Xác định rõ vị trí việc làm để thực hiện cải cách tiền lương
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội thảo luận tại tổ. Ảnh: Quốc hội |
“Có nơi lãnh đạo chiếm 50% trong bộ máy, nhiều đơn vị không có nhân viên”
Tại phiên họp tổ về tình hình phát triển kinh tế xã hội sáng 23/5, đại biểu Đồng Ngọc Ba, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định ghi nhận nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan trong việc cơ cấu đội ngũ cán bộ công chức, hướng đến "đúng người, đúng việc, rõ quy trình". Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ lo ngại về chất lượng và sự phù hợp của đội ngũ cán bộ hiện tại. "Sắp xếp vị trí việc làm chính xác là tiền đề cho cải cách tiền lương. Nếu xác định sai vị trí, hệ quả tiêu cực sẽ ảnh hưởng lâu dài" - ông nói.
Cũng theo đại biểu này, có nhiều nơi tỷ lệ quản lý quá cao. “Có nơi lãnh đạo chiếm 50% trong bộ máy, nhiều đơn vị không có nhân viên. Người làm chuyên môn và lãnh đạo cần cân đối" - đại biểu Đồng Ngọc Ba thông tin và đề xuất cần rà soát, đánh giá lại chất lượng vị trí việc làm trong bộ máy, cùng đó thực hiện chính sách cải cách tiền lương.
Bên cạnh đó, theo phản ánh cán bộ, công chức, nhiều đơn vị có công việc nặng, quan trọng nhưng lo thu nhập sẽ giảm khi chế độ tiền lương mới thực hiện. Hiện, ngoài lương còn có các thu nhập khác, nhưng theo chính sách cải cách tiền lương thì sẽ chỉ còn lương.
"Từ lâu chúng ta đã đổi mới, cải cách và tinh giản và đổi mới cải cách tiền lương theo hướng tăng lương thực tế. Nhưng tới đây có thể thu nhập của họ sẽ giảm. Tất nhiên có nhiều nguyên nhân, song đây là lo ngại thực tế của người lao động, chỗ này có thể liên quan do vị trí việc làm chưa ổn" - đại biểu Đồng Ngọc Ba nêu quan điểm.
Đại biểu Đồng Ngọc Ba, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định . Ảnh: Quốc hội |
Tâm lý tăng lương dẫn tới tăng chỉ số giá tiêu dùng
Cùng mối quan tâm về cải cách tiền lương từ 1/7, qua theo dõi, đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, bản chất của tăng lương là gom tất cả các khoản thu nhập hiện tại vào trở thành lương.
Nhưng theo đại biểu, điều quan trọng hơn là tâm lý tăng lương dẫn tới tăng chỉ số giá tiêu dùng. “Cứ lương tăng là chỉ số tiêu dùng tăng lên, vậy giải pháp việc này ra sao?” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đặt vấn đề.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội) đánh giá, các cơ quan đang ráo riết thực hiện cải cách tổ chức bộ máy nhưng lại nhưng mang tính hình thức nhiều hơn. Việc sắp xếp, tổ chức mới tính đến đưa ra khỏi biên chế những người sắp nghỉ hưu, người đau ốm không có khả năng làm việc. Trong khi đó vị trí, người không thực sự cần thiết, không có năng lực, làm việc không hiệu quả vẫn chưa thể loại bỏ.
Là người từng làm quản lý, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, xây dựng vị trí việc làm thì tổ chức cán bộ là công việc hàng đầu, lý thuyết thì rất hay nhưng làm được rất khó.
Dẫn kinh nghiệm của các doanh nghiệp tư nhân, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho biết họ có cách làm khác. Khi thực sự có nhu cầu về vị trí việc làm, doanh nghiệp tư nhân sẽ tìm đúng người có thể đảm đương để bổ nhiệm. Khi họ làm thử mà không hiệu quả thì sẽ cho thôi. Vì vậy, cần xem lại cách thức xây dựng vị trí việc làm hiện nay có gây trì trệ và có tạo được sự đổi mới không.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội. Ảnh: Quốc hội |
Cải cách tiền lương phải đi đôi với nâng cao năng suất lao động
Cùng quan tâm đến cải cách tiền lương, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn tỉnh Hải Dương) nhìn nhận, đây là vấn đề đang được dư luận rất quan tâm.
Theo đại biểu, điểm mới của cải cách tiền lương là thay đổi các tính lương cho người lao động khu vực công. Trước đây, cách tính lương truyền thống dựa trên ngạch, bậc và 3 năm tăng 1 lần, còn bây giờ thì trả lương theo vị trí việc làm, và với cách tính lương mới thì tiền lương của người lao động nói chung tăng lên đáng kể, và tạo được sự công bằng hơn.
“Ví dụ cùng một vị trí việc làm, cùng một trình độ, cùng một năng lực thì lương nhận được là như nhau, bất kể là ở tuổi nào, bất kể đã vào công chức, viên chức lâu hay chưa. Điều này sẽ tạo sự động viên người lao động. Những quy định liên quan đến Quỹ khen thưởng của chế độ lương mới cũng rất hợp lý” - đại biểu phân tích.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng nhấn mạnh, cải cách tiền lương phải đi đôi với việc đẩy mạnh, sắp xếp lại bộ máy làm sao cho tinh gọn thật sự. Vì bộ máy tinh gọn, làm việc hiệu quả thì mới có nguồn lực để tiếp tục cải cách tiền lương, còn nếu duy trì bộ máy cồng kềnh, có những bộ phận làm việc không hiệu quả thì khó có nguồn lực để tiếp tục cải cách.
Bên cạnh đó, cải cách tiền lương phải đi đôi với đổi mới cách đánh giá khen thưởng, đánh giá hàng năm, vì chỉ có đổi mới thì mới có căn cứ để thực hiện khen thưởng. Khi cải cách, cách tính tiền lương đã tương đối công bằng rồi nhưng cách đánh giá chưa tương xứng thì chưa đạt mục tiêu đề ra.
“Đồng thời, cải cách tiền lương phải đi đôi với việc nâng cao năng suất lao động. Hiện nay, chúng ta đã tiết kiệm được một khoản ngân sách để cải cách tiền lương, nhưng đó là nguồn tiết kiệm trong thời gian qua, còn trong thời gian tới, nếu không nâng cao năng suất lao động thì sẽ rất khó khăn trong tạo nguồn lực để dành cho cải cách lương mới” - đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nói.
Niềm mong mỏi của nhân viên trường học về chính sách tiền lương mới | |
Cải cách tiền lương từ 1/7: lương tối thiểu của công chức không dưới 5 triệu đồng |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại