Xác định chủ thể bị khởi tố
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHiện trường vụ tai nạn sập cần cẩu bê tông khiến 1 người tử vong tại thành phố Thái Bình hôm 12/5 Ảnh: Việt Hoàng |
Vụ tai nạn lao động nghiêm trọng
Liên quan đến vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra tại phường Tiền Phong, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình khiến 5 người thương vong, mới đây, CATP Thái Bình đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 360, Bộ luật Hình sự năm 2015. Trước đó, khoảng 18h ngày 12/5, tại ngõ 72 đường Trần Thủ Độ, Tổ 6, phường Tiền Phong, TP Thái Bình, xe bê tông tươi của Công ty Bình Phương được thuê đổ mái tầng 2 với 2 xe, khoảng 15 khối bê tông.
Xe thứ nhất biển kiểm soát 17C-072.47 đang đổ bêtông được 10 phút thì bị sập chân chống của xe cẩu do chống lên mặt cống của vỉa hè đường Trần Thủ Độ, kéo theo cần cẩu truyền dẫn bêtông bị sập theo, đè xuống mái tầng 2 phía trong đang đổ dở; lúc này có 12 người ở trên mái. Vụ việc khiến 5 người bị thương, tuy nhiên sau đó có 1 người tử vong là ông N.V.N, SN 1975, trú tại xã Phú Xuân, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình.
Theo báo cáo của UBND phường Tiền Phong, vụ tai nạn lao động trên xảy ra trong quá trình xây dựng nhà ở của hộ gia đình ông Vũ Viết Bàn và ông Hoàng Xuân Duy ở tổ 6, phường Tiền Phong. Qua xác minh, 2 hộ dân này tiến hành xây dựng công trình nhà ở khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng. Ngày 9/5, sau khi phát hiện hành vi xây dựng công trình không phép, UBND phường đã lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng đối với ông Vũ Viết Bàn và Hoàng Xuân Duy, đồng thời yêu cầu chủ nhà dừng thi công.
Ngày 10/5, UBND phường Tiền Phong đã có tờ trình đề nghị UBND TP Thái Bình ban hành quyết định xử phạt theo thẩm quyền. Đồng thời UBND phường thông báo ông Vũ Viết Bàn, Hoàng Xuân Duy dừng thi công công trình và hoàn thiện các thủ tục xin cấp giấy phép theo quy định. Tuy nhiên, lợi dụng ngày nghỉ thứ Bảy và Chủ nhật, hai gia đình này tiếp tục thuê thợ đổ mái tầng 2, gây ra vụ tai nạn lao động nói trên. Vụ việc đang được điều tra, làm rõ.
Lỗi cố ý hay vô ý?
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, trong vụ án này để xác định truy tố khung, khoản nào của điều luật thì cơ quan điều tra còn phải tiến hành xác minh, điều tra, cụ thể. Ngoài 1 người tử vong trong vụ việc nêu trên thì đối với 4 người bị thương còn lại, cơ quan điều tra phải trưng cầu giám định tổn hại sức khỏe. Trên cơ sở kết quả giám định tổn hại sức khỏe của cơ quan chức năng có thẩm quyền thì lúc này cơ quan điều tra khởi tố bị can theo khung, khoản quy định tại Điều 360, Bộ luật Hình sự năm 2015.
“Về nguyên tắc, hành vi có lỗi dẫn đến người khác thiệt mạng, thương tích thì người có lỗi phải chịu trách nhiệm pháp lý, cho dù là lỗi cố ý hay vô ý. Bởi vậy, để khởi tố cá nhân liên quan, CQCA phải điều tra về quá trình giao việc ở Công ty này như thế nào, người trực tiếp được giao điều khiển máy có chức năng, quyền hạn hay không? Cá nhân này được thực hiện theo hợp đồng lao động hay không… để từ đó xác định chủ thể bị khởi tố” - luật sư Nguyễn Hồng Thái cho hay.
Về trách nhiệm bồi thường, luật sư Nguyễn Hồng Thái chia sẻ: “Hai bên có thể thỏa thuận với nhau về mức bồi thường khi gây ra thiệt hại, nếu không thỏa thuận được thì có thể đề nghị tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”.
Theo đó, Bộ luật Dân sự quy định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do tính mạng bị xâm phạm bao gồm chi phí cứu chữa trước khi chết (nếu có), tiền công người chăm sóc, chi phí mai táng, tiền bồi thường tổn thất về tinh thần theo quy định của pháp luật (không quá 100 tháng lương cơ sở).
Theo khoản 1 Điều 590, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm: chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại; thiệt hại khác do luật quy định.
Đồng thời, theo khoản 2 Điều 590, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định mức bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm như sau: người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại mục 1 nêu trên và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu; mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai thăm hỏi các nạn nhân trong vụ nổ lò hơi | |
Khẩn trương khắc phục sự cố hầm lò khiến 3 công nhân tử vong tại Quảng Ninh |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại