Vì sao Bộ Tài chính không đồng ý giảm 50% phí trước bạ với ô tô trong nước?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBộ Tài chính không đồng ý giảm 50% phí trước bạ với ô tô trong nước |
Trước đó, nhiều doanh nghiệp, Hiệp hội ô tô trong nước đã đề nghị Chính phủ tiếp tục cho giảm 50% phí trước bạ xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước như đã áp dụng từ năm 2021, 2022.
Về vấn đề này, theo Bộ Tài chính, từ tháng 12/2019, dịch Covid-19 bùng phát và nhanh chóng lan rộng ra các quốc gia trên thế giới. Để góp phần hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước phục hồi sản xuất, kinh doanh trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã 2 lần xây dựng, trình Chính phủ ban hành các Nghị định giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
“Việc điều chỉnh giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thời gian qua về cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra, có tác động tích cực đối với người tiêu dùng, nhà sản xuất, phân phối ô tô nói riêng và đối với nền kinh tế nói chung…Tuy nhiên, chính sách này lại được đánh giá là có ảnh hưởng tiêu cực trong việc thực hiện các cam kết quốc tế”, Bộ Tài chính cho biết.
Bộ Tài chính cho biết có ý kiến cho rằng chính sách này có khả năng chưa tuân thủ hoàn toàn quy định theo nguyên tắc Đối xử quốc gia trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các Hiệp định thương mại tự do (FTAs).
Hiện Việt Nam đã tham gia WTO, ký nhiều FTA song và da phương, trong đó cam kết thực hiện nguyên tắc đối xử quốc gia trong thương mại và đầu tư. Theo đó, hiện chính sách thuế, lệ phí, phí trong các văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng thống nhất giữ hàng hoá sản xuất trong nước và hàng hoá nhập khẩu.
Nếu tiếp tục thực hiện chính sách giảm 50% phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước các nước WTO có thể nhìn nhận việc này như một khoản trợ cấp Chính phủ và Việt Nam có thể nhận được yêu cầu giải thích từ một số quốc gia không có hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam.
Bộ Tài chính khẳng định, trường hợp cần thực hiện giảm thu lệ phí trước bạ đối với ô tô thì phải thực hiện giải pháp giảm chung cho cả ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước và ô tô nhập khẩu, điều này sẽ dẫn đến việc giảm thu ngân sách, ảnh hưởng đến cân đối ngân sách của các địa phương, nhất là trong điều kiện đây là khoản thu ngân sách địa phương được hưởng 100% theo Luật Ngân sách Nhà nước.
Ngoài ra, theo Bộ Tài chính dẫn giải, khi xây dựng một số nghị định liên quan, Bộ Tư pháp cũng chỉ ra việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước chỉ tạm thời, nhưng có thể bị coi là phân biệt đối xử về thuế giữa ô tô trong nước và ô tô nhập khẩu.
Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Tài chính rà soát các cam kết quốc tế, từ đó báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định. Bộ Tài chính cho biết, khi trình Chính phủ, Bộ chỉ coi đây là giải pháp hỗ trợ ngắn hạn dưới tác động của dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy.
Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2023, Bộ này cũng đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ô tô trong nước như gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm tiền thuê đất, tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn…
“Hiện nay, dịch Covid-19 đã được kiểm soát, do đó việc tiếp tục thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước ở thời điểm hiện nay là chưa phù hợp”, Bộ Tài chính nêu quan điểm.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cho biết, khi trình Chính phủ ban hành chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ nếu áp dụng chính sách này thì chỉ coi đây là giải pháp hỗ trợ ngắn hạn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trước những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy.
Theo Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 07/3/2023 của Chính phủ tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3/2023, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo. Các ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế tiếp tục có xu hướng phục hồi, ổn định và phát triển. Đồng thời hiện nay, dịch Covid-19 đã được kiểm soát. Do đó, việc tiếp tục thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước ở thời điểm hiện nay là chưa phù hợp.
Ngoài ra, về vấn đề này, tại Công văn số 01032023/VIVA ngày 13/3/2023 của Hiệp hội Các nhà nhập khẩu ô tô Việt Nam (VIVA), Công văn số 16032023/MSC/FUC ngày 16/3/2023 của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) về đề xuất ưu đãi lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, trong đó VIVA, EuroCham đã đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ đối với cả ô tô nhập khẩu và ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Trên cơ sở nội dung báo cáo nêu trên, Bộ Tài chính đề nghị trong bối cảnh hiện nay chưa đặt vấn đề tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Năm 2023, để kịp thời, chủ động trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính đã và sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến, cân đối với điều kiện thực tế để nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền các giải pháp phù hợp, trước mắt tập trung nghiên cứu triển khai một số giải pháp ngay từ đầu năm 2023 để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Trong số đó, có doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Cụ thể như: Gia hạn thời hạn nộp thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân) và tiền thuê đất phải nộp để hỗ trợ thành khoản, giúp doanh nghiệp, người dân giải quyết khó khăn về vốn trong sản xuất kinh doanh; giảm tiền thuế đất năm 2023; tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn áp dụng trong năm 2023 (Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 ngày 30/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội). |
Bộ Tài chính đề xuất tăng phí sát hạch lái xe ô tô, xe máy | |
Đề xuất giảm 50% phí trước bạ với ôtô trong nước để kích cầu | |
Có thể khai lệ phí trước bạ điện tử đối với ô tô, xe máy |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại