Thứ bảy 21/09/2024 08:31

Trợ giúp viên pháp lý hỗ trợ cho người chưa thành niên phạm tội

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Việc tham gia của trợ giúp viên pháp lý trong quá trình tố tụng đã góp phần quan trọng trong việc xác định sự thật khách quan của những vụ án có người chưa thành niên phạm tội, giúp cho hội đồng xét xử đưa ra được những bản án công bằng, dân chủ và đúng pháp luật.
Trợ giúp viên pháp lý hỗ trợ cho người chưa thành niên phạm tội
Hình ảnh nhóm thanh niên phóng nhanh trên đường. Ảnh minh họa.

Độ tuổi thành niên là độ tuổi đang được giáo dục cơ bản về nhận thức, ý thức, đạo đức, trong đó có ý thức chấp hành pháp luật. Ở độ tuổi này, thanh thiếu niên phát triển nhanh chóng về thể chất nhưng về tâm, sinh lý có những bất ổn, thậm chí nổi loạn, thiếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc dẫn đến thực hiện những hành vi có tính chất bộc phát, thiếu sự điều khiển của lý trí, có thể dẫn đến hành vi phạm tội.

Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định một trong số những đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý miễn phí gồm: (i) Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. (ii) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có khó khăn về tài chính là bị hại trong vụ án hình sự.

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, các trợ giúp viên pháp lý tích cực tham gia bào chữa cho người chưa thành niên phạm tội ở ngay giai đoạn đầu của vụ án. Có những vụ, trợ giúp viên pháp lý tham gia tranh tụng ở cả 2 phiên toà sơ thẩm và phúc thẩm, giúp bị cáo là người chưa thành niên phạm tội giảm hình phạt, chuyển hình phạt tù sang án treo, góp phần mang lại những bản án công tâm, có tình, có lý, giúp thanh thiếu niên phạm tội có cơ hội sửa sai, làm lại cuộc đời.

Điển hình như vụ việc dưới đây, các trợ giúp viên pháp lý đã tích cực tham gia bào chữa cho người chưa thành niên phạm tội ở ngay giai đoạn đầu của vụ án.

Theo đó, em N.V.T, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội kể lại rằng, em đi chơi cùng nhóm bạn thì thấy một nhóm khác cũng đang đi đường, em mới chỉ tay lên nhóm trên kia và bảo với mọi người hình như là người quen. Sau đó, nhóm kia có đi lại gần bắt lỗi em về việc đã chỉ tay vào nhóm đấy. Hai bên lời qua tiếng lại và nhóm kia đã lao vào đánh em.

Trợ giúp viên pháp lý hỗ trợ cho người chưa thành niên phạm tội
Hai trợ giúp viên pháp lý Nguyễn Thị Thanh Xuân và Nguyễn Minh Thu trao đổi với gia đình người được trợ giúp pháp lý. Ảnh: N.M.

Lúc này, nhóm của em đã bỏ chạy và chạy thoát. Sau đó, nhóm của em quay lại gặp nhóm kia và dẫn tới vụ xô xát. Tuổi bọn em còn trẻ nên lúc đó không nghĩ được nhiều, chỉ nhìn thấy nhóm kia là lao vào thôi. Sau khi đánh nhau xong, nhóm của em đi ra về nhưng lại được bạn bị đánh gọi bảo là ra chỗ hẹn để giảng hòa, nhưng tại chỗ này lại xảy ra đánh nhau tiếp.

Do gây mất trật tự, an ninh nên lực lượng Công an đã có mặt và đưa cả hai nhóm về cơ quan Công an xác minh làm rõ. Theo kết quả điều tra, cả hai nhóm đều có người bị thương và nhóm của T đã gây thương 2% cho một cá nhân ở nhóm kia. Đồng thời, gia đình của bị hại đã có đơn yêu cầu khởi tố vụ án cố ý gây thương tích.

Quá trình điều tra, Công an quận Hoàn Kiếm đã khởi tố nhóm của T theo khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự về tội Cố ý gây thương tích. Ngoài ra, trong nhóm T có 2 người là người dưới 18 tuổi nên được cơ quan điều tra gửi văn bản cho Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội cử trợ giúp viên pháp lý tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các cháu.

Được cử tham gia vụ việc, trợ giúp viên pháp lý Nguyễn Minh Thu và Nguyễn Thị Thanh Xuân đều nhận định đây là vụ việc khởi tố theo yêu cầu của bị hại, cả hai bên bị buộc tội, đều có lỗi khi sự việc xảy ra. Quá trình làm việc, trợ giúp viên pháp lý đã tư vấn, chia sẻ quy định của pháp luật về sự việc trên giúp T và các bạn nhận ra sai lầm của mình.

Chị Nguyễn Minh Thu, trợ giúp viên pháp lý, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội cho biết, tiếp nhận vụ án, trợ giúp viên pháp lý nhận định đây là vụ án khởi tố theo yêu cầu của bị hại, cả hai bên bị buộc tội và bị hại đều có lỗi trong sự việc xảy ra.

Sau đó, hai trợ giúp viên pháp lý đã tìm hiểu và gặp gỡ hai bên, chia sẻ, phân tích về cái được cái mất nếu cháu bị khởi tố thì cháu bị ảnh hưởng đến tương lai, cuộc sống của cháu sau này. Hai trợ giúp viên pháp lý rất nhiều lần kiên trì phân tích, tư vấn, thuyết phục gia đình bị hại, giúp gia đình rút đơn yêu cầu khởi tố đối với em N.V.T và nhóm bạn, đây là giải pháp để giải quyết vụ việc một cách tốt nhất.

"Chúng tôi đã phối hợp với gia đình bị hại, bị can ngồi lại với nhau và thỏa thuận thống nhất được bồi thường cũng như xin giảm nhẹ trách nhiệm hình phạt cho bên kia. Sau rất nhiều lần gặp, phân tích thì phía gia đình bị cáo mới rút đơn yêu cầu khởi tố và vụ án đã được đình chỉ và đem lại kết quả tốt nhất cho người được trợ giúp pháp lý", chị Nguyễn Thị Thanh Xuân, trợ giúp viên pháp lý chia sẻ.

Mẹ của em N.V.T, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, chị hơi bất ngờ khi gặp trợ giúp viên pháp lý, chị thấy hai bạn trẻ nhưng khi tiếp xúc chị thấy hai trợ giúp viên rất hiểu biết và có tâm trong nghề nghiệp, trợ giúp rất nhiệt tình.

"Giải quyết vụ án để các cháu được thuận lợi cao nhất và không gây ra những ảnh hưởng sau này cho tương lai của các cháu, đấy là cái thành công trong trợ giúp pháp lý. Sau sự việc tôi thấy con mình trưởng thành và ngoan hơn. Sự việc này đã nhờ trợ giúp viên pháp lý giáo dục con em mình rất xác thực", mẹ của em N.V.T tâm sự.

Trợ giúp viên pháp lý giúp bị đơn trong vụ “Tranh chấp quyền sử dụng đất” Trợ giúp viên pháp lý giúp bị đơn trong vụ “Tranh chấp quyền sử dụng đất”

Bị đơn là người có công với cách mạng có đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý nên GĐ Trung tâm Trợ giúp pháp lý ...

Công Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động