Thứ bảy 23/11/2024 18:24

Vụ thẩm mỹ viện Cát Tường: Nếu đổi tội danh, sẽ có thêm bị cáo hầu tòa?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - Tại phiên tòa sơ thẩm lần đầu, nhiều người thân của bị hại cho rằng, Tường phải bị truy tố về hành vi Giết người, Kinh doanh trái phép và Dụ dỗ người chưa thành niên phạm tội mới thỏa đáng.


“Việc CQĐT khởi tố bác sĩ Tường tội danh Vi phạm các quy định về khám chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác và tội danh Xâm phạm thi thể, mồ mả là không chính xác” là nội dung của bản kiến nghị gửi CQĐT, Viện KSND, TAND TP Hà Nội của hai LS Vũ Gia Trưởng và Phạm Hương Giang, bảo vệ quyền và lợi ích cho gia đình nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền trong vụ án xảy ra tại thẩm mỹ viện (TMV) Cát Tường.

Chưa có chứng chỉ hành nghề thì có thể là chủ thể của tội 242 BLHS?

Bản kiến nghị cho biết, CQĐT đã ra Kết luận điều tra bổ sung vụ án sau khi HĐXX trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, nhưng các vấn đề liên quan đến hành vi phạm tội và tội danh của các bị cáo tại Kết luận điều tra bổ sung này không có gì khác so với nội dung tại Kết luận điều tra cũ. Do đó, hai LS đã làm bản kiến nghị dài 30 trang, với những lập luận cụ thể về việc định tội danh với bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường.

Theo kiến nghị của hai LS, việc xác định Nguyễn Mạnh Tường là chủ thể của tội Vi phạm qui định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác là chưa xác định đúng mối quan hệ giữa bác sĩ này và nạn nhân khi xảy ra hành vi phạm tội. Theo Điều 242 BLHS thì chủ thể của tội phạm này phải là những chủ thể đặc biệt, đó là những người hành nghề khám chữa bệnh, nhưng quan hệ giữa bác sĩ Tường và chị Huyền khi thực hiện dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) không phải là quan hệ giữa người khám chữa bệnh và bệnh nhân, vì khi đó Tường chưa được cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh về chuyên khoa PTTM. Đồng thời, TMV Cát Tường cũng không được cấp phép hoạt động và cung cấp dịch vụ về PTTM.

Bản kiến nghị cũng nêu, hành vi của Tường là hành vi được thực hiện do lỗi cố ý, vì Tường biết mình không có chuyên môn về PTTM những vẫn cố tình thực hiện phẫu thuật trái pháp luật, trong khi là bác sĩ, hơn ai hết, Tường biết và buộc phải biết về sự nguy hiểm đến tính mạng của người khác khi không có chuyên môn mà tiến hành phẫu thuật.

Bác sĩ Tường cũng nhận thức rõ TMV Cát Tường không phải là cơ sở khám chữa bệnh được phép hoạt động PTTM, không đủ điều kiện về cơ sở vật chất, về chuyên môn… nhưng vẫn cố tình đưa cơ sở này vào hoạt động để phẫu thuật cho chị Huyền. Do đó, hành vi cố ý của bác sĩ Tường là hành vi coi thường tính mạng người khác khi cố tình thực hiện các thủ thuật phẫu thuật trong tình trạng chị Huyền đang co giật, biến chứng. Như vậy, bác sĩ Tường đã trực tiếp đẩy nạn nhân vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng…

Từ những lập luận này, LS Trưởng và LS Giang đề nghị thay đổi tội danh với bác sĩ Tường sang tội Giết người.

Đồng thời, hai LS bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho gia đình nạn nhân cũng cho rằng, Tường đã có mục đích phi tang xác chị Huyền từ trước khi Đào Quang Khánh đưa ra câu gợi mở: “Hay là ném xác chị Huyền xuống sông”. Các LS này cho rằng, câu nói của Khánh đối với Tường chỉ là hành vi giúp sức cho Tường về việc thay đổi cách thức phi tang xác chị Huyền, chứ không thể khẳng định Khánh là chủ mưu vứt xác chị Huyền xuống sông. Chưa kể, sau khi nạn nhân tử vong, bác sĩ Tường đã họp bàn, phân công, tổ chức, chỉ đạo các nhân viên tiêu hủy, phi tang tài liệu, tang vật của vụ án… nhằm che giấu hành vi phạm tội.

Bản kiến nghị cũng đề nghị thu thập thêm chứng cứ xác định nguyên nhân chị Huyền tử vong, bởi hồ sơ vụ án chưa có chứng cứ nào thể hiện đâu là nguyên nhân có thể dẫn đến cái chết của chị Huyền: Do phản ứng của thuốc gây tê, do việc sử dụng thuốc quá liều, do không tuân thủ các thủ thuật của quá trình phẫu thuật, hay do không cấp cứu…


Bác sĩ Tường và bảo vệ Khánh tại phiên sơ thẩm. Ảnh: TL


Lời khai nào đáng tin?

Tại phiên tòa sơ thẩm, khác với lời khai của bác sĩ Tường và y tá Hoa, y tá Thư đã bất ngờ cho biết khi đang bơm thuốc, chị Huyền có biểu hiện giật mí mắt, không tỉnh, nhưng bác sĩ Tường vẫn tiếp tục phẫu thuật. Y tá Thư cũng trình bày đã hỗ trợ cho Tường làm phẫu thuật một vài ca, nhưng chỉ có chị Huyền là có biểu hiện bất thường. Đáng quan tâm, theo lời y tá Thư, “những ca khác thì làm khoảng 4 giờ, còn chị Huyền thì nhanh hơn, khoảng 2 giờ”… Trong khi đó, y tá Hoa và Vân trình bày khá phù hợp với lời khai của bác sĩ Tường là trong suốt ca phẫu thuật kéo dài khoảng 4 giờ, không thấy chị Huyền có biểu hiện bất thường gì, mà chỉ sau khi phẫu thuật khoảng 30 phút, chị Huyền mới bị co giật, sùi bọt mép, mắt nhắm. Bác sĩ Tường cho rằng đây là cơn động kinh, nên đã tiêm cho nạn nhân 1 ống thuốc an thần và theo dõi khoảng 20 phút thấy chị Huyền “bình thường” thì Tường mới ung dung đi lễ chùa…

Trả lời câu hỏi của HĐXX vì sao dùng hai loại thuốc không thông dụng tiêm cho nạn nhân khi tiến hành phẫu thuật, bác sĩ Tường lý giải, loại kháng sinh Gentamicin dùng để phòng nhiễm trùng, còn Vitamin C đưa vào để ổn định các thành mạch. Việc sử dụng hai loại thuốc này là do được học, chứ không phải Tường tự tiện áp dụng. Tuy nhiên, đại diện VKS cho biết, kết quả trưng cầu ý kiến của các chuyên gia y tế, để tìm nguyên nhân tử vong của nạn nhân cho biết thuốc Gentamicin mà Tường đã tiêm cho chị Huyền không có trong qui trình phẫu thuật của Bộ Y tế.

Đáng nói, tại phiên tòa sơ thẩm, Nguyễn Mạnh Tường cho hay, vẫn chưa rõ về nguyên nhân cơn co giật của chị Huyền. Còn về nguyên nhân tử vong, Tường cho rằng có thể nạn nhân bị nôn hoặc sặc, trào ngược dịch phổi, chứ không phải do dùng thuốc sai qui trình!

Đâu là nguyên nhân?

Tại phiên tòa sơ thẩm lần đầu, nhiều người thân của bị hại cho rằng, Tường phải bị truy tố về hành vi Giết người, Kinh doanh trái phép và Dụ dỗ người chưa thành niên phạm tội mới thỏa đáng. Người nhà nạn nhân cũng không tin rằng bảo vệ Khánh có thể là chủ mưu của vụ ném xác bởi Khánh còn quá trẻ, không phải là người bị chịu trách nhiệm về cái chết của nạn nhân nên phải sợ trách nhiệm đến mức tìm cách phi tang xác. Còn các LS bào chữa cho bị cáo Khánh cũng cho rằng, hành vi của Khánh trong việc lấy chiếc điện thoại iPhone của nạn nhân không cấu thành tội Trộm cắp tài sản, mà chỉ thỏa mãn dấu hiệu của tội Chiếm giữ trái phép tài sản.

Cùng với nguyên nhân gây tử vong, điều khiến dư luận quan tâm nữa là vì sao nạn nhân bị rạch hai vết trên bụng sau khi đã chết, việc rạch bụng có liên quan gì đến kế hoạch vứt xác không?

Đặc biệt, nếu kiến nghị chuyển đổi tội danh của bác sĩ Tường thành tội Giết người của hai LS Giang và Trưởng có cơ sở chấp nhận, thì vụ án này sẽ có “thêm” nhiều người phải hầu tòa, bởi quá trình phẫu thuật rồi phi tang xác nạn nhân, nhiều nhân viên TMV Cát Tường, cả vợ Tường và bác sĩ Thành biết chuyện, nhưng không một ai trong số họ tố cáo sự việc với CQCA.

Phương Thảo

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động