Thứ hai 20/05/2024 14:11

Từ vụ việc chủ nhà nghỉ lắp camera quay lén để đòi tiền chạy án

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) -Vụ việc ông Triệu Đức N (chủ nhà nghỉ tại xã Ea Tý, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) dùng clip ghi lại từ camera gắn trong nhà nghỉ tố cáo một thẩm phán TAND huyện Ea Kar có hành vi mua dâm gây nhiều ý kiến trái chiều.

Mục đích gì thì cũng vi phạm!

Đáng quan tâm, ông N cho biết, còn những clip mua dâm của nhiều cán bộ huyện Ea Kar tại nhà nghỉ và sẽ tiếp tục làm đơn tố cáo trong thời gian tới. Kèm theo băng ghi hình để tố cáo, ông N còn cho biết, việc này nhằm mục đích đòi lại tiền chạy án cho vợ ông, người đã bị tuyên án tù giam về hành vi Chứa mại dâm.

Chiều 7-4, người bị tố cáo đã phủ nhận mình là khách mua dâm trong clip của ông N, đồng thời, cơ quan chức năng cũng chưa xác định được người đàn ông trong clip có phải là vị thẩm phán bị tố cáo hay không? Không khó để nhận dạng bởi clip dài đến 35 phút, tuy nhiên, vụ việc sẽ bị xử lý thế nào, cả với người bị tố cáo và người tố cáo?

Nhiều luật sư, chuyên gia pháp lý lên tiếng về các khía cạnh pháp lý trong vụ việc. Các quan điểm khá trái chiều, người khẳng định hành vi quay clip rồi tố cáo của ông N là đáng hoan nghênh, không vi phạm pháp luật. Nhưng cũng không ít quan điểm cho rằng, hành vi này là không thể chấp nhận được vì đã vi phạm quyền bí mật đời tư.

Điều 31 Bộ luật Dân sự năm 2005 qui định, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ 15 tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

Còn theo Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trường hợp người đó chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ 15 tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Ảnh minh họa

Tiền chạy án phải bị sung công!

Như vậy, theo những qui định này, hành vi gắn camera quay lén trong phòng nghỉ của vợ chồng ông N là vi phạm quyền bí mật đời tư và sử dụng hình ảnh cá nhân được pháp luật bảo vệ. Trong thực tế, các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ, khách sạn thường lắp camera ở khu vực hành lang và nơi sinh hoạt tập thể như cổng ra vào, thang máy, phòng ăn tập trung… để theo dõi an ninh. Còn việc lắp đặt tại phòng ngủ đương nhiên không được phép và rõ ràng hành vi này đã bộc lộ ý đồ xấu.

Pháp luật không bảo vệ cho hành vi ngoại tình, mua bán dâm, nhưng cũng không chấp nhận việc quay lén cảnh sinh hoạt riêng tư của người khác rồi sử dụng hình ảnh đó vì mục đích cá nhân. Loại trừ việc quay cảnh mua bán dâm thì còn không ít các gia đình đi du lịch, nghỉ ngơi trong nhà nghỉ, khách sạn và quan hệ vợ chồng cũng bị quay lén lại? Bên cạnh đó, cũng không ít cặp đôi yêu nhau chọn nhà nghỉ làm nơi “tâm sự” – hành vi này tuy không được “khuyến khích”, nhưng pháp luật cũng không cấm chuyện quan hệ nam nữ nếu họ đã thành niên và không xâm phạm quan hệ hôn nhân.

Vậy, ngoài vị thẩm phán đang bị tố cáo kia, trong suốt thời gian dài kinh doanh nhà nghỉ, đã có bao nhiêu cặp đôi thành “nạn nhân” của việc “phòng thân” của ông bà chủ nhà nghỉ và chưa biết hình ảnh tế nhị của mình có thể bị phát tán khi nào?

Trong vụ việc này, nếu vợ chồng ông bà chủ nhà nghỉ kia phát hiện ra cán bộ lãnh đạo của huyện vào phòng nghỉ không phải với vợ/chồng, có dấu hiệu suy đồi đạo đức, quan hệ nam nữ bất chính… thì họ có quyền tố cáo đến cơ quan chức năng. Tuy nhiên, không phải bằng hình thức gắn camera quay lén các hình ảnh thầm kín rồi chờ đến mấy năm sau, khi việc “nhờ vả” không thành mới đi tố cáo.

Trong thực tế, đã xảy ra trường hợp chủ nhà nghỉ quay lén khách mua dâm hoặc các cặp tình nhân vụng trộm rồi tống tiền mà “bị hại” luôn phải ngậm bồ hòn, không thể tố cáo vì “sợ lộ”. Theo qui định của Bộ luật Hình sự, nếu những hình ảnh nhạy cảm có được do quay lén được phát tán cho người khác, thì hành vi này vừa xâm phạm bí mật đời tư, vừa có dấu hiệu cấu thành tội Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy và tội Làm nhục người khác.

Trong vụ việc này, người tố cáo đã dùng hình ảnh trong clip với mục đích đòi tiền “chạy án”. Vậy tiền đem “chạy án” có đòi được không khi đây là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm? Vì vậy, dùng một việc làm vi phạm để “xử lý” một hành vi vi phạm khác cũng là điều không được phép. Về mặt logic, nếu mất tiền chạy án mà được việc thì ông chủ nhà nghỉ không tội gì “lạy ông tôi ở bụi này”.

Vậy số tiền chạy án 200 triệu đồng theo tố cáo (nếu đúng) có được trả lại cho ông N? Theo qui định của pháp luật, nếu sau khi đưa hối lộ, người đưa hối lộ nhận rõ hành vi của mình là sai trái và tố cáo đến cơ quan chức năng thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự, của hối lộ có thể được trả lại. Tuy nhiên, vợ ông N bị kết án từ năm 2011 và từ đó đến nay, chuyện ông N dùng tiền chạy án cho vợ mới được cơ quan chức năng biết đến khi ông N tìm được clip nhạy cảm. Như vậy, hành vi đưa và nhận hối lộ đã hoàn thành, nên số tiền chạy án trong vụ này phải được sung công quỹ. Đồng thời, hành vi của người chạy án cần bị xem xét bởi có dấu hiệu cấu thành tội Đưa hối lộ và người nhận tiền chạy án cũng có dấu hiệu phạm tội Nhận hối lộ.

P.Thảo

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động