Thứ sáu 08/11/2024 07:26

Việt Nam: Dành 2.6% GDP hàng năm trợ giúp cho các nhóm đối tượng yếu thế

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
“Chính phủ Việt Nam luôn cam kết dành khoảng 2.6% tổng GDP hàng năm cho các chính sách, chương trình về trợ giúp xã hội cho các nhóm đối tượng yếu thế nhất trong xã hội, trong đó có phụ nữ và trẻ em gái…”, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung thông tin tại Khóa họp lần thứ 63 Ủy ban địa vị Phụ nữ Liên hiệp quốc (CSW 63).

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia thành viên trong Liên hiệp quốc khẳng định đảm bảo an sinh xã hội là một trong những mục tiêu hàng đầu trong chiến lược phát triển quốc gia. Hệ thống pháp luật, chính sách về đảm bảo an sinh xã hội cho người dân nói chung, cho phụ nữ và trẻ em gái nói riêng gồm 04 trụ cột: Chính sách thúc đẩy việc làm bền vững và giảm nghèo cho phụ nữ và trẻ em gái; Chính sách bảo hiểm xã hội; Chính sách trợ giúp xã hội và các chính sách bảo đảm mức tối thiểu một số dịch vụ xã hội cơ bản.

Thời gian qua, Việt Nam đã dành nhiều quan tâm và đạt được một số thành tựu trong lĩnh vực này: Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của lao động nữ Việt Nam là 71,2%, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ tương ứng của khu vực Đông Á-Thái Bình Dương là 61,1% và thế giới là 49,6%.

viet nam danh 26 gdp hang nam tro giup cho cac nhom doi tuong yeu the
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam phát biểu tại phiên chính thức CSW 63.

Báo cáo năm 2018 của Mastercard cho biết: tỷ lệ nữ chủ doanh nghiệp của Việt Nam đạt 31,3% trên tổng số chủ doanh nghiệp và xếp thứ 6/57 quốc gia được xếp hạng. Việt Nam đang là quốc gia duy nhất của Châu Á có mặt trong 10 nước cao nhất toàn cầu về chỉ số này và tiếp tục duy trì thứ hạng về chỉ số cơ hội và tham gia vào nền kinh tế của phụ nữ...

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu bình đẳng giới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, Việt Nam, các quốc gia ASEAN và nhiều quốc gia thành viên khác hiện đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, đặc biệt trong bối cảnh già hóa dân số, gia tăng khoảng cách giầu nghèo, biến đổi khí hậu diễn ra phức tạp.

“Mục tiêu của chúng tôi là tập trung vào việc hoàn thiện khung luật pháp chính sách về an sinh xã hội, ưu tiên vấn đề cải cách bảo hiểm xã hội, học tập suốt đời cho phụ nữ và trẻ em gái, việc làm đối với phụ nữ cao tuổi và phụ nữ di cư”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

“Các quốc gia thành viên hãy cam kết dành một tỷ lệ GDP thích đáng vào ngành dịch vụ chăm sóc, đặc biệt trong các dịch vụ xã hội và chăm sóc trẻ em. Nghiên cứu cho thấy chỉ cần đầu tư 2% GDP vào dịch vụ này, số lượng việc làm sẽ tăng khoảng 2,4 - 6,1%. Từ đó, phần lớn các công việc tạo ra có thể do phụ nữ đảm nhiệm, làm giảm khoảng cách giới trong việc làm, và các chính sách này sẽ thúc đẩy việc làm nói chung và tăng trưởng kinh tế”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung kêu gọi.

Ngày 13-3 tại New York (Hoa Kỳ), Khóa họp lần thứ 63 Ủy ban địa vị Phụ nữ Liên hiệp quốc (CSW 63) diễn ra với chủ đề: “Xây dựng liên minh cho hệ thống an sinh xã hội, tiếp cận dịch vụ công và cơ sở hạ tầng bền vững vì mục tiêu bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em”.

Phát biểu tại Khóa họp, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam khẳng định “Chủ đề này hoàn toàn phù hợp với những ưu tiên vì mục tiêu bình đẳng giới cần phải thúc đẩy trong bối cảnh hiện nay, thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa các Công ước quốc tế về quyền con người, quyền của phụ nữ và trẻ em gái, Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh”.
Thanh Hải
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động