Thứ sáu 08/11/2024 07:25

UBTVQH nhất trí phê duyệt Nghị định thư 7 về hệ thống quá cảnh Hải quan

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - Tiếp tục Chương trình làm việc Phiên họp thứ 12, UBTVQH đã xem xét, cho ý kiến việc phê duyệt Nghị định thư 7 về hệ thống quá cảnh hải quan thuộc Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Báo cáo tóm tắt về việc xem xét và cho ý kiến đối với việc phê duyệt Nghị định thư 7 về hệ thống quá cảnh hải quan thuộc hiệp định khung ASEAN về Tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh cho biết, Nghị định thư 7 gồm 12 Điều và 02 Phụ lục về hàng hóa cấm/ hạn chế quá cảnh và Phụ lục kỹ thuật.
Đây là các cam kết, quy định cải cách về mặt phương thức và hình thức quản lý đối với các giao dịch quá cảnh, trong đó tập trung vào các yếu tố như: cơ chế bảo lãnh cho nợ thuế phát sinh trong các giao dịch quá cảnh, hệ thống thông tin quốc gia được điện tử hóa để kết nối và trao đổi dữ liệu vận chuyển quá cảnh giữa các nước thành viên, áp dụng quản lý rủi ro để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật được đơn giản hóa về quy trình thủ tục.

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết, Hiệp định Nghị định thư 7 là một trong 9 Nghị định thư nằm trong Hiệp định khung ASEAN về Tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh được các nước ASEAN ký ngày 16-12-1998 tại Hà Nội với mục tiêu tạo thuận lợi cho việc vận tải hàng hóa quá cảnh, hỗ trợ việc thực hiện khu vực Mậu dịch tự do ASEAN và tăng cường liên kết kinh tế khu vực.

Nghị định thư 7 đã được tất cả 10 nước ASEAN ký và đến nay có 5 nước ASEAN đã hoàn thành thủ tục phê duyệt. Việc phê duyệt Nghị định thư 7 đảm bảo tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan theo tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong việc góp phần tích cực xây dựng và phát triển Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Các thành viên của UBTVQH đã xem xét, thảo luận một số nội dung liên quan đến việc tuân thủ trình tự, thủ tục đề xuất phê duyệt Nghị định thư 7; tính hợp hiến và mức độ phù hợp giữa Nghị định thư 7 với luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH; khả năng áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần Nghị định thư 7; yêu cầu sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, UBTVQH.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết về cơ bản, UBTVQH nhất trí với sự cần thiết phê duyệt Nghị định thư 7 và giao Chính phủ tiến hành thủ tục phê duyệt theo quy định của Luật Điều ước quốc tế. Chính phủ chủ động xác định thời điểm phê duyệt Nghị định thư 7 cho phù hợp với tiến độ phê duyệt của các nước ASEAN khác và đảm bảo lợi ích quốc gia.

UBTVQH cũng nhất trí không áp dụng trực tiếp toàn bộ Nghị định thư 7 mà thực hiện thông qua nội luật hóa vào quy định của pháp luật Việt Nam.

H.L / PL&XH

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động