Thứ sáu 04/10/2024 15:16

Tuyên truyền pháp luật cho học sinh: Làm sao để lôi cuốn, hấp dẫn?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Các chương trình phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật giữa ngành giáo dục Thủ đô và các đơn vị chức năng liên quan luôn được tiến hành thường xuyên. Các buổi tuyên truyền, trợ giúp pháp lý cho học sinh về những quy định của pháp luật đã trở thành một trong những hoạt động thường xuyên tại trường học nhằm nâng cao hiểu biết, nhận thức pháp luật cho học sinh.

Học sinh được trang bị kiến thức pháp luật

Từ cuối tháng 2-2021 đến nay, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước (Sở Tư pháp Hà Nội) đã thực hiện nhiều Chương trình Truyền thông về Trợ giúp pháp lý, tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật về trẻ em cho học sinh tại một số trường THCS, THPT trên địa bàn TP Hà Nội. Việc tuyên truyền này được học sinh hào hứng đón nhận. Thông qua đó, các em đã có những hiểu biết nhất định về pháp luật và cũng cho thấy còn rất nhiều khoảng trống pháp luật học sinh cần được trang bị để có hành trang cần thiết khi bước vào cuộc sống; hoặc đơn giản là sẽ biết cách ứng xử đúng trước mọi tình huống xảy ra hàng ngày….

Tại trường THCS Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội vào tiết chào cờ đầu tuần, học sinh ngồi nghiêm túc ở khu vực sân trường theo vị trí từng khối lớp vì biết sẽ có buổi tuyên truyền các kiến thức pháp luật. Khi nghe trợ giúp viên pháp lý giới thiệu về một số quy định của pháp luật như các khái niệm, Bộ luật, tình huống pháp luật…, các học sinh đều hăng hái phát biểu, mạnh dạn bày tỏ ý kiến, hiểu biết của mình và đa phần các ý kiến đó đều đúng.

Điều này chứng tỏ học sinh có sự quan tâm nhất định về các quy định của pháp luật và bước đầu đã nắm được những kiến thức pháp luật cơ bản. Tuy nhiên, để học sinh hiểu sâu, có ý thức tự tìm hiểu pháp luật, hình thành ý thức tự giác tuân thủ pháp luật… là cả chặng đường dài, đòi hỏi đầu tiên là hình thức tuyên truyền phù hợp.

Tuyên truyền pháp luật cho học sinh: Làm sao để lôi cuốn, hấp dẫn?
Học sinh hăng hái trả lời câu hỏi của Trợ giúp viên pháp lý về những kiến thức pháp luật

Chị Nguyễn Thị Thanh Xuân, Phó trưởng phòng Hành chính- Tổng hợp (Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, Sở Tư pháp Hà Nội)- Trợ giúp viên pháp lý kiêm báo cáo viên pháp luật trong những buổi tuyên truyền lưu động tại trường học nhận xét: “Tuyên truyền pháp luật cho học sinh rất khó bởi ở tuổi này, các em chưa hiểu các thuật ngữ pháp luật; vì vậy đòi hỏi các tuyên truyền viên, báo cáo viên phải giải thích theo cách hiểu của các em, có cách nói chuyện gần gũi, thân mật như cô giáo và cũng như người bạn thân thiết để tâm sự, thủ thỉ, gợi mở, định hướng… để các em hiểu việc tìm hiểu kiến thức pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật là việc làm thường xuyên của mỗi công dân…”.

Qua thực tế tuyên truyền, có thể thấy những vấn đề học sinh từ lứa tuổi THCS trở lên rất quan tâm nhưng ít khi thổ lộ ra ngoài, đó là tình cảm nam nữ, quan hệ nam nữ, quan hệ tình dục… Thêm nữa, do ảnh hưởng nhiều bởi mạng xã hội, thường theo dõi các nhân vật “nổi” trên mạng như Phúc XO, Khá Bảnh, Huấn Hoa Hồng… nên học sinh dễ bị lệch lạc về suy nghĩ. Và vì thế, để hướng học sinh hình thành tư duy pháp luật, hành vi pháp luật chuẩn là một thách thức không dễ dàng.

Sáng tạo, chọn lựa hình thức tuyên truyền phù hợp

Cô Trần Minh Thủy- Hiệu trưởng Trường THCS Việt Nam- Angieri (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Ban giám hiệu Trường THCS Việt Nam- Angieri rất quan tâm đến công tác tuyên truyền pháp luật cho học sinh và việc tuyên truyền được trường thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như sinh hoạt tập thể, lồng ghép vào nội dung các môn học, hoạt động văn hóa văn nghệ… Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền pháp luật nên nhiều năm trở lại đấy, trường THCS Việt Nam- Angieri không có học sinh vi phạm Luật ATGT và vi phạm pháp luật; tỉ lệ học sinh đạt hành kiểm tốt chiếm 98-99%”.

Một trong những hình thức phổ biến giáo dục pháp luật rất cuốn hút học sinh, đó là tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật do chính học sinh là đạo diễn, lên ý tưởng và làm diễn viên. Lấy ví dụ như tiểu phầm “Hãy chung tay bảo vệ môi trường” của học sinh trường THCS Việt Nam- Angieri. Với lối diễn xuất tự nhiên, tình huống phổ biến, nội dung chỉn chu, lời thoại vừa hài hước vừa nghiêm túc, tiểu phẩm đã mang thông điệp sâu sắc về bảo vệ môi trường và sau khi xem, các học sinh đều yêu thích, thấm thía rằng, mình không nên xả rác bừa bãi, cần vứt rác đúng nơi quy định và luôn có ý thức bảo vệ môi trường.

Tuyên truyền pháp luật cho học sinh: Làm sao để lôi cuốn, hấp dẫn?
Học sinh trường THCS Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội chăm chú nghe tuyên truyền pháp luật

Để tuyên truyền kiến thức pháp luật, Trường Tiểu học, THCS& THPT Nguyễn Siêu (quận Cầu Giấy, Hà Nội), ngoài những hình thức phong phú như tổ chức các buổi sinh hoạt chủ điểm theo chuyên đề: Tìm hiểu Luật ATGT, bạo lực học đường, an ninh mạng, phòng cháy chữa cháy, Nghị định 100, phòng chống thuốc lá… hoặc tham gia các cuộc thi tìm hiểu pháp luật do quận và TP tổ chức để xây dựng trường học an toàn, hạnh phúc, trường còn lồng ghép vào các trò chơi những nội dung câu hỏi về pháp luật rất hấp dẫn, lôi cuốn đông đảo học sinh tham gia.

Về vấn đề trên, cô Bùi Thị Ngọc Lan, Hiệu trưởng Trường THCS Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội bày tỏ: “Do lứa tuổi học sinh rất hiếu động, dễ mất tập trung mà đặc thù của những nội dung về pháp luật lại khô cứng, bởi vậy, để học sinh dễ tiếp thu, dễ nhớ các nội dung, kiến thức pháp luật đòi hỏi công tác tuyên truyền phải có nhiều hình thức đa dạng, sinh động, linh hoạt, vừa hài hước vừa thâm thúy, sâu sắc để học sinh dễ dàng tiếp thu, học hỏi và ghi nhớ…”.

Linh Anh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động