Vĩnh Phúc: lấy người dân làm vai trò trung tâm trong xây dựng nông thôn mới
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênLãnh đạo UBND huyện Yên Lạc thông tin về kết quả chương trình xây dựng nông thôn mới và làng văn hóa kiểu mẫu triển khai trên địa bàn tại buổi tọa đàm diễn ra sáng 1/10. Ảnh: Sỹ Hào |
Xây dựng làng quê giàu đẹp, đậm đà bản sắc văn hóa
Sáng 1/10, Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức chuyến đi thực tế cho đoàn công tác gồm các cán bộ, nhân viên công tác tại các cơ quan đoàn thể của tỉnh và các phóng viên, nhà báo của các cơ quan báo chí về thăm một số địa phương điển hình về xây dựng nông thôn mới của huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc.
Đây là chuyến đi thực tế để các phóng viên, nhà báo và các thành viên tham dự có cơ hội trải nghiệm thực tế sinh động về hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới và làng văn hóa kiểu mới triển khai tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, trong đó Yên Lạc là địa phương đạt nhiều thành tựu nổi bật – là huyện đầu tiên của tỉnh Vĩnh Phúc và huyện thứ 13 của cả nước đạt chuẩn huyện nông thôn mới từ năm 2015.
Đoàn công tác đã thăm mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu triển khai tại xã Liên Châu, huyện Yên Lạc, những kết quả đạt được đã gây ấn tượng tích cực về sự đổi thay phát triển của những làng quê giàu bản sắc văn hóa, người dân năng động, đời sống sinh hoạt tiện nghi hiện đại và kinh tế sung túc.
Thăm mô hình nuôi cá nước ngọt của hộ gia đình ông Nguyễn Trung Ánh, ở làng văn hóa kiểu mẫu Thụ Ích, xã Liên Châu. Ảnh: Sỹ Hào |
Ông Phùng Mạnh Khuyến, Chủ tịch UBND xã Liên Châu cho biết, xã Liên Châu là một trong 3 địa phương của huyện Yên Lạc được lựa chọn xây dựng 3 làng văn hóa kiểu mẫu. Trong đó, làng Thụ Ích có tổng diện tích đất canh tác 125ha, với 768 hộ và 3011 nhân khẩu, diện tích khu thiết chế văn hóa thể thao làng văn hóa kiểu mẫu 15.417m2.
“Đối với xã Liên Châu nói riêng, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều cơ chế chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ đầu tư về cơ sở vật chất như đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, hệ thống điện chiếu sáng, mương tiêu rãnh thoát nước, đầu tư cho hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa… Đây là động lực rất lớn để địa phương thực hiện xã nông thôn mới kiểu mẫu, xác định lấy người dân làm vai trò trung tâm.” – ông Phùng Mạnh Khuyến nói.
Cũng theo lãnh đạo UBND xã Liên Châu, sau khi được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2013, nhằm duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, địa phương tiếp tục đăng ký với tỉnh, huyện xây dựng xã nông thôn mới nâng cao theo các tiêu chí giai đoạn mới, đồng thời xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, và làng văn hóa kiểu mẫu. Đây là nhiệm vụ khó khăn cần có sự đầu tư lớn về nguồn vốn, cũng như quá trình xây dựng cần có sự tìm hiểu, nghiên cứu và chọn lọc phù hợp.
Phân cấp, phân quyền rõ người rõ trách nhiệm trong xây dựng nông thôn mới
Ông Nguyễn Khắc Hiếu, Bí thư Huyện ủy Yên Lạc cho biết, phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo và linh hoạt, đột phá trong cách làm, Yên Lạc tiếp tục là huyện đầu tiên của tỉnh về đích huyện nông thôn mới nâng cao vào tháng 6/2024, vượt trước 6 năm so với mục tiêu (đến năm 20230 huyện mới hoàn thành đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao) tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra nhằm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, đậm đà bản sắc văn hóa, thực sự là nơi đáng sống của mỗi cư dân.
Tọa đàm về công tác xây dựng Đảng và chương trình xây dựng nông thôn mới, làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn huyện Yên Lạc. Ảnh: Sỹ Hào |
Để đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao trước kế hoạch 6 năm, huyện đã đổi mới phương thức lãnh đạo, cách làm; tập trung chỉ đạo sâu sát từng công việc cụ thể, tăng cường kiểm tra, giám sát để thực hiện các mục tiêu của chương trình.
Thay vì triển khai làm điểm như trước kia, UBND huyện Yên Lạc đã triển khai đồng loạt ở tất cả các xã trên cơ sở rà roát, đánh giá tất cả các tiêu chí với phương châm “cái gì dễ làm trước, khó làm sau”. Tiến hành phân cấp, phân quyền, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm; kiểm điểm, đánh giá theo thời gian, lộ trình; chính quyền đóng vai trò hỗ trợ một phần, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò của người đứng đầu địa phương, ngành trong xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Huyện cũng phân quyền, phân cấp quản lý cụ thể cho từng ngành, từng địa phương như đối với tiêu chí đường giao thông nông thôn, những tuyến đường huyện đi qua thì huyện làm, tuyến đường của xã thì xã làm, tuyến đường xóm ngõ thì người dân phải trực tiếp làm, có sự hỗ trợ từ ngân sách. Nhờ vậy, đã gắn trách nhiệm từng cấp quản lý trong triển khai, giám sát và thực hiện.
Để nâng cao và giữ vững các tiêu chí, chất lượng công trình, huyện đã phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nâng cao. Dù việc lớn hay nhỏ, người dân đều được tham gia góp ý, xây dựng, trên cơ sở đó gắn trách nhiệm với nguyên tắc lấy xã, thôn và từng hộ gia đình làm trung tâm trong chỉ đạo xây dựng nông thôn mới.
Mỗi tiêu chí khi thực hiện đều được cấp ủy, chính quyền xã công khai để nhân dân được biết, được bàn và quyết định cách thức tiến hành, mức đóng góp, phân công người giám sát và lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới, do đó việc huy động đóng góp, xây dựng rất thuận lợi.
Từ việc hiểu rõ chính bản thân, gia đình mình, làng xóm mình sẽ được hưởng lợi từ chương trình xây dựng nông thôn mới, người dân đã tự nguyện tham gia đóng góp kinh phí, ngày công, tự nguyện chỉnh trang nhà cửa, tường rào, hiến đất… chung sức chung lòng cùng chính quyền hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Hà Nội sẵn sàng cho "Ngày hội văn hóa vì hòa bình" tại hồ Hoàn Kiếm | |
Hà Nội trong tôi: miền hoài niệm dấu yêu |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại