Tuyên dương 500 thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNgày 25-7, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan, UBND TP Hà Nội đã tổ chức Gặp mặt tuyên dương thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019. Đây là sự kiện quan trọng nằm trong chuỗi các hoạt động tri ân đang diễn ra trên khắp cả nước nhân dịp kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh – liệt sĩ (27-7-1947 / 27-7-2019). Cuộc gặp mặt thể hiện nghĩa tình sâu nặng, sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, quân và dân cả nước đối với các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện các bộ, ban, ngành và 500 thương binh nặng tiêu biểu, đại diện cho 12.000 thương binh nặng trong 1,2 triệu thương binh trên cả nước đã về dự Hội nghị.
Những tấm gương sáng lay động lòng người
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong số 500 đại biểu được tuyên dương có hơn 100 đại biểu tỷ lệ mất sức lao động trên 90%. Các thương binh nặng dù đang sống cùng gia đình hay các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng đều có chung một ý chí, một nghị lực phi thường vươn lên chiến thắng thương tật, khó khăn, ổn định sức khỏe, ổn định đời sống để chăm lo xây dựng gia đình, cuộc sống, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ, nêu tấm gương sáng trong cuộc sống học tập, lao động và công tác, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự xúc động khi được về dự cuộc gặp mặt tuyên dương các đại biểu thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019. “500 đại biểu thương binh nặng tới dự cuộc gặp mặt hôm nay là nhân chứng, là những tấm gương của tinh thần “người người ngoan cường, bất khuất, hiên ngang bước ra chiến trường vì độc lập, tự do, thống nhất của đất nước và cũng vì lẽ sống cao đẹp cho đồng bào mình”.
Giao lưu với các đại biểu thương binh nặng tiêu biểu. Ảnh: Mạnh Dũng |
Các đồng chí đã phấn đấu vươn lên bằng ý chí và nghị lực phi thường, điều dưỡng thương tật, ổn định đời sống, đoàn kết giúp đỡ nhau, tiếp tục cống hiến cho quê hương, đất nước. Có người tích cực tham gia các hoạt động xã hội như đồng chí Lê Hữu Trạc, Chủ tịch Hội người mù, đồng chí Trần Duy Lý, tham gia Đảng ủy phường, tổ dân phố. Có người cùng gia đình tổ chức sản xuất, kinh doanh như đồng chí Đinh Hữu Du nuôi ong, trồng dược liệu, đồng chí Phạm Hùng Tư sửa chữa điện… “Đây thực sự là những bông hoa tươi thắm trong vườn hoa của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, là những tấm gương sáng lay động lòng người, động viên, khích lệ, truyền cảm hứng, lan tỏa tinh thần vượt khó vươn lên trong mỗi chúng ta”, Thủ tướng nói.
500 thương binh nặng tiêu biểu, đại diện cho 12.000 thương binh nặng trong 1,2 triệu thương binh trên cả nước đã về dự Hội nghị. Ảnh: Mạnh Dũng |
Theo Thủ tướng, “vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ hằng năm, tấm lòng mỗi người Việt Nam đang được sống trong hòa bình, độc lập dường như lắng lại và rung lên những cung bậc sâu sắc với lòng biết ơn hàng triệu con người đã để lại nơi chiến trường một phần xương máu hoặc toàn bộ cuộc sống của mình vì nền độc lập, tự do của dân tộc, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Trong đó có rất nhiều người thân, ruột thịt của các đồng chí có mặt trong hội trường này”.
Cải cách thủ tục hành chính để người có công thuận lợi thụ hưởng chính sách
Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước, Nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo thực hiện tốt công tác người có công với cách mạng. Hằng năm, ngân sách Nhà nước đã dành hơn 32.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách ưu đãi cho hơn 9,2 triệu người có công với cách mạng, trong đó có gần 1,2 triệu liệt sĩ, gần 138.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 2 triệu thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, hàng trăm người bị địch bắt, tù đày, người nhiễm chất độc hóa học…
Cùng với các chính sách của Đảng, Nhà nước, toàn thể xã hội đã thể hiện lòng biết ơn bằng những việc làm thiết thực. Chỉ tính từ năm 2010 đến nay, phong trào đền ơn đáp nghĩa đã tiếp nhận gần 6.500 tỷ đồng, xây mới và sửa chữa trên 155.000 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí gần 13.000 tỷ đồng, tặng trên 124.000 sổ tiết kiệm tình nghĩa trị giá hơn 980 tỷ đồng. Hơn 6.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng được các đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời. Hơn 98,5% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú…
Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước, Nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo thực hiện tốt công tác người có công với cách mạng. Ảnh: Mạnh Dũng |
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhấn mạnh rằng, chúng ta chưa thể bằng lòng với kết quả đó. Bởi lẽ cả nước còn một bộ phận thương binh, bệnh binh, gia đình người có công với cách mạng có cuộc sống còn khó khăn, nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính, vẫn còn những người, những gia đình người có công vì nhiều lý do khác nhau chưa được hưởng đầy đủ chính sách ưu đãi. Đây là những điều day dứt trong lòng người thân và trong mỗi chúng ta, cần được quan tâm của cả hệ thống chính trị và sự chung tay của toàn xã hội”.
Thủ tướng trao Bằng khen, tặng quà cho các thương binh nặng tiêu biểu. Ảnh: Mạnh Dũng |
Thủ tướng đề nghị các bộ, các ngành, các địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị của Ban Bí thư và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác chăm sóc người có công với cách mạng, quan tâm, thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình người có công. Trong đó, chú trọng công tác cải cách thủ tục hành chính trong xác nhận người có công qua các thời kỳ kháng chiến, tạo điều kiện thuận lợi để người có công thụ hưởng chính sách của Đảng, của Nhà nước.
Cùng với đó, phát triển sâu rộng và nâng cao chất lượng các phong trào, chương trình đền ơn đáp nghĩa. Tạo điều kiện thuận lợi để các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng tiếp tục phát huy ý chí tự lực, tự cường, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, tham gia các hoạt động xã hội. Phấn đấu đến hết năm 2019, các địa phương không còn hộ gia đình chính sách thuộc diện hộ nghèo…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Với tinh thần biết ơn các bậc tiền bối, các thế hệ đi trước và ý thức trách nhiệm với các thế hệ mai sau, chúng ta kiên quyết bảo vệ những gì đã giành được. Đồng thời nỗ lực phấn đấu, làm hết sức mình giữ vững độc lập, tự do, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, sánh vai với các nước, với cường quốc năm châu và con cháu chúng ta, các thế hệ mai sau luôn được sống trong hòa bình, thống nhất và có cuộc sống ấm no, hạnh phúc”. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại