Thứ bảy 22/06/2024 17:59

Từ 1/7 chuyển tiền phải xác thực khuôn mặt: những băn khoăn trước giờ G

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tại Quyết định số 2345/QĐ-NHNN ngày 18/12/2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, từ ngày 1/7, mọi giao dịch chuyển tiền có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên đều phải thông qua bước xác thực bằng sinh trắc học đối với người chuyển tiền.
Nhiều khách hàng cho rằng, đa phần các vụ lừa đảo, mất tiền đều do người dùng bấm vào link chứa mã độc. Như vậy dù có sinh trắc học theo đúng chỉ dẫn nhưng khi bấm vào đường link và khai báo thông tin thì vẫn mất sạch tiền. Ảnh minh họa: Khánh Huy
Nhiều khách hàng cho rằng, đa phần các vụ lừa đảo, mất tiền đều do người dùng bấm vào link chứa mã độc. Như vậy dù có sinh trắc học theo đúng chỉ dẫn nhưng khi bấm vào đường link và khai báo thông tin thì vẫn mất sạch tiền. (Ảnh: Khánh Huy)

Khách hàng khi thực hiện các giao dịch vượt ngưỡng theo quy định của NHNN hoặc khi thực hiện giao dịch đầu tiên, khi cài đặt mới hoặc cài đặt lại ứng dụng di động trên thiết bị mới sẽ cần bổ sung bước xác thực sinh trắc học bằng khuôn mặt.

Cụ thể, các giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng/lần hoặc dưới 10 triệu đồng/lần nhưng tổng số tiền các giao dịch trong ngày từ 20 triệu đồng trở lên, đến lần chuyển tiếp theo trong ngày đó phải bổ sung phương thức xác thực bằng khuôn mặt.

Các giao dịch chuyển tiền dưới 10 triệu đồng/lần hoặc tổng giá trị giao dịch không quá 20 triệu đồng/ngày thì xác thực bằng mã Smart/SMS OTP như thông thường, không cần xác thực bằng khuôn mặt.

Quy định này nhằm đảm bảo an toàn cho người dùng trước tình trạng lừa đảo ngày một phức tạp, đồng thời ngăn ngừa các trường hợp cho mượn, cho thuê tài khoản.

Quyết định 2345 đến 1/7/2024 sẽ có hiệu lực. Xác thực sinh trắc học giúp giao dịch an toàn và bảo mật hơn khi sử dụng chính dữ liệu sinh trắc học của khách hàng đã được xác thực với Bộ Công an để giao dịch, mã hóa và bảo vệ thông tin của khách hàng trước các rủi ro tội phạm mạng.

Theo khoản 3 Điều 3 Luật Căn cước 2023, sinh trắc học là những thuộc tính vật lý, đặc điểm sinh học cá biệt và ổn định của một người để nhận diện, phân biệt người này với người khác như khuôn mặt, vân tay, mống mắt….

Do đó, dữ liệu sinh trắc học là đặc điểm nhận dạng duy nhất của một cá nhân, không có bất kỳ ai giống nhau, kể cả sinh đôi. Hiện nay, thông tin sinh trắc học của công dân đã được Bộ Công an thu thập và lưu trữ trong thẻ CCCD gắn chip của mỗi công dân.

Hiện tại, nhiều ngân hàng đã gửi thông báo tới khách hàng về việc đăng ký thông tin sinh trắc học. Những thông báo được lặp lại qua tin nhắn điện thoại (SMS) và ứng dụng trực tuyến. Nhiều ngân hàng cho biết, sẽ ưu tiên gửi thông báo trực tiếp tới khách hàng, đặc biệt với nhóm khách hàng thường xuyên có phát sinh giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng hoặc các chủ tài khoản trước đây được xác thực bằng CCCD cũ (chưa gắn chip).

Đại diện các ngân hàng cho rằng, việc triển khai sớm xác thực giao dịch bằng sinh trắc học trước thời điểm quy định mới có hiệu lực không chỉ sớm tăng cường bảo mật mà còn giúp khách hàng chủ động thời gian đăng ký, tránh tình trạng quá tải đăng ký nhận diện trước ngày quy định có hiệu lực 1/7.

Trong khi nhiều người dùng đồng tình với quy định mới này, một số vẫn tỏ ra băn khoăn. Nhiều khách hàng nêu, quy định mới có thể gây phiền hà cho một bộ phận lớn người dùng thường xuyên phải chuyển lượng lớn tiền trong ngày. Về mặt kỹ thuật, xác thực sinh trắc học cũng rất phức tạp, khi khách hàng phải di chuyển khuôn mặt ở nhiều góc độ nhưng nhiều khi không được chấp nhận do khuôn mặt dính tóc, vết bầm, mắt lờ đờ hay đối với phụ nữ là thay đổi phong cách trang điểm khác bình thường...

Đa phần các vụ lừa đảo, mất tiền đều do người dùng bấm vào link chứa mã độc. Như vậy dù có sinh trắc học theo đúng chỉ dẫn nhưng khi bấm vào đường link và khai báo thông tin thì vẫn mất sạch tiền. Nguy cơ mất tiền từ link mã độc thường xuyên xảy ra nhất thì sinh trắc học không giải quyết được, còn vô hình trung tạo ra sự phiền phức hơn cho khách hàng và cả ngân hàng.

Anh Cao Quang Minh (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) bày tỏ, những người đang dùng điện thoại chưa có tính năng Face ID, xác thực vân tay hay chưa hỗ trợ NFC sẽ phải mất tiền nâng cấp điện thoại, chưa kể trường hợp một số người viêm da cơ địa khiến vân tay bị mất cũng sẽ gặp khó khăn.

Một số ý kiến nêu, đã thực hiện trắc sinh học khuôn mặt rồi nhưng rất mất thời gian có lúc mất cả 30 đến 40 phút có thể còn không nhận diện được. Có người đang dùng điện thoại đời cũ, không đăng ký sinh trắc học được vì không có chức năng đọc chip. Những người đến ngân hàng để nhờ hỗ trợ. Nhân viên của ngân hàng không thể làm được và nói nên đổi điện thoại khác. Mua điện thoại khác để hoàn thiện một khâu giao dịch chuyển khoản online khiến nhiều người còn đang cân nhắc khá nhiều vì lí do tài chính.

Để cài đặt sinh trắc học, người dân cần chuẩn bị thẻ CCCD gắn chip và truy cập tính năng “Cài đặt sinh trắc học” trên ứng dụng của ngân hàng phiên bản mới nhất để thực hiện cài đặt theo các bước hướng dẫn.

Bước 1: Chọn tính năng “Cài đặt sinh trắc học” trên ứng dụng di động (app) của ngân hàng.

Bước 2: Tích chọn các chức năng và nhập hạn mức tối thiểu cần xác thực bằng sinh trắc học. Thực tế khách hàng có thể tự chọn cho mình một hạn mức nhất định dưới 10 triệu đồng nếu muốn đảm bảo hơn vệ sự an toàn cho tài khoản.

Bước 3: Chụp hai mặt của CCCD gắn chip.

Bước 4: Đọc thông tin trên CCCD theo hướng dẫn.

Bước 5: Chụp ảnh khuôn mặt để hoàn tất cài đặt.

Ngoài ra, người dân cũng có thể trực tiếp đến các điểm giao dịch của ngân hàng nơi mở tài khoản để được hướng dẫn cài đặt.

Quy định mới: từ 1/7, chuyển tiền trên 10 triệu phải xác thực bằng khuôn mặt, vân tay Quy định mới: từ 1/7, chuyển tiền trên 10 triệu phải xác thực bằng khuôn mặt, vân tay

Từ ngày 1/7/2024, chuyển tiền qua tài khoản trực tuyến hoặc nạp tiền vào ví điện tử trên 10 triệu đồng phải được xác thực ...

Ngô Sơn
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động