Thứ sáu 17/05/2024 08:00

Viết cho ngày Lễ tình nhân: Chúng ta bên nhau được bao lâu?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Lượn một vòng trên facebook vào ngày Valentine, thứ thu hút tôi không phải là sô-cô-la hay hoa hồng, cũng không phải là những món quà đắt tiền nhiều người được tặng, mà là hình ảnh một cụ ông chống nạng đứng một mình ngoài ngõ ngóng con cháu mang di cốt của cụ bà về.  

Tôi đã khóc ngay từ giây phút đầu tiên nhìn thấy bức ảnh đó. Câu chuyện về cụ ông được người cháu dâu chia sẻ: Nhìn cảnh ông nội đứng đợi di cốt của bà nội mà không kìm lòng được. Ông đứng đợi 1 mình đến lúc cốt của bà về ông chào tạm biệt bà lần cuối để bà về với cõi vĩnh hằng. Nhìn ông khóc rồi chống nạng đi mà lòng nặng trĩu. Bà về với các cụ rồi còn mình ông, hơn 60 năm ông bà bên nhau, giờ bà đi rồi”

Khi đang viết những dòng chữ này, tôi vẫn băn khoăn có nên đăng hình ảnh đó vào bài hay không? Tôi nghĩ một bức hình có thể thay vạn lời nói nên tôi muốn các bạn được xem bức ảnh đó. Tôi tin sẽ có nhiều người chung niềm cảm xúc giống tôi. Tôi cũng ước, sau này, khi về già, tôi sẽ đợi chờ hoặc được đợi chờ như vậy.

viet cho ngay le tinh nhan chung ta ben nhau duoc bao lau
Cụ ông đứng một mình chờ con cháu mang di cốt của cụ bà về (nguồn facebook My Đôla)

Thật lạ, cứ khi nào nhìn thấy bức ảnh nào về các cụ ông, cụ bà, ngay lập tức giây phút đó tôi nghĩ đến ông bà của mình – hai người có ảnh hưởng nhất đến cuộc đời tôi. Và lần này cũng vậy.

Tôi lớn lên bên cạnh ông bà nội nên tôi hiểu tình cảm của ông bà đối với nhau sâu sắc như thế nào. Cứ ngày nào ông hoặc bà vắng nhà là ngày đó người còn lại ở nhà cứ ra vào trông ngóng. Ông và bà nhớ từng thói quen của nhau. Sáng nào bà cũng dậy sớm nấu bánh đa (hay còn gọi là bún khô) cho ông. Bà thường tự tay làm dấm tỏi cho ông nữa. Tôi cảm nhận chỉ cần nghe tiếng xì xụp húp canh của ông thôi bà đã cảm thấy hạnh phúc lắm rồi. Ông thì chẳng bao giờ ăn hàng quán bởi với ông, món ăn bà nấu bao giờ cũng tuyệt hảo nhất. Ông bà còn có thói quen người kia nói điều gì, người còn lại cũng đáp một cách tình cảm: Vâng,...

Ngày nào phải đi họp dưới huyện cách nhà 7 cây số, ông tôi thường lựa chọn đi xe đạp thay vì xe bus. Ông không biết đi xe máy nên thường làm bạn với cái xe đạp thống nhất có tuổi đời có lẽ hơn tuổi tôi. Bà bảo cứ ngày nào ông “phi” xe đi đây đi đó là bà mừng bởi chỉ có khi ốm, ông mới chịu ở nhà.

Ông bảo ông đi xe đạp để tiết kiệm tiền, mua quà về cho cháu, cho bà. Ngày đó, mỗi lần đi họp ông được 10 hoặc 20 nghìn tiền chế độ. Ông chẳng khi nào tiêu cho mình, luôn trích một nửa mua quà cho cháu, còn một nửa tiền mang về tặng bà. Tôi biết bà vui không phải vì được ông tặng tiền mà vui vì lúc nào cũng được ông nghĩ đến.

Rồi ông tôi bị ung thư. Ngày nhận được tin dữ có lẽ là ngày buồn nhất của đại gia đình tôi, và người buồn nhất chính là ông bà. Ngày ông khăn gói lên viện K điều trị, bà chuẩn bị rất đồ đạc cho ông. Bà dặn ông hết điêu này đến thứ nọ. Bà đòi lên viện chăm ông nhưng gia đình tôi, đặc biệt là ông không đồng ý vì sợ bà già yếu, nhìn ông xạ trị lại càng xót xa. Ông dặn bà ở nhà yên tâm, ông sẽ cố gắng điều trị, ăn uống tốt để sớm được về. Thế là ngày nào ông cũng điện thoại về cho bà hỏi bà đang làm gì, bà ăn chưa, ăn được mấy bát,… Kết thúc cuộc điện thoại bao giờ cũng là: “Bà ở nhà yên tâm, tôi sắp được về rồi”.

