Việt Nam ghi nhận 11 trường hợp phản ứng nặng sau tiêm vắc-xin AstraZeneca
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTheo GS-TS. Đặng Đức Anh, đến nay theo thống kê của Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, hiện đã triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 AstraZeneca cho trên 11.000 đối tượng, thuộc nhóm ưu tiên theo quy định.
“Chúng tôi cũng theo dõi chặt chẽ phản ứng sau tiêm. Hiện có 11 trường hợp phản ứng nặng sau tiêm, đều được theo dõi, xử lý kịp thời, sức khỏe ổn định”, TS. Đặng Đức Anh nói.
Theo Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, các trường hợp rải rác nhiều đối tượng khác nhau. Chúng tôi có thăm khám ban đầu, không có bệnh nền nghiêm trọng. Phản ứng này chủ yếu sốt cao, tăng huyết áp, người tiêm đã được điều trị kịp thời, sức khỏe tốt, tiếp tục ổn định công tác.
Đối với một số ca xuất hiện phản vệ sau tiêm, TS. Đặng Đức Anh lý giải, sốc phản vệ thường là khi xuất hiện các phản ứng nặng sau tiêm chúng tôi sẽ có theo dõi đánh giá. Vừa rồi Bộ Y tế các địa phương ghi nhận phản ứng nặng sau tiêm thành lập các hội đồng chuyên môn để đánh giá nguyên nhân và tất cả các địa phương đã xuất hiện các trường hợp như vậy đều đã thực hiện thăm khám trước khi tiêm; khi hỏi thì chưa có thông tin cụ thể về bệnh lý nền. “Chúng tôi yêu cầu các địa phương tiếp tục theo dõi đánh giá. Chúng ta luôn ở trong kế hoạch tức là sẽ tiêm đủ vắc-xin cho toàn dân để có thể phòng dịch bệnh”.
Tại một số nước châu Âu đã đề nghị dừng tiêm vắc-xin AstraZeneca. Hiện nay, vắc-xin đã triển khai ở nhiều nước trên thế giới. Ở Áo có 1 lô vắc-xin gây phản ứng nghiêm trọng và bị dừng. Hiện 9 quốc gia tạm dừng để tiếp tục điều tra. Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan Dược phẩm Châu Âu, chưa có bằng chứng liên quan vắc-xin và phản ứng phụ nghiêm trọng gặp phải khi tiêm, đặc biệt ngưng máu.
Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 của AstraZeneca tại BV Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh ngày 8-3 (ảnh BYT). |
Đồng thời, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng khuyến cáo tiếp tục theo dõi để đánh giá căn nguyên. Ở Việt Nam đã triển khai tiêm trên 11.000 liều, đến nay chưa gặp trường hợp như ở châu Âu, chủ yếu sốt cao, huyết áp tăng, 1 số phản ứng khác. Chúng ta tiếp tục triển khai tiêm và theo dõi chặt chẽ phản ứng sau tiêm để đánh giá tính an toàn cũng như phản ứng an toàn sau tiêm.
TS. Đặng Đức Anh cho biết, hiện nay chúng ta nhập về việt nam 117.000 liều và có kế hoạch phân bổ đi các địa phương ưu tiên vào những nơi có dịch bệnh và các lực lượng như quân đội công an.
“Chúng tôi đã triển khai tiêm ở một số tỉnh và sẽ tiếp tục triển khai tiêm theo đúng kế hoạch. Cho đến thời điểm này đã tiêm dược trên 11.000 liều tức là khoảng 1/10. Hy vọng cuối tháng 3 sẽ hoàn thành. Thời điểm đó sẽ có tiếp vắc-xin theo cơ chế Covax sẽ về. Theo kế hoạch cuối tháng 3 có 1,4 triệu liều, tháng 4 sẽ có 2,5 triệu liều. Thời gian tới sẽ có đủ vắc-xin ngừa Covid-19 theo kế hoạch của chúng ta. Tổng kế hoạch sẽ có 150 triệu liều vắc-xin”.
Theo tin từ Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia (TCMR), tính đến 16g ngày 14-3 tổng cộng đã thực hiện tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho 11.605 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng. Số địa phương đã được triển khai tiêm từ ngày 8 đến 14-3 là 12 tỉnh, TP.
Trong ngày 14-3 Chương trình TCMR đã ghi nhận 2 trường hợp phản ứng nặng, trong đó 1 trường hợp có dấu hiệu chóng mặt, bồn chồn, khó chịu xuất hiện trong vòng 30 phút sau tiêm. Trường hợp thứ hai được chẩn đoán sốc phản vệ độ 3 với dấu hiệu ban đầu sốt, rét run kèm theo co quắp, tê bì tay xuất hiện 8 giờ sau tiêm. Cả hai trường hợp này được phát hiện và xử trí kịp thời theo đúng quy định, hiện tại sức khoẻ đã ổn định.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại