Tuyến đê 150 tỉ đồng vừa đưa vào sử dụng đã hư hại
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênSau đợt mưa lũ năm 2017, tình trạng mặt bê tông đã bị xuống cấp từ Km22+200 thuộc đê hữu sông Chu, đoạn Km 16+700 – K24+142 từ thị trấn Thọ Xuân đến xã Xuân Hồng đã được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt Dự án xử lý cấp bách đê hữu sông Chu, giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 35 tỉ đồng bằng nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương.
Tháng 7-2019, Cty CP Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi (có địa chỉ tại TP. Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) đã khởi công dự án. Sau khi được gia hạn, đến ngày 27-4-2020 dự án được nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng.
Sau khi bàn giao tuyến đê chưa lâu thì người dân thị trấn Thọ Xuân và xã Xuân Hồng đã phản ánh về tình trạng đê hữu sông Chu hư hỏng nghiêm trọng.
Sau khi bàn giao chưa "nguội tay", tuyến đê hữu sông Chu đã hư hỏng. |
Theo ghi nhận của chúng tôi, đoạn đê hữu sông Chu đoạn chạy qua thị trấn Thọ Xuân bị lún sâu tạo thành các vũng nước có độ sâu khoảng 20-30 cm, nhựa bong tróc. Những chiếc xe tải nhỏ, xe con khi lưu thông qua đây thường rất khó khăn. Khi đi xuôi về phía địa phận xã Xuân Hồng, tình trạng mặt đê hư hỏng càng thể hiện rõ, mức độ càng nghiêm trọng hơn.
Càng đi về phía xã Xuân Hồng, thực trạng công trình xuống cấp lại càng thể hiện rõ hơn. Nhựa đường, đá dăm bị dồn thành từng đống, có những đoạn mặt đường nhựa bị hoắm sâu xuống 30-40 cm, kéo dài hàng chục mét.
Theo ông Trần Ngọc Soạn, ở thôn Liên Phô, xã Xuân Hồng cho hay, đê mới đưa vào sử dụng được khoảng 1 tuần thì xuất hiện tình trạng hư hỏng, mặt đê bị lún sâu, gây ra rất nhiều khó khăn cho cuộc sống người dân ven đê.
“Tuy trước đây đường mặt đường bằng bê tông cũng xuống cấp, đi lại khó khăn nhưng không bằng bây giờ. Nguyên nhân có thể nhà thầu thi công ẩu, lu lèn chưa đảm bảo, khi đất đang bùng nhùng vẫn không múc đi mà để thế rồi đổ đá, nhựa lên thì kiểu gì chả bị xé ra. Mà ở đây, phải nói là “rưới” nhựa, tưới nhựa lên chứ không phải đổ nhựa nữa. Nếu để xảy ra tình trạng vỡ đê này một lần nữa thì không biết hậu quả sẽ khủng khiếp như thế nào”.
Theo ông Trần Ngọc Soạn, do thi công ẩu nên tuyến đê mới hư hỏng nhanh như vậy. |
Trong khi người dân hết sức lo lắng về chất lượng của đê thì ông Lê Ngọc Long - Chủ tịch UBND xã Xuân Hồng lại cho rằng: “Đê có nhiều đơn vị thi công. Đơn vị cuối cùng mới hoàn thành được ít ngày. Chúng tôi cũng không thể khẳng định công trình có kém chất lượng hay không. Trong thời gian bảo hành thì đơn vị thi công sẽ có trách nhiệm bảo hành. Còn đê xuống cấp không ảnh hưởng gì đến cuộc sống người dân”.
“Sau khi đơn vị thi công bàn giao công trình, địa phương đã tổ chức kiểm soát và không có tình trạng xe quá khổ, quá tải lưu thông” – ông Long cho biết thêm.
Trong khi đó, phía bên kia dòng sông Chu, Dự án xử lý cấp bách tuyến đê tả đoạn từ K19+800 - K22 và đoạn từ K25 - Km34+100 chạy qua huyện Thiệu Hóa, do Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa làm chủ đầu tư có tổng nguồn vốn gần 100 tỷ đồng, đơn vị thi công là Công ty TNHH Tân Thành 1 và Cty TNHH Hòa Bình, cũng xuống cấp nghiêm trọng.
Theo đó, tháng 4-2020, tuyến đê này được bàn giao, đưa vào sử dụng nhưng cũng đang xuống cấp, mặt đê nứt toác, nhiều điểm bị bong tróc, vỡ nát, lún sâu rộng cả mét và sâu khoảng từ 10 - 15 cm. Có những điểm mặt đê hiện đang bị nứt toác, mặt đường nhựa dồn về 1 phía tạo thành sống trâu, khiến cho nhiều phương tiện giao thông qua lại hết sức khó khăn.
Trước đây tuyến đê này đã bị vỡ và nhấn chìm diện tích nhiều xã của huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa và Triệu Sơn. |
Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa - đơn vị làm chủ đầu tư cho biết, tình trạng đê điều mới bàn giao đã xuống cấp không hiếm. Ngoài các công trình chúng tôi đã “mục sở thị” thì còn một số công trình nằm trong tình trạng “sáng bàn giao, chiều xuống cấp” như đê tả sông Chu từ Km 25-K34 đi qua thị trấn Thiệu Hóa đến xã Thiệu Tiến huyện Thiệu Hóa... Thực trạng này đang khiến chính quyền các địa phương và người dân hết sức lo lắng, nhất là khi mùa mưa bão sắp đến.
Nhìn nhận tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của tuyến tả và hữu sông Chu, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa cho rằng, trách nhiệm thuộc về đơn vị quản lý sử dụng (tức chính quyền địa phương 2 huyện). Các nhà thầu họ cũng không chịu trách nhiệm về việc đê bị xuống cấp.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại