Thứ sáu 22/11/2024 16:09

Xây dựng đề án đánh giá thực trạng biên chế khối giáo dục Thủ đô

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Chiều 15/12, Ban Chỉ đạo Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế TP Hà Nội tổ chức Hội nghị lần thứ sáu, nhiệm kỳ 2020-2025 để đánh giá kết quả công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.
Xây dựng đề án đánh giá thực trạng biên chế khối giáo dục Thủ đô
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng - Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng - Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị. Tham dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh; Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cùng các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy.

Giao tổng số 2.749 biên chế năm 2023

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, năm 2022, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện việc quản lý biên chế, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động, hiệu lực, hiệu quả được Ban Chỉ đạo quan tâm, xác định là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, chỉ đạo quyết liệt.

Theo đó, Ban Chỉ đạo đã kịp thời tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phương án sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn các cơ quan, đơn vị thuộc TP, giải quyết triệt để sự trùng chéo, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ. Đồng thời, đề ra các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế, gắn với tinh giản biên chế theo lộ trình, đẩy mạnh tinh giản biên chế sự nghiệp. Chú trọng đến cải cách thủ tục hành chính, tiêu chuẩn hóa quy trình giải quyết công việc thông suốt, hiệu quả. Việc triển khai, tổ chức thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội đã được thực hiện đúng kế hoạch, bảo đảm tiến độ các yêu cầu đặt ra, bộ máy đi vào hoạt động ổn định.

Ngoài ra, các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị TP cũng đã chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện khoa học, bài bản, đúng quy định, đồng bộ cả khối đảng, đoàn thể và khối chính quyền.

Ban Tổ chức Thành ủy với vai trò là cơ quan thường trực đã chủ động tham mưu duy trì nền nếp hoạt động của Ban Chỉ đạo; bám sát kế hoạch công tác năm 2022 và thường xuyên rà soát các nhiệm vụ được Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chỉ đạo TP giao để đôn đốc các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện bảo đảm tiến độ.

Trên cơ sở chỉ tiêu biên chế được Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Trung ương giao giai đoạn 2022-2026, Ban đã tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy quyết định, giao tổng số 2.749 biên chế năm 2023 cho các cơ quan khối Đảng, đoàn thể thành phố. Thực hiện Đề án số 21-ĐA/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về thí điểm đổi mới thi tuyển chức danh lãnh đạo cấp phòng, Ban Tổ chức Thành ủy đã gương mẫu thực hiện thí điểm thi tuyển đối với 3 chức danh cán bộ lãnh đạo cấp phòng thuộc Ban.

Xây dựng đề án đánh giá thực trạng biên chế khối giáo dục Thủ đô
Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hà Nội Trần Thế Cương phát biểu tại hội nghị.

Tạo đồng thuận từ hệ thống chính trị đến dư luận Nhân dân

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh yêu cầu phải tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền các nghị quyết của Trung ương về việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thường xuyên nắm bắt, làm tốt công tác tư tưởng trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý để từ đó lan tỏa tới từng cơ quan, đơn vị và toàn hệ thống chính trị.

Tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí để thường xuyên thông tin, cập nhật tình hình triển khai, thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương và các văn bản chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND đến cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân.

“Tuyên truyền phải chủ động, đi trước, rõ ràng, cụ thể, đúng, trúng và đến cùng. Tất cả phải bảo đảm thống nhất nhận thức, tạo đồng thuận từ trong hệ thống chính trị đến dư luận Nhân dân tránh để dư luận hiểu sai, đánh giá phiến diện”- Bí thư Thành ủy chỉ rõ.

Lưu ý nhiệm vụ triển khai các giải pháp chuyển đơn vị sự nghiệp công lập sang tự chủ tài chính; xây dựng Đề án đánh giá thực trạng biên chế sự nghiệp khối giáo dục và đề xuất giải pháp cụ thể về cơ chế chính sách, quy trình, định mức, đơn giá đào tạo, cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu, Bí thư Thành ủy khẳng định đây là vấn đề lớn, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Cách làm là tuyên truyền phải đi trước lan toả, đả thông về nhận thức từ đó khơi dậy quyết tâm chính trị, tinh thần vào cuộc trách nhiệm quyết liệt của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

Bí thư Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND TP chỉ đạo triển khai thực hiện, khắc phục khó khăn, tháo gỡ vướng mắc; đưa ra bằng được lời giải tổng thể cho bài toán này gồm cả định mức, đơn giá của tất cả các khối trường học; tổ chức xây dựng quy trình, quy trình nào định mức ấy, định mức nào thì đơn giá ấy.

Trưởng ban Chỉ đạo đề nghị các thành viên Ban chỉ đạo nêu cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới nhận thức, tư duy và hành động; bám sát mục tiêu, nhiệm vụ; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tạo bước chuyển mạnh về tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

Khẩn trương tuyển dụng 27.850 biên chế giáo viên cho năm học 2022-2023
Hà Nội: Quyết nghị giao bổ sung hơn 2300 biên chế giáo viên năm học 2022-2023
5 nhóm đối tượng không được thực hiện tinh giản biên chế
Trần Long - Ảnh: Thanh Hải
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động