Vận tải hành khách tuyến cố định gặp cạnh tranh lớn từ xe trá hình
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHoạt động vận tải tại bến xe Nước Ngầm, Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Đăng |
Xe dù, bến cóc phát triển rầm rộ
Tại cuộc đối thoại của Sở Giao thông vận tải Hà Nội (GTVT) với các đơn vị bến xe và đơn vị vận tải được tổ chức mới đây, đại diện các bến xe, DN vận tải cho rằng, hoạt động vận tải khách tuyến cố định hiện đang gặp phải sự cạnh tranh rất lớn từ hoạt động của xe dù, bến cóc, xe limousine trá hình hoạt động như xe khách tuyến cố định. Cũng vì không cạnh tranh được, không ít DN vận tải đã phải bỏ bến ra ngoài chạy dù.
Đại diện Cty CP Xe khách Hà Nội cho biết, trong các năm qua, các cơ quan liên quan đều nhận diện được nguyên nhân dẫn tới việc xe dù, bến cóc phát triển rầm rộ. Nhiều đơn vị vận tải "lách" luật hoạt động trá hình như xe khách liên tỉnh tuyến cố định. Lực lượng chức năng cũng thường xuyên tổ chức kiểm tra, xử lý nhưng vi phạm không giảm.Kiểm tra, xử lý vi phạm chỉ là xử lý phần ngọn, giải pháp hiệu quả là phải tạo điều kiện cho loại hình vận tải chính thống phát triển, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của hành khách.
Theo ông Nguyễn Tuyển - Trưởng Phòng Quản lý vận tải, Sở Giao thông vận tải (Sở GTVT) Hà Nội, mặc dù công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng Thanh tra Sở GTVT và các lực lượng chức năng được tăng cường. Tuy nhiên, với nhu cầu của xã hội liên quan đến hoạt động vận tải ngày càng tăng cao nên các xe tuyến cố định bỏ bến, chạy sai hành trình vẫn diễn ra trên một số tuyến đường khi không có lực lượng kiểm tra; xe ôtô dừng đón, trả khách trên các tuyến đường xung quanh khu vực các bến xe vẫn còn tái diễn, gây cản trở giao thông, bức xúc trong dư luận...
Ông Nguyễn Tuyển cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên do khâu tổ chức vận hành bến, tổ chức giao thông tại một số bến xe còn chưa khoa học, chưa thuận lợi cho xe ra vào bến; vị trí địa lý giữa các bến xe trên cùng một hướng tuyến còn gần nhau…
Mặt khác, tại một số khu vực (tập trung chủ yếu tại các bến xe khách) phát sinh tình trạng xe hợp đồng trá hình hoạt động đón trả khách sai quy định… Trong khi đó, các bến xe trên địa bàn TP chưa được quan tâm đầu tư, công tác ứng dụng công nghệ thông tin để thu hút hành khách sử dụng dịch vụ chưa có; chưa tổ chức tốt công tác trung chuyển hành khách, nâng cao chất lượng phục vụ để thu hút hành khách đến bến…
Cần tạo điều kiện cho các loại hình vận tải chính thống
Thừa nhận xe dù, xe limousine dù vi phạm nhưng lại hấp dẫn hành khách bởi sự tiện lợi, đưa đón tận nhà với giá cả cạnh tranh. Nhằm tạo điều kiện cho các loại hình vận tải chính thống, chính danh phát triển, đại diện hãng xe Kumho Việt Thanh kiến nghị, cần rà soát lại quy hoạch luồng tuyến do Bộ GTVT công bố. “Ví dụ như tuyến Hà Nội - Quảng Ninh, chúng tôi khai thác hiện phải đi theo Quốc lộ 18, mất 3,5 - 4 tiếng mới tới nơi. Trong khi đó, xe limousine đi cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chỉ mất hơn 2 tiếng. Đó là nguyên nhân chính nhiều khách chuyển sang lựa chọn xe limousine”.
Còn theo GĐ bến xe Nước Ngầm Nguyễn Văn Lập, sử dụng xe trung chuyển là phương án hợp lý nhất để đưa hành khách đến với bến và các nhà xe mà vẫn giữ vững trật tự quy hoạch luồng tuyến vận tải Bộ GTVT đã công bố. Tuy nhiên, để tránh manh mún, dàn trải, có thể nghiên cứu cho chính các đơn vị quản lý bến xe xây dựng và vận hành đoàn xe trung chuyển phục vụ hành khách và DN vận tải.
Lãnh đạo Công ty TNHH liên doanh vận tải quốc tế Hải Vân cũng chia sẻ, hiện theo quy định giữa các lốt xe xuất bến phải giãn cách thời gian khá dài. Nhiều khi hành khách phải chờ đợi quá lâu, hoặc xe dù, xe trá hình chen vào giữa hai lốt xe lấy mất khách, khiến xe vận tải hành khách tuyến cố định gặp khó. Do đó, đề nghị cần phải sửa đổi quy định này, cho phép thu hẹp thời gian chờ giữa các lốt xe, thậm chí cho xuất bến cùng lúc nhiều xe trong những ngày cao điểm.
Nhận diện rõ những bất cập về xe dù, bến cóc, GĐ Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh: Sở sẽ rà soát, tổng hợp các vấn đề để tìm phương án giải quyết, hoặc trình lên TP, Bộ GTVT xem xét tháo gỡ. Đồng thời, yêu cầu các bến xe và DN vận tải phải phối hợp chặt chẽ, đồng hành với nhau để cùng đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, qua đó thu hút hành khách. Sở GTVT Hà Nội ủng hộ chủ trương thí điểm phát triển xe trung chuyển hành khách, nhưng loại hình này phải có nhận diện thương hiệu, lộ trình rõ ràng là từ bến đến bến, từ bến đến các điểm trung tâm TP để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông.
Hiện nay, mạng lưới tuyến vận tải hành khách tuyến cố định liên tỉnh đường bộ của Hà Nội kết nối 41 tỉnh, TP với 897 tuyến vận tải, 502 đơn vị vận tải, 3.303 phương tiện, hoạt động 3.556 chuyến/ngày (trong đó có 38 đơn vị vận tải thuộc Hà Nội với tổng cộng 450 xe). |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại