Thứ bảy 23/11/2024 04:13

Tư vấn tâm lý học đường: Cần thiết nhưng “hiếm”… chuyên gia thực sự

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Vai trò của công tác tư vấn tâm lý học đường ngày càng quan trọng, trước những thay đổi về tâm sinh lý, giới tính vị thành niên của học sinh ngày càng phức tạp hơn. Mặc dù quan trọng, cần thiết, nhưng người phụ trách tâm lý học đường phải thực sự là những… chuyên gia, bởi nếu giáo viên kiêm nhiệm công tác tâm lý mà không được đào tạo bài bản về lĩnh vực tâm lý thì sự “trợ giúp” sẽ không hiệu quả.

Mỗi trường cần một tổ tư vấn tâm lý

Trong hội thảo cấp quốc gia về xây dựng mô hình tư vấn tâm lý, Bộ GD&ĐT công bố kết quả khảo sát tại một số tỉnh, thành như: Hà Nội, TP HCM, Hải Dương, Khánh Hòa… cho thấy có đến trên 90% học sinh gặp khó khăn, vướng mắc về tâm lý. Trong đó, học sinh THPT là lứa tuổi cần được tư vấn nhiều nhất.

Mới đây, Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông. Theo đó, học sinh sẽ được tư vấn tâm lý lứa tuổi, giới tính, hôn nhân, gia đình, sức khỏe sinh sản vị thành niên phù hợp với lứa tuổi...

Ngoài ra, học sinh cũng được tư vấn, giáo dục kỹ năng, biện pháp ứng xử văn hóa, phòng, chống bạo lực, xâm hại và xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; tư vấn tăng cường khả năng ứng phó, giải quyết vấn đề phát sinh trong mối quan hệ gia đình, thầy cô, bạn bè và các mối quan hệ xã hội khác; tư vấn kỹ năng, phương pháp học tập hiệu quả và định hướng nghề nghiệp (tùy theo cấp học).

Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các trường phải có tổ tư vấn, hỗ trợ học sinh và bố trí cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm để thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh. Thành phần tổ tư vấn, hỗ trợ học sinh gồm: đại diện lãnh đạo nhà trường làm tổ trưởng; thành viên là cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý, nhân viên y tế trường học, cán bộ, giáo viên phụ trách công tác đoàn, đội, đại diện cha mẹ học sinh và một số học sinh là cán bộ lớp, cán bộ đoàn, đội.

Tuy nhiên, trên thực tế, công tác tư vấn tâm lý chưa được triển khai sâu rộng tại các cơ sở giáo dục, nhất là ở các trường THCS và THPT do chưa có phòng tư vấn tâm lý, văn bản chỉ đạo, chế độ chính sách liên quan.

Hiện tại, hầu hết các nhà trường chưa được bố trí biên chế cán bộ chuyên trách công tác tư vấn tâm lý; thiếu kinh phí hoạt động. Đội ngũ cán bộ tư vấn tâm lý đa số là các giáo viên kiêm nhiệm, các chế độ đãi ngộ chưa được quan tâm, quy định cụ thể; chưa được đào tạo bài bản về chuyên môn nghiệp vụ, chưa được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên nên chất lượng tư vấn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Công tác tư vấn tâm lý trong trường học vẫn chưa thực sự hấp dẫn, nhiều học sinh có tâm lý ngại đến phòng tư vấn, các em thường vào các diễn đàn trên mạng, chia sẻ với bạn bè thân thiết nên việc nắm bắt tâm lý trong học sinh còn gặp nhiều khó khăn.

can thiet nhung hiem chuyen gia thuc su

Tư vấn tâm lý học đường thực sự cần những chuyên gia. Ảnh minh họa

Tư vấn tâm lý, đừng chỉ làm hình thức

Theo yêu cầu về tổ tư vấn tâm lý thì: Cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn cho học sinh phải là người có kinh nghiệm và được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ tư vấn tâm lý (có chứng chỉ nghiệp vụ tư vấn tâm lý học đường theo chương trình do Bộ GD&ĐT ban hành). Giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý được hưởng định mức giảm tiết dạy theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Trên thực tế, công tác tư vấn tâm lý học đường thực sự cần những chuyên gia, bởi đây là vấn đề phức tạp. TS Nguyễn Hữu Nguyên, trường ĐH KHXH&NV TP HCM cho rằng, tư vấn với học sinh đòi hỏi hai nguyên tắc là bí mật và lòng tin nhưng nhiều mối quan hệ của giáo viên và học sinh còn xung đột, phòng tư vấn còn thiếu độc lập với nhà trường và phụ huynh khiến học sinh chưa yên tâm. “Tư vấn cho HS mà nói “em có vấn đề gì cứ nói đi” như kiểu CA hỏi thì sao các em nói được”.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục học Hà Nội cho rằng: "Hiện nay, tại các trường sư phạm, học phần về tâm lý học sinh chỉ là một học phần rất nhẹ. Cán bộ tư vấn tâm lý bên cạnh được đào tạo chuyên môn cần là người có năng lực, có tâm, nhiệt tình. Đây là công việc hoàn toàn khác với công tác đoàn đội, không phải mang tính chất phong trào. Cũng cần tách tư vấn tâm lý ra khỏi nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm”.

Vì thế, công tác tư vấn rất quan trọng, nhưng cần những chuyên gia tâm lý thực sự, thì tổ tư vấn tâm lý mới thực sự hiệu quả mà học sinh tìm đến.

Phan Thủy
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động