Thứ năm 20/02/2025 05:51
Giải đáp chính sách

Ứng dụng công nghệ số trong tiếp nhận, xử lý phản ánh về văn bản quy phạm pháp luật

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 5/2/2025, Thủ tướng ban hành Quyết định 244/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Ứng dụng công nghệ số trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hỏi: Tôi được biết, Thủ tướng vừa ban hành Quyết định 244/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Ứng dụng công nghệ số trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật. Xin quý báo cho biết về các nhiệm vụ được nêu trong Quyết định?

(Nguyễn Hồng Hạnh, trú tại huyện Thanh Oai, Hà Nội)

Trả lời:

Về câu hỏi của quý bạn đọc, xin trả lời như sau:

Ngày 5/2/2025, Thủ tướng ban hành Quyết định 244/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Ứng dụng công nghệ số trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, nhiệm vụ được nêu:

Đánh giá khách quan, đầy đủ thực trạng tiếp nhận, xử lý thông tin do cá nhân, tổ chức, cơ quan phản ánh, kiến nghị về quy định pháp luật có mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả tiếp nhận, xử lý thông tin về quy định có mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp trong hệ thống pháp luật thông qua việc tự động hoá tối đa các khâu: tiếp nhận, phân loại, chuyển phản ánh, kiến nghị tới cơ quan có thẩm quyền xử lý; công khai, chia sẻ kết quả trả lời; theo dõi, đánh giá hiệu quả xử lý; thống kê, tổng hợp và báo cáo.

Xây dựng, vận hành Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật tích hợp với thông tin, dữ liệu có trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia (CSDLQG) về pháp luật, CSDLQG về dân cư, ứng dụng định danh Quốc gia, Cổng Dịch vụ công Quốc gia để giảm thiểu chi phí xã hội, rút ngắn thời gian, tăng tính xác thực và nâng cao hiệu quả hoạt động rà soát văn bản quy phạm pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật, phản ứng chính sách. Chức năng của Hệ thống thông tin bao gồm:

- Gửi kiến nghị, phản ánh và xử lý thông tin của cơ quan tiếp nhận:

Cá nhân, cơ quan, tổ chức và DN gửi phản ánh, kiến nghị về các chính sách trong văn bản quy phạm pháp luật thông qua Ứng dụng trên thiết bị di động (app PACS) hoặc Trang thông tin (website); căn cứ vào thông tin về văn bản quy phạm pháp luật được phản ánh, kiến nghị thì phần mềm tự động đánh giá, lọc cơ quan chủ trì soạn thảo để đề xuất cá nhân, cơ quan, tổ chức và DN lựa chọn cơ quan nhận phản ánh, kiến nghị. Trường hợp phát hiện thông tin phản ánh, kiến nghị không đảm bảo chính xác, phần mềm sẽ tự động loại bỏ/không tiếp nhận phản ánh.

- Tiếp nhận và phân luồng phản ánh, kiến nghị:

Trách nhiệm xử lý, chủ trì xử lý thuộc về cơ quan có trách nhiệm rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (là cơ quan đã chủ trì tham mưu ban hành/cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật có kiến nghị, phản ánh). Nội dung này được xác định trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản quy phạm pháp luật. Hệ thống sẽ tự động phân luồng trên cơ sở nguyên tắc này.

- Xử lý phản ánh, kiến nghị:

Cơ quan xử lý phản ánh, kiến nghị thực hiện việc nghiên cứu, xử lý phản ánh, kiến nghị thông qua chức năng trên Hệ thống.

- Trả lời phản ánh, kiến nghị:

Đối với nội dung phản ánh, kiến nghị liên quan đến việc áp dụng pháp luật thì cơ quan ban hành văn bản/cơ quan tham mưu ban hành văn bản có thẩm quyền, trách nhiệm trả lời cá nhân, cơ quan, tổ chức, DN đã gửi phản ánh, kiến nghị. Ngoài ra, đối với nội dung phản ánh, kiến nghị liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật thì các chủ thể có thẩm quyền ngoài việc tiếp nhận, trả lời sẽ gửi đồng thời đến Bộ Tư pháp để tổng hợp. Kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị được công khai cho mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức và DN thông qua trang thông tin phản ánh chính sách và trên app PACS.

- Đánh giá kết quả xử lý:

+ Cá nhân, cơ quan, tổ chức và DN gửi phản ánh, kiến nghị có quyền phản hồi lại thông tin nhằm làm rõ hơn kết quả xử lý của cơ quan nhà nước và đánh giá kết quả xử lý của cơ quan nhà nước với 5 tiêu chí sau: (1) Rất hài lòng; (2) Hài lòng; (3) Bình thường; (4) Không hài lòng; (5) Rất không hài lòng và Ý kiến khác (nếu có).

+ Các phản ánh, kiến nghị sẽ được phân loại theo kết quả xử lý, bao gồm: số phản ánh, kiến nghị nghiên cứu, tiếp thu; số phản ánh, kiến nghị giải trình, cung cấp thông tin; số phản ánh, kiến nghị trả lại, đề nghị bổ sung thông tin. Tổng hợp kết quả giải quyết, xử lý phản ánh, kiến nghị.

+ Để phục vụ cho công tác quản lý, thống kê, báo cáo, các phản ánh kiến: nghị sẽ được tổng hợp theo một số tiêu chí sau: (1) Số tiếp nhận; (2) Số đầy đủ thông tin để chuyển xử lý; (3) Số yêu cầu bổ sung, cung cấp thêm thông tin; (4) Số giải quyết.

Hà Nội rà soát, đồng bộ, thống nhất văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Luật Thủ đô
Dự thảo Luật Ban hành VBQPPL: bổ sung nội dung, trách nhiệm tổ chức thi hành luật
LS. Nguyễn Trung Tiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động