Thứ sáu 29/03/2024 15:37
Buôn bán kit test Covid-19 không rõ nguồn gốc:

Trục lợi bất chấp trong dịch bệnh là tội ác

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 9-6, Đội Quản lý thị trường số 13 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế (Công an quận Cầu Giấy) bắt giữ 800 bộ kit test Covid-19 không rõ nguồn gốc. Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 1 cũng đã phát hiện 29 hộp test nhanh Covid-19.

Hiện Việt Nam không có quy định cấm người dân mua, sử dụng kit test nhanh Covid-19. Tuy nhiên, các bộ kit test nhanh bán trên thị trường chủ yếu là hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ và không được cơ quản thẩm quyền cấp phép, đánh giá chất lượng.

Đặc biệt, đây thuộc dạng hàng hóa liên quan đến sức khỏe con người, vì thế, ngoài những điều kiện khác, những sản phẩm này cần được các cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế kiểm nghiệm và cấp phép.

Trục lợi bất chấp trong dịch bệnh là tội ác
Bộ kit test không rõ nguồn gốc

Trước đó, rất nhiều các bộ kit test Covid-19 được rao bán công khai trên mạng xã hội với giá từ 600 – 800 nghìn đồng. Về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng kit xét nghiệm rao bán tràn lan có thể là giả, khi thử có thể cho kết quả không đúng. Như vậy, khi xét nghiệm không những không phát hiện ra bệnh mà còn có nguy cơ phát tán và lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Việc bất chấp đúng sai để lưu hành, trục lợi từ những sản phẩm không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm định có thể gây hậu quả không nhỏ. Việc lợi dụng dịch bệnh, lợi dụng sự sợ hãi của người dân và bất chấp những cố gắng của các cơ quan liên ngành trong công tác phòng chống dịch bệnh là một tội ác.

Còn nhớ trước đây, khi mà Covid-19 mới được nhắc tên, người dân cả nước đã xôn xao, đầy bức xúc với những hộp khẩu trang giá trên trời. Một hộp khẩu trang ngày thường chỉ 40, 50 nghìn đồng bỗng chốc tăng gấp 10 lần. Thậm chí để đánh vào tâm lý của người dân, gian thương còn chơi chiêu bài ém hàng, găm hàng để tạo khan hiếm giả.

Lúc ấy, chiếc khẩu trang y tế trở thành một món hàng xa xỉ mà mọi người, mọi nhà đều muốn có. Và rồi tranh thủ cái sự “cầu” đang ngày một tăng, một số đối tượng thậm chí đã nhặt nhạnh, thu gom khẩu trang cũ để tái chế và bán kiếm lời. Đã từng có thời, câu chuyện cái khẩu trang be bé lại không hề nhỏ.

Hả hê thu nhặt những đồng tiền từ nỗi sợ hãi của đồng bào thời đại dịch, có khi nào những con người ấy nhìn lại những hình ảnh xót xa của những y, bác sỹ, những chiến sỹ bộ đội, công an, những sinh viên, thanh niên tình nguyện… chấp nhận ăn gió, nằm sương, khốn khổ trăm bề chỉ để ngăn chặn làn sóng mang tên Covid-19.

Khi thu lấy những đồng tiền từ nỗi sợ của đồng bào, liệu họ có nhìn thấy hình ảnh những em bé 3, 4 tuổi lúp xúp trong bộ quần áo bảo hộ, một mình co ro trong khu cách ly? Có chợt thấy xấu hổ trước hình ảnh một cụ già lập cập rút từng đồng tiền dành dụm để ủng hộ Nhà nước chống dịch.

Việc mua bán những sản phẩm chưa qua kiểm nghiệm, không rõ nguồn gốc hay không đảm bảo chất lượng tiềm ẩn nhiều nguy hại đến người sử dụng. Đặc biệt trong bối cảnh diễn biến của bệnh dịch ngày càng phức tạp thì đây là tội ác.

Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động