nhà nước, chuyên gia và các nhà khoa học tại Hội thảo để xem xét tiếp thu, phục vụ hoàn thiện Đề án “Xây dựng quy định về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước phù hợp với thể chế chính trị, cơ chế thị trường và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế” trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư vào năm 2022.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại