Tuyến đường ven biển Thanh Hóa: Nỗ lực khơi thông hành lang tuyến biển
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐường đã thành hình, cầu Lạch Trường đã đạt hơn 50% tiến độ yêu cầu. |
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển, đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa, có chiều dài 23,723km, đi qua địa bàn các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa. Trong đó, điểm đầu tại xã Nga Tiến (Nga Sơn), kết nối với dự án ven biển tỉnh Ninh Bình; điểm cuối tại xã Hoằng Ngọc (Hoằng Hóa) kết nối với dự án ven biển đoạn Hoằng Hóa - Sầm Sơn. Công trình này có tổng mức đầu tư 2,242 tỷ đồng, được thực hiện từ tháng 12/2021 đến tháng 12/2024.
Đây là một chương trình trọng điểm được các địa phương như huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa tập trung, dồn sức đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng nên đến thời điểm này đã có thể thi công đồng bộ tại 14/16km đường, trong đó huyện Hoằng Hóa đã bàn giao gần 100% diện tích mặt bằng.
Khi các địa phương giải quyết được mặt bằng đến đâu, các nhà thầu đã chủ động huy động nhân lực, xe máy, thiết bị, vật tư thi công ngay đến đó. Dự án có 2 gói thầu xây lắp, trong đó gói 6 thực hiện các hạng mục từ km7 - km23, với giá trị hợp đồng hơn 930 tỷ đồng. Nhà thầu trúng thầu thực hiện là: Liên danh Công ty CP Tập đoàn xây dựng Miền Trung - Công ty CP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam, thời gian thực hiện 36 tháng, kể từ ngày 16/12/2021.
Trên công trường hiện nay, Công ty CP Tập đoàn xây dựng Miền Trung đang triển khai đồng loạt 6 mũi thi công đối với các phần việc thuộc các hạng mục cầu và đường trên tuyến. Ông Đỗ Văn Vinh, Phó GĐ Công ty CP Tập đoàn xây dựng Miền Trung cho biết: Hiện tập đoàn đang huy động 120 lao động, 16 máy xúc, 15 máy lu, 60 xe ô tô tải, tổ chức thi công trải dài trên tuyến trúng thầu và đã đạt được những kết quả nổi bật: Sản lượng thi công năm 2022 đạt gần 334 tỷ đồng, bằng 36% tổng tiến độ dự án, trong đó đã đào đắt nền đạt từ 70 - 80%, xử lý nền đất yếu được hơn 50%, đặc biệt đã tiến hành thảm bê tông nhựa 1,1 km…
Đây là những cố gắng rất lớn của nhà thầu trong đẩy nhanh tiến độ dự án, bởi thực tế dự án phải đối mặt với những khó khăn rất lớn như: Có tới 2,1km nền đất yếu, lớp bùn sét dày, phải gia tải phổ biến 12 tháng, có nơi lên tới 19 tháng, khối lượng đất đắp nền đường cần tới hơn 700,000m3, nhưng nguồn cung cấp hiện rất khan hiếm trong khi giá tại khu vực khai thác chủ yếu là mỏ đồi Phú Nham, xã Hà Ninh (Hà Trung) đã tăng khoảng 30% so với trước đây, chưa kể là những biến động bất lợi của giá nhiên liệu trên thị trường.
Công ty CP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam thi công cầu Lạch Trường, nằm trên địa bàn 2 xã Hòa Lộc (Hậu Lộc), Hoằng Yến (Hoằng Hóa), được xây dựng kiên cố bằng bê tông cốt thép đúc hẫng, có chiều dài 1.321m, mặt rộng 12m, giá trị xây lắp 416 tỷ đồng. Kỹ sư Phạm Văn Hiền, chỉ huy trưởng công trường, cho biết: Hiện Công ty bố trí 10 mũi thi công liên hoàn với gần 200 lao động, 6 dây chuyền làm mố trụ sau khi khoan cọc nhồi, 2 mũi sản xuất Dầm đúc hẫng, 2 dây chuyền thi công Dầm Super Tee. Kết quả đã hoàn thành 100% khối lượng cọc khoan nhồi với chiều sâu cao nhất tới 70m, đúc Dầm đạt hơn 30%, hoàn thiện thân mố trụ đạt 50% khối lượng, giá trị hoàn thành đã đạt tới gần 50% tổng trị giá gói thầu và hoàn toàn có khả năng vượt trước tiến độ yêu cầu của chủ đầu tư.
Điều đáng ghi nhận nữa là sự phối hợp kịp thời, đồng bộ giữa Tư vấn giám sát và nhà thầu thi công nhằm đảm bảo chất lượng các khâu kỹ thuật của một dự án chất lượng cao, được thực hiện đồng bộ tại Thanh Hóa, trong đó yêu cầu bắt buộc là thi công đồng loạt các hạng mục công trình theo từng giai đoạn cam kết.
Thời gian tới đây nhà thầu sẽ huy động nhân lực, thiết bị tới hơn 120% yêu cầu của Hợp đồng, tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thi công phấn đấu vượt trước thời hạn hoàn thành khoảng 2 tháng trong năm “tăng tốc, về đích” 2023 này. Đây cũng là tín hiệu vui trước thềm Xuân mới tại không nhiều các dự án giao thông trọng điểm vốn đã trải qua những tháng ngày “bão giá” khốc liệt trải dài từ đầu 2022 này.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại