Tư pháp Thủ đô năm 2019: Gắn “Kỷ cương hành chính Tinh gọn bộ máy” với triển khai nhiệm vụ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênDịch vụ công trực tuyến – “Đòn bẩy” cải cách hành chính
Giai đoạn 2016-2020, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích đổi mới sáng tạo khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được xem là nhiệm vụ sống còn của TP Hà Nội. Mục tiêu cao nhất là chuyển từ nền hành chính “xin – cho” sang nền hành chính “phục vụ”.
Nhìn lại thành quả năm 2018, có thể thấy điểm nhấn quan trọng là môi trường kinh doanh của Hà Nội được cải thiện mạnh mẽ, thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Tổng vốn đầu tư xã hội ước thực hiện 340,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,6%. Thu hút đầu tư nước ngoài ước đạt 6,5 tỷ USD, đứng đầu cả nước.
Có được thành quả quan trọng đó không thể không kể đến sự góp sức tích cực của công tác cải cách hành chính, tăng cường hỗ trợ nhà đầu tư. Còn nhớ tại Hội nghị triển khai công tác Tư pháp năm 2018 và trong nhiều buổi làm việc với ngành Tư pháp Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn luôn nhấn mạnh rằng: “Thực hiện được mục tiêu cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích đổi mới sáng tạo khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hay không yếu tố đầu tiên là phải hoàn thiện thể chế. Phải cắt giảm được TTHC, tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp”.
“Tư pháp gắn rất chặt với việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, với hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật. Các chỉ đạo, điều hành của TP phải trên cơ sở tuân thủ pháp luật. Cơ quan Tư pháp phải tham mưu xây dựng hệ thống pháp luật vững mạnh”, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn nói. Thực tiễn triển khai, với tinh thần quyết liệt, sáng tạo trong điều hành, cùng những giải pháp cụ thể, ngành Tư pháp Thủ đô đã và đang đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu này.
Trong năm, việc đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được ngành đặc biệt quan tâm triển khai với mục đích góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, phục vụ tốt hơn yêu cầu của công dân, tổ chức. Sở đã hoàn thiện 77 quy trình TTHC để xây dựng dịch vụ công mức độ 3, 4 theo Kế hoạch năm 2017 của UBND TP, hoàn thiện 9/10 quy trình TTHC cấp huyện, xã để triển khai trong năm 2018. Đến nay, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến tại cấp huyện, xã được duy trì hiệu quả, đạt tỷ lệ cao tại 7 nhóm TTHC lĩnh vực hộ tịch. Qua theo dõi tại hệ thống dịch vụ công trực tuyến từ 1-1-2018 đến 25-11-2018, toàn TP đã giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với 337.981 hồ sơ, đạt tỷ lệ 98%.
Sở Tư pháp cũng đã tích cực phối hợp xây dựng Kế hoạc triển khai dịch vụ công mức 4 về cấp bản sao trích lục hộ tịch. Đến nay đã giải quyết 2.145 hồ sơ thực hiện qua dịch vụ công mức độ 4 (trong đó có 271 hồ sơ cấp phường). Việc thực hiện thủ tục cấp bản sao trích lục hộ tịch qua dịch vụ công mức độ 3, 4 đều đạt tỷ lệ cao (trên 96%).
Cũng trong năm qua, ngành Tư pháp đã tham mưu UBND TP ban hành Quyết định số 2595/QĐ-UBND về quy chế phối hợp thực hiện liên thông TTHC cấp phiếu Lý lịch tư pháp - cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài. Phối hợp Công an TP tiếp tục hoàn thiện quy chế phối hợp thực hiện liên thông TTHC về khai tử - xóa đăng ký thường trú; thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch – thay đổi nội dung đăng ký thường trú. Nhờ đó, đã tiếp tục rút ngắn thời hạn giải quyết TTHC, nâng cao chất lượng phục vụ các tổ chức, công dân.
Ngành cũng đã chủ động tổ chức quán triệt, triển khai Nghị định 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC và triển khai các giải pháp thực hiện nghiêm các quy định về tiếp nhận, trả kết quả TTHC. Trên cơ sở tham mưu của Sở Tư pháp, UBND TP đang xem xét, trình các cơ quan có thẩm quyền việc triển khai Đề án thí điểm ủy quyền cho công chức Tư pháp – Hộ tịch ký một số việc chứng thực thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã.
Hội thi Bí thư chi bộ giỏi 2018 - đợt sinh hoạt chính trị thiết thực của Sở Tư pháp Hà Nội hưởng ứng chủ đề năm công tác “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị” |
Xuất hiện nhiều mô hình PBGDPL hay, sáng tạo
Cùng với cải cách hành chính, công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) của Thủ đô trong năm 2018 cũng để lại dấu ấn rõ nét với nhiều chuyển biến tích cực. Các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL được đánh giá là đã bám sát và phục vụ kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của TP.
Đặc biệt, nhiều mô hình hay, sáng tạo, hiệu quả trong công tác tuyên truyền PBGDPL đã được các quận, huyện triển khai. Tiêu biểu như: Quận Hoàn Kiếm, Bắc Từ Liêm đã tổ chức nghiên cứu các vướng mắc, khó khăn trong việc thi hành pháp luật, tạo nhóm zalo trao đổi các thông tin về các văn bản pháp luật, tăng cường ra quân kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính theo chuyên đề, tuyên truyền lưu động tại các địa bàn trọng điểm. Quận Bắc Từ liêm, huyện Gia Lâm xây dựng tổ dân phố, thôn điện tử tuyên truyền về pháp luật. Quận Hoàng Mai đẩy mạnh tuyên PBGDPL qua sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật, “nhóm nòng cốt”, PBGDPL qua các loại hình văn hóa, văn nghệ. Quận Cầu Giấy với mô hình Cầu thang pháp luật...
Đáng chú ý, các hoạt động hưởng hướng Ngày Pháp luật Việt Nam trên địa bàn Thủ đô đã đi vào chiều sâu, thiết thực, tạo sự tan tỏa sâu rộng tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật trên toàn địa bàn TP. Có thể thấy, qua công tác PBGDPL đã góp phần tạo chuyển biến trong ý thức chấp hành pháp luật. Trong đó, phải kể đến là những chuyến biến tích cực trong ý thức tuân thủ pháp luật về phòng, chống cháy nổ trên địa bàn TP, ý thức chấp hành thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, quy tắc ứng xử nơi công cộng của cán bộ, công chức, viên chức và người dân. Với những kết quả nổi bật trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam 5 năm qua, Hội đồng phối hợp PBGDPL TP đã được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với cải cách hành chính, PBGDPL, nhiều nhiệm vụ công tác khác của ngành cũng đã hoàn thành đúng tiến độ, đạt kết quả tích cực như: Công tác hộ tịch, chứng thực, quốc tịch, nuôi con nuôi có nhiều chuyển biến; ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC được đẩy mạnh, giúp giảm thời gian, chi phí thực hiện. Hoạt động thanh tra, kiểm tra lĩnh vực bổ trợ tư pháp đã kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những sai phạm. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tư pháp từ cấp xã, cấp huyện và TP vững về chuyên môn, nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức được duy trì tốt... Kết quả công tác Tư pháp năm 2018 đã đóng góp hiệu quả vào hoạt động chỉ đạo, điều hành của chính quyền TP, góp phần tích cực trong xây dựng và phát triển mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc dự Hội nghị sơ kết 3 năm thi hành Luật Hộ tịch trên địa bàn TP Hà Nội biểu dương công tác hộ tịch của TP từng bước ổn định, đi vào nền nếp, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân |
Kỷ cương hành chính là nền tảng
Năm 2019- năm bứt phá để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016-2020, việc xây dựng bộ máy kỷ cương, liêm chính, hành động, phục vụ, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp tục được Chính phủ xác định là một trong những trọng tâm trong chỉ đạo điều hành.
Với phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, Chính phủ đặc biệt coi trọng việc hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng xây dựng và thực thi pháp luật; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, công vụ, tạo động lực và áp lực trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu. Theo đó, tiếp tục chú trọng cải cách hành chính, đơn giản hóa, cắt giảm thực chất TTHC, điều kiện kinh doanh, coi đây là một khâu đột phá thúc đẩy tăng trưởng.
Trong dòng chảy chung đó, Hà Nội tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ đề năm “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị” hướng đến mục tiêu cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh. TP tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành và thực thi pháp luật.
Tư pháp Thủ đô sẽ tập trung kiện toàn, sắp xếp về tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính trong công tác Tư pháp từ TP đến cơ sở. Triển khai toàn diện, đồng bộ công tác Tư pháp trên địa bàn TP theo định hướng trọng tâm công tác của Bộ Tư pháp, gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện các Chương trình công tác lớn của Thành ủy, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ chính trị của Thủ đô trong năm 2019.
Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, ban hành mới các VBQPPL của TP đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và phù hợp với điều kiện thực tiễn của TP, tạo động lực cho sự phát triển mọi mặt kinh tế, văn hóa, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội của Thủ đô.
Bên cạnh đó, thực hiện mạnh mẽ cải cách hành chính, cải cách tư pháp, siết chặt kỷ luật kỷ cương hành chính. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong lĩnh vực Tư pháp. Mở rộng triển khai dịch vụ công mức 3, mức 4 trong lĩnh vực hộ tịch, chứng thực ở cả 3 cấp chính quyền TP. Triển khai dự án xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử của TP đảm bảo cho việc phục vụ chính xác, kịp thời việc xây dựng, hoạch dịnh chính sách kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh và phục vụ yêu cầu của người dân.
Tập trung đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền, PBGDPL. Chú trọng nội dung tuyên truyền theo từng chuyên đề pháp luật cụ thể, phù hợp với từng thời điểm, gắn với các sự kiện chính trị xã hội và phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của TP, địa phương, đơn vị và nhu cầu xã hội.
Ngoài ra, phát huy vai trò của của luật sư trong xây dựng, thực thi pháp luật. Tích cực phối hợp thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Tập trung chủ yếu hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, đa dạng hóa các loại hình hỗ trợ như tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại