“Trợ lý ảo” giúp các Thẩm phán đưa ra các quyết định đúng bản chất sự việc, đúng pháp luật
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNguyên Phó Chánh án, Thẩm phán TAND TC Tống Anh Hào |
- Thưa ông, xuất phát từ đâu, TAND TC lên kế hoạch cho việc xây dựng phần "Trợ lý ảo" để hỗ trợ các Thẩm phán thực hiện tra cứu nhanh các văn bản pháp luật, chỉ dẫn áp dụng pháp luật cho các tình huống pháp lý cụ thể, quy định pháp luật, án lệ và bản án có tình huống pháp lý tương tự để tham khảo, áp dụng trong công tác xét xử?
- Với thành tựu của công nghệ thông tin ngày càng tạo ra nhiều tiện ích cho xã hội; các cơ quan Nhà nước sử dụng công nghệ thông tin để thực thi chức năng nhiệm vụ của mình được xem đó là một trong những giải pháp hiệu quả nhất và phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại.
Nhiều Tòa án trên thế giới đã xem việc đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào trong trong hoạt động xét xử là một trong những giải pháp cải cách quan trọng để nâng cao chất lượng hoạt động của Tòa án. Chánh án TAND TC và Ban cán sự của TAND TC đã quyết tâm đẩy mạnh việc sử dụng công nghệ thông tin vào trong tất cả các hoạt động của hệ thống Tòa án và xem đó là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để nâng cao chất lượng hoạt động của Tòa án, thực hiện tốt chiến lược cải cách tư pháp.
Một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng xét xử của Tòa án là phải nâng cao trình độ, năng lực và kỹ năng xét xử của cán bộ Tòa án nhất là các Thẩm phán. Thực tiễn cho thấy, trong điều kiện hệ thống pháp luật của chúng ta đang trong quá trình hoàn thiện cho nên ngoài luật còn rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác, án lệ, kể cả những công văn có tính chất hướng dẫn việc áp dụng pháp luật...
Do đó, khi xử lý một vấn đề cụ thể, Tòa án phải áp dụng rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật rất là phức tạp nên dễ dẫn đết sai sót trong áp dụng pháp luật, việc xử lý những tình huống pháp lý cụ thể khó khăn. Tuy hiện nay có nhiều phầm mềm cung cấp văn bản quy phạm pháp luật trên mạng internet, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của Thẩm phán.
Một trong những yêu cầu của việc nâng cao trình độ, năng lực và kỹ năng xét xử của Thẩm phán là làm thế nào để Thẩm phán hiểu và áp dụng pháp luật đúng; xử lý các tình huống pháp lý đúng quy định của pháp luật; thực hiện các hoạt động tố tụng nhanh chóng, kịp thời, khoa học, đúng quy định; các văn bản tố tụng càng ngày càng chất lượng.
Xuất phát từ những yêu cầu nói trên, Chánh án TAND TC đã chỉ đạo xây dựng phầm mềm “Trợ lý ảo Thẩm phán” là việc ứng dụng công nghệ thông tin để giúp tất các Thẩm phán tra cứu, áp dụng pháp luật đầy đủ, chính xác cho mỗi vụ việc cụ thể; hướng dẫn Thẩm phán thực hiện các hoạt động tố tụng đúng trình tự, thủ tục, nhanh chóng kịp thời, đúng quy định pháp luật; giúp các Thẩm phán ra các quyết định đúng đúng bản chất sự việc, đúng pháp luật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, được dư luận xã hội đồng tình.
- Ông có thể cho biết những nội dung của phần mềm “Trợ lý ảo” Thẩm phán?
- Để đáp ứng những yêu cầu nói trên, theo sự chỉ đạo của Chánh án TAND TC, phần mềm trợ lý ảo của Thẩm phán có những nội dung sau đây:
Thứ nhất, chỉ dẫn văn bản pháp luật, án lệ, “Trợ lý ảo” xây dựng công cụ tìm kiếm văn bản pháp luật, để thuận tiện cho việc tra cứu; các luật được xấp xếp thành “cây tri thức”, trong đó các luật hình sự, dân sự, hành chính, Nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán, Thông tư liên tịch và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Trong mỗi điểm, khoản, điều của luật nếu có văn bản liên quan sẽ được chú thích, chỉ dẫn ngay tại đó để giúp Thẩm phán hiểu đúng vấn đề, áp dụng đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật. “Trợ lý ảo” giúp tìm kiếm án lệ nhanh chóng thuận lợi theo nội dung cần tìm.
Thứ hai, hướng dẫn xử lý những tình huống pháp lý cụ thể, căn cứ vào các luật, các văn bản quy phạm pháp luật khác, án lệ và các công văn giải đáp, hướng dẫn của TAND TC, “Trợ lý ảo” sẽ cung cấp cho Thẩm phán dưới hình thức hỏi - đáp, trong đó chỉ rõ tình huống pháp lý như câu hỏi đặt ra đã được quy định tại điểm, khoản, điều của văn bản quy phạm pháp luật nào, hoặc của án lệ nào, trường hợp chưa có điều luật hoặc án lệ thì chỉ dẫn các Công văn bản hướng dẫn của TAND TC nhằm giúp Thẩm phán xử lý tất cả các tình huống pháp lý cụ thể trong giải quyết các vụ án hình sự, hành chính, giải quyết các vụ việc dân sự, đặc biệt là các tình huống pháp lý phức tạp.
Thứ ba, giới thiệu những bản án, quyết định của Tòa án tương tự để tham khảo, “Trợ lý ảo” sẽ cung cấp các Quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND TC, các bản án và quyết định giám đốc Thẩm của các Tòa án cấp cao và các Tòa án khác đã được Chánh án TAND TC trả lời không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm và các bản án quyết định khác của Tòa án đang có hiệu lực pháp luật theo đúng nội dung mà Thẩm phám phán cần tìm để tham khảo; trên cơ sở đó sẽ giúp Thẩm phán đưa ra những quyết định đúng khi giải quyết các vụ án hình sự, hành chính, giải quyết các vụ việc dân sự tương tự.
Phiên toà trực tuyến của TAND quận Đống Đa đảm bảo chất lượng xét xử |
Thứ tư, hỗ trợ Thẩm phán thực hiện các hoạt động tố tụng, “Trợ lý ảo” cung cấp cho các Thẩm phán tất cả các văn bản tố tụng mẫu, nhất là những bản án mẫu đối với mỗi loại vụ việc cụ thể nhằm hỗ trợ Thẩm phán soạn thảo các văn bản tố tụng nhanh chóng, đúng quy định của pháp luật. Giúp thẩm phán xây dựng kế hoạch giải quyết các vụ án cụ thể, trợ lý ảo sẽ đưa ra những nội dung chủ yếu Thẩm phán phải thực hiện đối với mỗi loại vụ việc cụ thể.
Thứ năm, đưa ra đoán định tư pháp, khi cần dự đoán tình hướng pháp lý sẽ được xử lý như thế nào? Người sử dụng trợ lý ảo đặt câu hỏi và nhập những thông tin cần thiết về một tình huống pháp lý cụ thể. “Trợ lý ảo” sẽ trả lời về kết quả giải quyết tình huống pháp lý đó.
- “Trợ lý ảo” được coi là bước đột phá ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ Thẩm phán. Ngành Toà án yêu cầu, bảo đảm 100% các Thẩm phán trong hệ thống Tòa án sử dụng phần mềm “Trợ lý ảo” phục vụ công tác chuyên môn ngay sau khi được tập huấn hướng dẫn sử dụng. Ông nhận định như nào về những thuận lợi và khó khăn khi áp dụng phần mềm này?
- “Trợ lý ảo” được coi là bước đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ Thẩm phán thực hiện nhiệm vụ của mình. Theo tôi khi áp dụng phần mềm này hiện nay có những thuận lợi và khó khăn như sau:
Trước hết, thuận lợi: Với sự quan tâm chỉ đạo của Chánh án TAND TC cao, sau khi triển khai phần mềm “Trợ lý ảo”, các Thẩm phán đều thấy rõ tiện ích của trợ lý ảo là công cụ đắc lực trợ giúp Thẩm phán trong công tác xét xử, nên đều muốn sử dụng và tất cả Thẩm phán đều được trang bị máy vi tính kết nối mạng và tập huấn về phương pháp sử dụng trợ lý ảo cho nên đều có điều kiện sử dụng trợ lý ảo.
Còn về khó khăn, hiện nay trình độ về tin học, khả năng sử dụng máy vi tính của các Thẩm phán không đồng đều; "Trợ lý ảo mới" bắt đầu triển khai sử dụng nên Thẩm phán thực hiện các thao tác trên máy tính chưa thật sự thành thạo nên chưa sử dụng nhiều.
Phầm mềm “Trợ lý ảo” phải xây dựng trong thời gian nhiều năm, hiện nay đang thực hiện giai đoạn 1, còn nhiều nội dung đang triển khai và sẽ hoàn thiện trong thời gina tới cho nên chưa thật sự đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của trợ lý ảo.
- Việc nghiên cứu, xây dựng hệ thống “Trợ lý ảo” được chia làm ba giai đoạn. Vậy, với giai đoạn 1, TAND TC đã chuẩn bị như thế nào? Các giai đoạn tiếp theo sẽ triển khai những gì, thưa ông?
- Như phần trên tôi đã trình bày, trợ lý ảo có 5 nội dung, giai đoạn 1 (năm 2021) trợ lý thực hiện 3 nội dung: Chỉ dẫn văn bản pháp luật, án lệ áp dụng, hướng dẫn xử lý những tình huống pháp lý cụ thể, giới thiệu những bản án, quyết định của Tòa án tương tự để tham khảo.
Giai đoạn 2 năm 2022, đang triển khai tập trung 2 vấn đề lớn như:
Một là, hoàn thiện và phát triển các nội dung đã xây dựng tại giai đoạn một, trong đó chỉnh sửa bổ sung các chỉ dẫn pháp luật nhằm bảo đảm đầy đủ và chính xác, thường xuyên cập nhật kịp thời những văn bản quy phạm pháp luật mới; Hoàn thiện và bổ sung hướng dẫn xử lý những tình huống pháp lý cụ thể, phấn đấu sẽ hướng dẫn đầy đủ việc xử lý các tình huống pháp lý mà các Thẩm phán đang cần. Bổ sung việc giới thiệu các bản án, quyết định của Tòa án.
Hai là, xây dựng phần mềm hỗ trợ Thẩm phán thực hiện các hoạt động tố tụng, trong đó giúp Thẩm phán soạn thảo văn bản tố tụng, xây dựng kế hoạch giải quyết án mội số loại án cụ thể.
Giai đoạn 3: Là giai đoạn nâng cao “Trợ lý ảo”, trong đó tập trung thự hiện những công việc sau đây: Cập nhận bổ sung các nội dung đã thực hiện ở giai đoạn 1 và 2 nhân là tập trung hoàn thiện phần mềm Hỗ trợ Thẩm phán thực hiện các hoạt động tố tụng; Xây dựng và hoàn thiện đoán định tư pháp.
- Trong tương lai, phần mềm “Trợ lý ảo” sẽ tiếp tục được áp dụng cho những đối tượng nào? Sau một thời gian đưa phần mềm “Trợ lý ảo” vào hoạt động, ông có đánh giá gì về hiệu quả của nó?
- Như tôi đã trình bày, phần mềm “Trợ lý ảo” là một công cụ trợ giúp đắc lực cho việc xét xử các vụ án hình sự, hành chính, giải quyết các vụ việc dân sự. Trước mắt là cho Thẩm phán, thẩm tra viên và thư ký Tòa án sử dụng. Trong tương lại sẽ mở rộng cho mọi cơ quan tổ chức và cá nhân sử dụng.
Việc mở rộng đối tượng sử dụng phần mềm trợ lý ảo đối với nội dung giải đáp tình hướng pháp lý, giới thiệu bản án, quyết định của Tòa án, đặc biệt là đoán định tư pháp sẽ giúp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt các quyền, nghĩa vụ của khi tham gia tố tụng, nhất là quyết định có khởi kiện hay không khởi kiện, hòa giải hay không hòa giải đối với những nội dung tranh chấp cụ thể; trên cơ sở đó các chủ thể sẽ điều chỉnh hành vi, xác lập các quan hệ xã hội ngày càng tốt hơn.
Bên cạnh đó, với tinh thần không cầu toàn, vừa sử dụng vừa hoàn thiện, nên TAND TC đã chính thức đưa phần mềm này vào hoạt đông từ đầu tháng 4/2022. Hiện nay, hầu hết các Thẩm phán trong cả nước đã sử dụng phần mềm này trong công tác xét xử, bước đầu đã được các Thẩm phán đánh giá rất cao về vai trò của phần mềm trong việc trợ giúp mình trong việc thực thi công vụ.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại