Thứ sáu 22/11/2024 07:21

Tư pháp Thủ đô nỗ lực vượt khó, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Năm 2021 trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, là một năm nhiều khó khăn đối với ngành Tư pháp. Với nỗ lực vượt khó, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, Tư pháp Thủ đô đã tích cực, chủ động thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch vừa hoàn thành tốt những chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
-	Phó GĐ Sở Tư pháp Phạm Thị Thanh Hương trao giải cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật trong phòng, chống dịch Covid-2019” tại quận Hoàn Kiếm
Phó GĐ Sở Tư pháp Phạm Thị Thanh Hương trao giải cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật trong phòng, chống dịch Covid-2019” tại quận Hoàn Kiếm

Những kết quả tích cực

Những kết quả nổi bật trong công tác PBGDPL: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật phục vụ bầu cử ĐBQH khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; tuyên truyền công tác phòng chống dịch với nhiều mô hình, giải pháp sáng tạo bằng nhiều hình thức đã phát huy hiệu quả cao, giúp người dân nắm bắt kịp thời các quy định, biện pháp phòng chống dịch cũng như các chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm pháp luật trong phòng chống dịch.

Tổ chức thành công cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật về phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Cùng với đó là các hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật bằng nhiều hình thức thiết thực.

Công tác tuyên truyền về phòng chống tham nhũng; tuyên truyền về CCHC; tuyên truyền pháp luật về đảm bảo trật tự, văn minh đô thị, trật tự, an toàn giao thông; tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; tuyên truyền thực hiện hai bộ Quy tắc ứng xử trên địa bàn Thủ đô được đẩy mạnh.

PBGDPL trong nhà trường tiếp tục được quan tâm, triển khai với nhiều hình thức phù hợp với điều kiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Việc PBGDPL cho các đối tượng đặc thù được các cấp, các ngành của TP quan tâm triển khai với nhiều nội dung, hình thức phù hợp.

Công tác hòa giải được củng cố, kiện toàn Tổ hòa giải và đội ngũ hòa giải viên trên địa bàn TP, bảo đảm các tổ hòa giải đủ số lượng, thành phần, tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu công tác. Toàn TP hiện có 4.937 tổ hòa giải với tổng số 31.957 hòa giải viên, trong đó có 2.822/4.937 tổ hòa giải đạt “Tổ hòa giải 5 tốt” (đạt tỷ lệ 57%).

Theo báo cáo của 30/30 quận, huyện, thị xã, có 558/579 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt tỷ lệ 96,37% (cao hơn năm 2019: 546/584: đạt tỷ lệ 93,5 %). TP đã ban hành kịp thời triển khai thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Các quận, huyện trên địa bàn duy trì thực hiện tốt phần mềm đăng ký khai sinh điện tử có kết nối với hệ thống cấp số định danh cá nhân cho trẻ em ngay khi đăng ký khai sinh. Đồng thời, thực hiện Đề án liên thông TTHC đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất/hưởng chi phí mai táng/hưởng mai táng phí, kết quả đã giải quyết hơn 35.000 trường hợp.

Để tăng cường công tác giải quyết nuôi con nuôi trong tình hình mới, Sở Tư pháp Hà Nội đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện Luật Nuôi con nuôi, Công ước La Hay và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Nuôi con nuôi trên địa bàn TP đảm bảo tiến độ, hiệu quả.

Hiện nay, Hà Nội đã sử dụng Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp. Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin thủ tục về đăng ký hộ tịch, đăng ký nuôi con nuôi trên Hệ thống Một cửa điện tử, Dịch vụ công trực tuyến. Việc ứng dụng CNTT trong đăng ký nuôi con nuôi tạo thuận lợi cho công chức tư pháp theo dõi, kiểm tra, thống kê số liệu nhanh, chính xác, đầy đủ thông tin, giảm thao tác, rút ngắn thời gian.

Đối với việc cấp phiếu LLTP, năm 2021, Sở Tư pháp Hà Nội đã giải quyết xong và cấp 46.726 phiếu LLTP, trong đó, hồ sơ tiếp nhận và giải quyết qua dịch vụ bưu chính và trực tuyến chiếm 84%. Hiện Sở đang tham mưu cho TP nghiên cứu xây dựng đề án thí điểm về việc thực hiện thí điểm cơ chế “Giao DN bưu chính công ích thực hiện việc tiếp nhận, hướng dẫn, số hóa, trả kết quả giải quyết hồ sơ LLTP”.

Ngoài ra, TP đang xây dựng, triển khai các đề án: Đề án thực hiện thí điểm liên thông thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế; Đề án liên thông TTHC đăng ký nuôi con nuôi trong nước – cấp phiếu lý lịch tư pháp và Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa.

-	Cán bộ Bộ phận Một cửa của Sở Tư pháp Hà Nội giải quyết TTHC cho công dân
Cán bộ Bộ phận Một cửa của Sở Tư pháp Hà Nội giải quyết TTHC cho công dân

Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành

Theo báo cáo của Sở Tư pháp Hà Nội, những năm qua hoạt động bổ trợ tư pháp đã có những bước phát triển mạnh mẽ, trong đó công chứng, luật sư, giám định tư pháp là những lĩnh vực hoạt động có vai trò hỗ trợ đắc lực cho hệ thống tư pháp.

Lĩnh vực công chứng trên địa bàn TP Hà Nội hiện có 122 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có 10 Phòng công chứng và 112 Văn phòng công chứng với 445 công chứng viên hành nghề. Trong năm 2021, 122 tổ chức hành nghề công chứng đã ký 457.167 hợp đồng, giao dịch; chứng thực 3.575.737 bản sao; chứng thực chữ ký được 65.765 việc; thu hơn 253 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 34 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31-10-2021, tổng số tổ chức hành nghề luật sư là 1.440 tổ chức với 4.768 luật sư hành nghề.

Về hoạt động giám định tư pháp, năm 2021, các tổ chức giám định tư pháp trên địa bàn TP đã thực hiện giám định tư pháp 12.016 vụ việc,trong đó 11.101 việc theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, 868 việc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định.

Hoạt động thừa phát lại, hiện TP có 08 Văn phòng thừa phát lại với 80 thừa phát lại đang hành nghề, từ 01-01-2021 đến 31-10-2021, các Văn phòng đã thực hiện: Tống đạt 61.046 văn bản (của cơ quan tòa án), doanh thu trên 3,3 tỷ đồng. Lập 10.714 vi bằng, doanh thu hơn 11 tỷ đồng.

Lĩnh vực đấu giá tài sản, đến ngày 31-10-2021, TP có 112 DN, chi nhánh của doanh nghiệp đấu giá tài sản, trong đó có 01 Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản trực thuộc Sở Tư pháp, với trên 250 giá viên, trong đó Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản có 09 đấu giá viên. Trong năm, các tổ chức đấu giá tài sản thực hiện 3.777 cuộc đấu giá, 2.071 cuộc đấu giá thành (trong đó có 665 cuộc đấu giá quyền sử dụng đất); tổng giá khởi điểm của tài sản đấu giá trên 8.868,9 tỷ đồng, giá bán tài sản đạt trên 12.411,28 tỷ đồng; thù lao dịch vụ đấu giá tài sản thu được trên 51,72 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 4,74 tỷ đồng…

Sở Tư pháp sẽ chú trọng thực hiện tốt công tác giải quyết TTHC, phục vụ công dân, triển khai hiệu quả công tác PBGDPL, trợ giúp pháp lý, thực hiện nghiêm công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, qua đó giúp người dân tin tưởng, đồng thuận với các hoạt động, công tác quản lý điều hành của các cơ quan Nhà nước.

Kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của ngành tư pháp; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; xây dựng, nâng cao tỷ lệ Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; xây dựng CSDL trong các lĩnh vực công tác của ngành.

PGĐ Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cho biết, tiếp nối những kết quả đã đạt được trong năm 2021, Sở Tư pháp Hà Nội sẽ tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, bám sát chỉ đạo của Bộ Tư pháp và Thành ủy, trong đó bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Chỉ đạo quyết liệt thực hiện nhiệm vụ công tác theo phương châm “5 rõ” và hướng mạnh về cơ sở.
Bạch Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động