Khi ông điều trị được một nửa thời gian trên viện thì bà bất ngờ đòi lên Hà Nội. Nếu như trước đây bà lấy lý do sợ Thủ đô chật chội, nhiều xe cộ để khỏi phải đi thì hôm đó, tôi thấy bà mạnh mẽ hẳn. Đi xe bus, bà không bị say, ánh mắt ánh lên niềm vui vì sắp được gặp ông. Tôi và bà bắt xe ôm từ điểm dừng xe bus vào chỗ ông trọ (ông tôi điều trị ngoại trú). Tôi biết bà sợ đi xe ôm, bản thân chú xe ôm hôm đó cũng đi lắt léo nhưng bà chẳng một lời kêu ca bởi trước mắt bà chính là ông.

Hai ông bà nhìn thấy nhau mừng ra mặt. Ông tôi dậy sớm tự đi mua thức ăn về nấu cơm vì sợ bà đi đường xa đói bụng. Hôm đó, sau khi xạ trị xong, ông còn về đưa bà ra nhà tù Hòa Lò tham quan. Không ai nghĩ ông đang mắc trọng bệnh. Nhìn tình yêu và sự lạc quan của ông bà, tôi chỉ mong có điều kỳ diệu giúp ông tôi khỏi bệnh sống thật lâu bên bà.

Ngày ông ra đi, bà khóc ngất. Dẫu biết rằng điều đó sớm hay muộn cũng xảy ra nhưng dường như bà chưa sẵn sàng. Cho đến tận bây giờ, bà vẫn thường mua những thứ ông thích về đặt lên bà thờ ông. Khi thì cành ly, khi thì lon bia, lúc lại là bánh,… Ông thích chơi hoa ngày Tết nên năm nào bà cũng mua hoa về trang trí đặt dưới bàn thờ ông. Bà bảo, ông mà về nhìn thấy hoa, chắc ông thích lắm. Tôi tin chắc, với bà, 70 năm bên ông vẫn quá ngắn ngủi. Và tôi cũng tin, dù ông không còn bên cạnh bà bằng xương thịt nhưng ông luôn bên cạnh bà. Mỗi khi nhìn lên bầu trời đầy sao, tôi luôn nghĩ ông là một trong số vì tinh tú đó đang dõi theo bà.

Anh rể tôi cũng đang mắc trong mình căn bệnh ung thư quái ác. Đây là giai đoạn anh phải chống chọi với những cơn đau như chết đi sống lại. Anh luôn mong ước được đưa vợ con đi du lịch để tận hưởng những tháng ngày quý giá bên nhau. Chị tôi không giỏi thể hiện tình cảm bằng những lời ngọt ngào hoa mỹ, thay vào đó, chị thường nấu những món ăn ngon mà anh thích. Chị tôi nóng tính nhưng từ khi anh bệnh, chị cũng phải nhịn tính này đi. Tất cả là vì chị muốn trân trọng những giây phút hạnh phúc gia đình bên nhau. Chưa khi nào tôi thấy con người ta quý trọng những giây phút có nhau bên đời đến thế.

Tôi tự hỏi tại sao nhiều cụ ông, cụ bà vẫn đồng hành cùng nhau, quan tâm nhau trìu mến đến tận cuối cuộc đời như thế trong khi không ít cặp vợ chồng trẻ ngày nay đang dần đánh mất điều đó. Những cái tôi bản thân của nhiều người quá lớn khiến họ không muốn lắng nghe để thấu hiểu người bạn đời của mình. Nhiều người vì giận vợ, trách chồng mà sẵn sàng ngả vào tay người khác. Tình cảm vợ chồng là thiêng liêng, là duy nhất, tại sao lại dễ dàng sẻ chia như thế để rồi có thể phải nhận những cái kết đắng. Khi nhận ra thì đã không còn quyền được sửa sai.

viet cho ngay le tinh nhan chung ta ben nhau duoc bao lau

Hãy trân trọng những giây phút được bên cạnh nhau, cho dù là người bạn đời, người thân hay bạn bè của mình. Bởi cuộc sống không nói trước được điều gì cả. Chúng ta có thể được bên cạnh nhau 10 năm, 50 năm, nhiều hơn nữa hoặc cũng có thể ít hơn rất, rất nhiều. Nếu cứ mải giận hờn, trách móc những chuyện không đâu hay tiết kiệm sự sẻ chia, yêu thương nhau thì có một ngày, khi ta nhận ra thời gian bên cạnh nhau quý giá nhường nào thì đã quá muộn. Đừng bao giờ để phải nói hai chữ “giá như”. Và xin đừng buông tay nhau khi chưa nỗ lực, cố gắng hết mình vì nhau.

Valentine này tôi không có quà nhưng vẫn thấy vui vì chỉ cần được nhìn chồng con mạnh khỏe bên cạnh mình thì đó là món quà khiến tôi hạnh phúc nhất rồi.

Hồng Giang
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động