Thứ ba 14/05/2024 19:30

Vĩnh biệt nhạc sĩ Cung Tiến - "Cha đẻ" của tình khúc kinh điển "Hương xưa"

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sau khi biết tin nhạc sĩ Cung Tiến qua đời, nhiều nghệ sĩ, khán giả Việt đã bày tỏ tiếc thương vô hạn.
Vĩnh biệt nhạc sĩ Cung Tiến -
Nhạc sĩ Cung Tiến không sáng tác nhiều nhưng những ca khúc của ông đều được khán giả đặc biệt yêu thích bởi ca từ đẹp và giai điệu cổ điển

Theo cáo phó của gia đình, nhạc sĩ Cung Tiến qua đời ngày 10/5 tại Mỹ. Tang lễ của ông được tổ chức ngày 2/6 trong phạm vi gia đình và một số bạn bè thân hữu. Sau khi hỏa táng, tro cốt của nam nhạc sĩ được đặt tại Nhà tang lễ, Công viên tưởng niệm núi Conejo (California).

Nhạc sĩ Cung Tiến có tên đầy đủ là Cung Thúc Tiến. Ông sinh năm 1938 tại Hà Nội, là nhạc sĩ nổi tiếng với dòng nhạc tiền chiến. Trong sự nghiệp của mình, nhạc sĩ Cung Tiến sáng tác không nhiều nhưng những ca khúc của ông đều được khán giả đặc biệt yêu thích bởi ca từ đẹp và giai điệu cổ điển.

Trước đây, nhạc sĩ Cung Tiến học xướng âm và ký âm với hai nhạc sĩ Chung Quân và Thẩm Oánh. 15 tuổi, nam nhạc sĩ gây bất ngờ cho giới chuyên môn cũng như công chúng khi ra mắt hai tác phẩm đầu tay là “Hoài cảm” và “Thu vàng” kể về nỗi nhớ quê nhà.

Năm 1957, nhạc sĩ Cung Tiến tiếp tục ra mắt ca khúc “Hương xưa” được nhận định là ca khúc nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của ông, đồng thời được coi là một trong những tình khúc bất hủ của tân nhạc.

Nhiều ca sĩ nổi tiếng của làng nhạc từng thể hiện ca khúc này như: Duy Trác, Sĩ Phú, Lệ Thu, Tuấn Ngọc, Trần Thu Hà,… Bản thân nhạc sĩ Cung Tiến cũng chia sẻ đây là ca khúc ông tâm đắc nhất trong số những sáng tác của mình.

Thập niên 1950-1960, nhạc sĩ Cung Tiến từng sáng tác, phê bình văn học, dịch thuật cho các tạp chí với bút hiệu Thạch Chương. Từ năm 1957 đến 1963, ông đi du học ở Australia ngành kinh tế, học thêm các khóa về dương cầm, hòa âm, phối khí. Ông tiếp tục sang Anh du học, học hỏi về âm nhạc vào những năm 1970. Năm 1987, sau khi định cư ở nước ngoài, ông sáng tác tấu khúc Chinh phụ ngâm.

Ông cũng từng dịch hai truyện ngắn là cuốn ”Hồi ký viết dưới hầm” của Dostoevsky và “Một ngày trong đời Ivan Denisovich” của Solzhenitsyn.

An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động