Thứ bảy 20/04/2024 13:21

Trồng thí điểm cây thủy sinh trên hào thành cổ Vinh để giảm bớt ô nhiễm

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Việc triển khai trồng thí điểm cụm, khóm các loài cây thủy sinh như hoa sen, hoa súng... trên hệ thống hào thành cổ Vinh (Nghệ An) nếu thành công thì không chỉ có tác dụng giảm thiểu ô nhiễm nước mà còn tạo nên điểm nhấn vẻ đẹp cho hào thành cổ Vinh.
Trồng thí điểm cây thủy sinh trên hào thành cổ Vinh để giảm bớt ô nhiễm
Việc triển khai các biện pháp như trồng cây thủy sinh nếu hiệu quả sẽ giảm bớt ô nhiễm cho hào thành cổ Vinh

Hào thành cổ Vinh (Nghệ An) là tuyến kênh bao quanh thành Vinh, chủ yếu nằm ở phường Cửa Nam, được nhà Nguyễn xây dựng bằng đá vào năm 1831, được xếp hạng di tích quốc gia năm 1998. Thành có chu vi 2.520 m, gồm 3 cửa. Hệ thống kênh hào bao quanh thành để phòng thủ được thiết kế theo hình lục giác, sâu 3 m, rộng 28 m.

Do chủ yếu chứa nước tù, đọng nên từ lâu nước ở Hào thành cổ bị ô nhiễm. Nhằm cải tạo, trùng tu cũng như giảm thiểu sự ô nhiễm nước của hào thành cổ, năm 2016 TP Vinh đã triển khai thực hiện dự án cải tạo hào thành cổ Vinh với kinh phí gần 140 tỉ đồng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng thế giới. Dự án này thực hiện các nội dung như nạo vét, xây bờ kè dọc hai bờ hào, hệ thống thu gom nước thải, tạo cảnh quan quanh hào thành...

Sau khi dự án hoàn thành, việc giải quyết vấn để ô nhiễm tưởng như được xử lý dứt điểm, thế nhưng nước hào thành vẫn bốc mùi hôi khó chịu, ảnh hưởng tới đời sống người dân. Theo lý giải, việc nước ở hào thành cổ Vinh ô nhiễm là bởi nước tù đọng, về cơ bản nước sinh hoạt của người dân được xả ra khi chưa qua khâu xử lý sạch khiến hào thành ô nhiễm.

Mới đây, phường Cửa Nam đã có văn bản xin chủ trương từ TP Vinh triển khai thí điểm trồng cây thủy sinh nhằm góp phần giảm thiểu ô nhiễm trong hào thành cổ. Nội dung này đã được UBND TP Vinh chấp thuận trong Văn bản số 4553/UBND-TNMT vào ngày 26/8/2022.

Ngay sau khi được UBND TP Vinh đồng ý cho thực hiện thí điểm trồng các loài cây thủy sinh trong hào thành cổ, phường Cửa Nam đã liên hệ một số đơn vị cung cấp giống cây, đồng thời phối hợp triển khai thực hiện.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Nam cho biết, sau khi nghiên cứu, cũng như có sự đồng thuận từ Nhân dân, phường đã xin TP Vinh trồng thí điểm các loài như sen, súng và thủy trúc. Hiện đã trồng thí điểm hai bên cổng thành phía Nam đường Đào Tấn. Thời gian này đang theo dõi sự sinh trưởng và phát triển của cây, đồng thời xem các tác động khác để có báo cáo cụ thể hơn về hiệu quả cũng như các vấn đề phát sinh khi triển khai trồng cây thủy sinh ở hào thành cổ.

Trồng thí điểm cây thủy sinh trên hào thành cổ Vinh để giảm bớt ô nhiễm
Không những thế còn giúp hào thành cổ thêm đẹp, tạo điểm nhấn

“Kinh phí không đáng bao nhiêu, hiện tại đang thí điểm vài khóm thủy sinh trước. Nếu hiệu quả sẽ làm đề án cụ thể và xin chủ trương làm tổng thể.” – ông Tuấn cho biết.

Thành cổ Vinh nằm ở TP Vinh, Nghệ An. Đây là công trình kiến trúc độc đáo dưới thời Nguyễn, được xây dựng vào năm 1831. Trải qua thời gian và sự tàn phá của chiến tranh, công trình không còn được nguyên vẹn như ban đầu. Hiện nay chỉ còn lại 3 cổng thành tại địa phận của 3 phường trên địa bàn TP Vinh đó là: Cửa Nam, Quang Trung, Đội Cung.

Năm 1802, sau khi đánh bại vương triều Tây Sơn, nhà Nguyễn chính thức giành chính quyền. Năm 1804, vua Gia Long chính thức khởi công xây dựng thành. Năm 1831, đến đời vua Minh Mạng, từ nguyên liệu đất trước có, thành được xây lại bằng đá ong với quy mô, kiến trúc lớn hơn. Sau đó tiếp tục được nâng cấp sử dụng đá sò, đá ong ở thời Tự Đức.

Thành cổ Vinh là một di tích lịch sử ở Nghệ An thu hút nhiều khách du lịch tham quan hằng năm. Đây cũng là công trình có giá trị nghiên cứu văn hóa, lịch sử, kiến trúc của thời xa xưa.

Phố đi bộ tại TP Vinh có gì đặc sắc? Phố đi bộ tại TP Vinh có gì đặc sắc?

Ít nhất đã có 3 lần vận hành, tuyến phố đi bộ đầu tiên tại TP Vinh (Nghệ An) được người dân hết sức quan ...

Hoàng Phạm
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động