Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong tình hình mới
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCông tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian phải đảm bảo sự đổi mới nhằm thích ứng với yêu cầu về chuyển đổi số |
Triển khai thực hiện nhiều mô hình tuyên truyền mới
Căn cứ trên kế hoạch triển khai công tác tư pháp năm 2021 trên địa bàn TP Hà Nội, với chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, các cơ quan ban ngành của Thủ đô đã tập trung thực hiện đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả nhiệm vụ tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong tình hình mới.
Hoạt động nổi bật trong công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật năm 2021 là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bầu cử để phục vụ cho sự kiện bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Triển khai đồng bộ, hướng mạnh về cơ sở, tập trung vào các văn bản pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở. Kết quả đạt được là chuyển biến sâu rộng ý thức của Nhân dân về quyền và trách nhiệm trong bầu cử góp phần hoàn thành tốt công tác bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp.
Trong cái khó do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, TP đã có những cách làm hay, linh hoạt trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt là giới thiệu các quy định liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19. Ngay từ đầu năm, trước tình hình dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật TP Hà Nội đã kịp thời ban hành Kế hoạch đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xử lý vi phạm pháp luật trong phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.
Sở Tư pháp Hà Nội chỉ đạo các đơn vị cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền các quy định pháp luật về phòng, chống dịch qua hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở; tiếp tục triển khai mô hình “Cầu thang pháp luật” qua thiết bị điện tử lắp đặt tại thang máy trong các tòa nhà chung cư; tuyên truyền thông điệp 5K và khuyến cáo công tác phòng, chống dịch của Bộ Y tế tại hàng nghìn màn hình điện tử tại các khu chung cư, tòa nhà văn phòng trên địa bàn.
Hà Nội chú trọng tuyên truyền chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm pháp luật hay xảy ra, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền đối với người dân, như qua nhắn tin Zalo, qua loa truyền thanh, loa kéo, trang thông tin điện tử, truyền hình chạy chữ, trên phương tiện thông tin đại chúng, qua mô hình cầu thang pháp luật, qua mạng xã hội, phát hành tài liệu... Từ đó, đã tạo hiệu ứng lan tỏa rất lớn, giúp người dân hiểu, nắm rõ quy định pháp luật về phòng, chống dịch.
Nhiều hoạt động tuyên truyền hiệu quả như: Các trường học, giáo viên quận Hoàng Mai xây dựng tài liệu trình chiếu điện tử kèm hình ảnh sinh động vào các giờ sinh hoạt đầu tuần trực tuyến, giúp học sinh hiểu và biết cách phòng, chống dịch bệnh; phát động chuỗi hoạt động sự kiện “Vui khỏe tại nhà - Tránh xa Covid” hay “Cả nhà khỏe re - Covid quay xe”... Trong khi đó, quận Hai Bà Trưng tuyên truyền kết hợp quá trình vận chuyển bệnh nhân và những người tiếp xúc ca bệnh đến nơi cách ly và trở về nơi cư trú. Huyện Ba Vì đẩy mạnh tuyên truyền bằng loa kéo tại các khu vực cộng công...
Đẩy mạnh chuyển đổi số
Trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện giãn cách xã hội, ngành Tư pháp đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, định hướng chuyển đổi số đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nhờ đó đã cải thiện điều kiện tiếp cận, bảo đảm tính chính xác, đầy đủ thông tin pháp luật. Các cuộc thi trực tuyến về kiến thức pháp luật với quy mô toàn quốc như Pháp luật học đường, Pháp luật với mọi người… đã thu hút hàng triệu lượt người tham gia, tạo những sân chơi tìm hiểu pháp luật thực sự bổ ích, hiệu quả.
Mô hình tuyên truyền pháp luật qua các kênh truyền thông trực tuyến được thực hiện và thu hút được đông đảo đối tượng người dân tham gia đáp ứng yêu cầu của đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019-2021”. Các quận, huyện, đơn vị trên địa bàn TP đã tổ chức nhiều cách làm rất sáng tạo, linh hoạt nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thiết thực, ý nghĩa, góp phần tạo không khí sổi nổi về ngày pháp luật của toàn dân.
Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật trong phòng, chống dịch Covid -19” trên địa bàn Hà Nội là cuộc thi trực tuyến cấp TP thu hút số lượng người tham gia nhiều nhất từ trước tới nay với hơn 1 triệu người tham gia. Có thể nói, các phong trào, cuộc thi tìm hiểu pháp luật của Thủ đô đã trở thành cuộc vận động lớn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn Thủ đô tìm hiểu, chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch, góp phần đẩy lùi dịch bệnh.
Năm 2022, Hà Nội sẽ tiếp tục tham mưu tuyên truyền, phổ biến các luật, pháp lệnh mới được Quốc hội thông qua; đẩy mạnh nội dung phổ biến pháp luật theo nhiệm vụ chính trị của TP, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm... Ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai thí điểm một số mô hình phổ biến giáo dục mới; nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác tuyên truyền, hòa giải ở cơ sở; đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Quá trình triển khai công tác phổ biến pháp luật thực hiện thực chất, thường xuyên, lâu dài để nâng cao hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trên địa bàn Thủ đô.
Hà Nội đẩy mạnh thực hiện đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên giai đoạn 2018-2022”, củng cố và kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật ở cơ sở tâm huyết, nhiệt tình, có trách nhiệm, có uy tín, hiểu biết pháp luật và có khả năng vận động, thuyết phục. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện các quy định về xây dựng xã, phường thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, nổi bật là việc ban hành Kế hoạch số 208/KH-UBND với mục đích nhằm phổ biến, quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại