Vĩnh Phúc: Địa phương thuộc tốp đầu cả nước về bảo đảm an toàn an ninh mạng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐể bảo đảm an toàn an ninh mạng, tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, phương án bảo đảm an toàn theo từng cấp độ. Tỉnh ủy đã ban hành Quy định về bảo mật thông tin và kỷ luật phát ngôn trên địa bàn; UBND tỉnh đã ban hành Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước trên địa bàn và ban hành Quyết định thành lập, xây dựng Quy chế hoạt động của Tiểu ban An toàn an ninh mạng.
Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin. Trong đó, chú trọng tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, diễn tập chuyên sâu về an ninh mạng, kỹ năng về an toàn thông tin và xử lý sự cố cho cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin các sở, ban, ngành, huyện, thành phố; cài đặt phần mềm phòng, chống mã độc.
Đến nay, 100% các sở, ngành, huyện, thành phố được trang bị các thiết bị tường lửa tối thiểu, cài đặt phần mềm diệt virus cho các máy tính cá nhân. Tỉnh đã cấp chứng thư số cho 39 cơ quan, đơn vị với tổng số 1.998 chứng thư số, trong đó có 1.563 chứng thư số cá nhân và 435 chứng thư số cơ quan.
Toàn tỉnh đã thiết lập xong các thủ tục hành chính và kết nối hơn 500 thủ tục hành chính mức độ 3 và 4 với Cổng dịch vụ công quốc gia. Hoạt động giám sát an toàn thông tin trên không gian mạng được tăng cường liên tục, ngăn chặn 100% sự cố rà quét, tấn công vào trung tâm dữ liệu của tỉnh.
Năm 2021, Vĩnh Phúc đã khởi tố 5 vụ án với 5 bị can về tội “Vu khống” và “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” (Ảnh minh họa - nguồn công an tỉnh Vĩnh Phúc) |
Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh chủ động tham mưu giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng, hoàn thiện các quy định về bảo đảm an ninh trật tự trên không gian mạng cũng như các kế hoạch đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan và các địa phương nắm chắc, đánh giá đúng tình hình an ninh mạng để kịp thời tham mưu, xử lý hiệu quả với các tình huống xảy ra; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về đảm bảo an toàn an ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao.
Đặc biệt, công an các cấp tăng cường đấu tranh với đối tượng, nhóm đối tượng có biểu hiện hoạt động sử dụng bài viết, hình ảnh, clip đăng tải trên mạng xã hội để lăng mạ, nói xấu hoạt động của lực lượng công an và các cơ quan nhà nước khác nhằm cưỡng đoạt tài sản, gây rối trật tự công cộng, hạ uy tín lãnh đạo tỉnh, phá rối đại hội Đảng các cấp trên địa bàn.
Năm 2021, Vĩnh Phúc đã khởi tố 5 vụ án với 5 bị can về tội “Vu khống” và “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Toàn tỉnh đã phát hiện, đấu tranh, xử phạt hành chính 12 trường hợp, phạt tiền 90 triệu đồng và phối hợp xử phạt 1 trường hợp vi phạm về hành vi đăng thông tin sai sự thật trên không gian mạng; gọi, hỏi, răn đe, nhắc nhở, yêu cầu gỡ bỏ bài viết đối với 26 trường hợp; tác động, răn đe đối với trên 300 lượt quản trị viên các hội nhóm trên địa bàn; yêu cầu gỡ bỏ 1.900 lượt video, bài viết, hình ảnh chia sẻ nội dung chưa được kiểm chứng trên các trang mạng xã hội…
Sự chủ động tích cực của cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh không để xảy ra sự cố về mất an toàn thông tin, được Bộ Thông tin và Truyền thông xếp loại mức độ A, mức độ cao nhất về sẵn sàng bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại