Thứ bảy 23/11/2024 05:16

Vì sao nhiều tài sản đấu giá thi hành án không thành?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
“Tập trung cao độ chỉ đạo giải quyết các vụ việc trọng điểm, phức tạp kéo dài, các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng, vụ việc có giá trị phải thi hành lớn. Đồng thời quyết liệt thi hành án đối với các vụ việc tham nhũng - kinh tế, nâng cao hơn nữa tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước trong các vụ án tham nhũng, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao” – Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành thi hành án dân sự Hà Nội trong năm 2019.

Theo báo cáo của Cục THADS TP Hà Nội, tổng số các vụ án trọng điểm năm trước chuyển sang năm 2018 là 58 tương đương 297.502.297.000 đồng. Ngành THADS TP đã thi hành xong 21 việc, tương đương 98.094.910.000 đồng, trong đó: 10 việc xong hoàn toàn, 3 việc ủy thác với số tiền 43.040.405.000 đồng, 8 việc xử lý hết tài sản, không còn tiền, tài sản để thi hành án, đã ra quyết định chưa có điều kiện thi hành số tiền 32.942.053.000 đồng.

Hiện số vụ việc còn lại chưa thi hành xong là 45 việc, giá trị phải thi hành 199.407.387.000 đồng. Trong đó: 8 việc đã ra quyết định việc chưa có điều kiện thi hành án; 8 việc đã kê biên đang bán đấu giá tài sản (3 việc bán trên 10 lần ); 6 việc đã có công văn yêu cầu tòa giải thích; 15 việc đề nghị Tổng cục đưa ra khỏi danh sách án trọng điểm (2 việc ủy thác).

vi sao nhieu tai san dau gia thi hanh an khong thanh
Năm 2019, Hà Nội đặt mục tiêu nâng cao hơn nữa tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước trong các vụ án tham nhũng. (Ảnh: TTXVN)

Theo Cục THADS TP Hà Nội, mặc dù Cục đã triển khai rà soát, lập danh sách, lập kế hoạch tổ chức thi hành án trọng điểm theo yêu cầu của Tổng cục THADS nhưng kết quả không cao. Nguyên nhân là do khối lượng công việc nhiều với tính chất phức tạp, nhiều việc bán đấu giá nhiều lần không có người mua, người phải thi hành án chống đối quyết liệt hoặc chưa được sự ủng hộ, đồng tình của chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, một số bản án, quyết định của Tòa án tuyên không rõ, khó thi hành, đã có công văn đề nghị tòa giải thích nhưng chậm, có việc chưa nhận trả lời của tòa dẫn đến khó khăn trong việc thi hành. Ngoài ra, nguyên nhân chủ quan là do cán bộ, công chức chưa thực sự tích cực có giải pháp, biện pháp tổ chức thi hành vụ việc.

Đối với số việc, tiền tồn chưa thi hành, Cục THADS cho biết chủ yếu là số việc, tiền chưa có điều kiện thi hành chuyển từ năm này sang năm khác và ngày càng tăng thêm. Trong đó, số việc chưa có điều kiện là 11.521 việc. “Loại việc này tồn đọng kéo dài do vướng mắc về cơ chế xét miễn giảm nghĩa vụ thi hành án do người phải thi hành án không có điều kiện để nộp một phần khoản tiền thi hành án để có đủ điều kiện xét miễn, giảm, loại việc này cơ quan THADS vẫn phải theo dõi, xác minh định kỳ”, báo cáo cho biết.

Về số án liên quan đến tín dụng ngân hàng trên địa bàn TP, năm 2018 tăng cả về việc và giá trị phải thi hành. Cụ thể, số việc phải thi hành loại này là: 3.821 việc, số tiền phải thi hành là 18.948.717.416.000 đồng (chiếm 8% về việc và 71% về tiền trong tổng số việc và giá trị phải thi hành). Cơ quan THADS TP đã huy động mọi nguồn lực để tiến hành xác minh, kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án để thu hồi tiền cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Tuy nhiên, kết quả thi hành loại việc này đạt thấp vì nhiều nguyên nhân. Cụ thể như: Đa số các vụ việc thi hành án đều có tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, cơ quan THADS đã kê biên, định giá, bán đấu giá tài sản nhưng hầu hết chưa bán được, rất ít vụ việc phía tổ chức tín dụng nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án sau lần giảm giá thứ 2 theo quy định của pháp luật dẫn đến việc thi hành án bị kéo dài, không giải quyết dứt điểm được vụ việc.

Các tài sản bán đấu giá nhiều lần không thành đều là bất động sản, tính thanh khoản rất thấp, thuộc khu vực ít có giao dịch; khi bán đấu giá, giảm giá nhiều lần vẫn không có người đăng ký tham gia đấu giá, trả giá, có việc bán đấu giá 16 lần vẫn không bán được tài sản dẫn đến việc thi hành án bị kéo dài và gây tốn kém, lãng phí. Hệ quả là, có điều kiện nhưng trên thực tế vẫn không thi hành án được gây áp lực cho cơ quan thi hành án.

Việc giao tài sản đã bán đấu giá thành cũng gặp nhiều khó khăn, hầu hết phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án vì tài sản vẫn do người phải thi hành án quản lý và là chỗ ở duy nhất của người có tài sản, không có nơi ở khác. Hầu hết các vụ việc này người phải thi hành án đều không tự nguyện thi hành, cơ quan THADS muốn giao được tài sản phải tổ chức cưỡng chế có huy động lực lượng. Tuy nhiên, còn nhiều vụ việc chưa tổ chức cưỡng chế giao tài sản được do chính quyền địa phương và các cơ quan, ban ngành chưa thực sự vào cuộc, chưa chỉ đạo quyết liệt việc phối hợp tham gia cưỡng chế giao tài sản làm vụ việc bị kéo dài.

Nhiều trường hợp đối tượng phải thi hành án trong các vụ án liên quan đến các ngân hàng, tổ chức tín dụng là các DN tư nhân, Cty trách nhiệm hữu hạn, Cty CP… đến giai đoạn thi hành án thì các DN hầu như đã ngừng hoạt động không còn ở địa chỉ đăng ký kinh doanh hoặc bỏ trốn; nhiều trường hợp cơ quan thuế đã ra thông báo về việc nợ thuế… dẫn đến việc thi hành án bị tồn đọng do chưa có điều kiện thi hành án.

Đối với án kinh tế tham nhũng, năm 2018 được đánh giá là năm có nhiều khó khăn, thách thức đối với các cơ quan THADS TP Hà Nội khi trên địa bàn TP liên tiếp xảy ra các vụ đại án hình sự kinh tế-tham nhũng lớn, có tính chất đặc biệt phức tạp. Nhiều vụ có giá trị tài sản phải thi hành rất lớn, việc xác minh, xác định tài sản, quyền sở hữu tài sản, điều kiện thi hành án và xử lý tài sản gặp rất nhiều khó khăn như: Vụ Giang Kim Đạt - Trần Văn Liêm, vụ Nguyễn Văn Tuấn, Bùi Mạnh Hà với giá trị phải thi hành trên 167 tỷ đồng với trên 200 nguyên đơn dân sự; vụ Hà Văn Thắm, vụ Trịnh Xuân Thanh… cơ quan THADS mới thụ lý, đang tiến hành các trình tự xác minh và xử lý tài sản theo quy định.

Ngoài ra, nhiều vụ việc, giá trị thực cả tài sản bảo đảm, hoặc tiền, tài sản mà cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cơ quan THADS kê biên, xử lý để thi hành án có giá trị rất nhỏ so với số tiền phải thi hành án (Ví dụ: vụ Phạm Thị Bích Lương phải bồi thường trả Ngân hàng NN&PTNT thôn số tiền hơn 2.500 tỷ nhưng kết quả xử lý tài sản của Phạm Thị Bích Lương chỉ có trị giá trên 1,2 tỷ đồng, số tiền còn lại không có điều kiện thi hành án).

Thanh Hải
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động