Thứ năm 28/03/2024 17:36

Triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả khung kiến trúc chính quyền đô thị

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Việc áp dụng thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị đối với các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và thực hiện ngay ở Thành phố Hồ Chí Minh đặt ra yêu cầu là cần phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, nhất là về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của thành phố...

Việc thực hiện thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị đã quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng về việc đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước; hoàn thiện thêm một bước cơ sở lý luận, khoa học và thực tiễn về tổ chức hợp lý chính quyền địa phương theo hướng phân biệt rõ sự khác biệt giữa chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn. Tuy nhiên, việc xây dựng mô hình thí điểm chính quyền đô thị cũng làm phát sinh những khác biệt so với các quy định của văn bản quy phạm pháp luật hiện hành (các luật, nghị định, thông tư…). Do vậy, đòi hỏi phải có sự phối hợp triển khai đồng bộ của các cơ quan trung ương (Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành) trong việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật liên quan về tổ chức bộ máy và hoạt động của chính quyền địa phương và chính quyền đô thị, để có những thay đổi cơ bản, toàn diện, mạnh mẽ, tạo hành lang pháp lý chắc chắn cho chính quyền đô thị hoạt động hiệu quả.

đẩy mạnh cơ chế giám sát của người dân đối với hoạt động của chính quyền đô thị.
Đẩy mạnh cơ chế giám sát của người dân đối với hoạt động của chính quyền đô thị.

Chính vì vậy, Quốc hội và Chính phủ cần khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy chính quyền và của mỗi cấp hành chính theo mô hình chính quyền đô thị (như Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng…, cũng như các nghị định, thông tư của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương) phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, theo hướng bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, hợp lý, thống nhất, liên thông, minh bạch.

Rà soát lại toàn bộ hệ thống văn bản pháp luật hiện nay có quy định về chính quyền đô thị, góp phần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới nhằm hạn chế tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản để phù hợp với tình hình phát triển đô thị hiện nay. Tiếp tục hoàn thiện thể chế phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ, bộ, ngành với chính quyền thành phố; giữa chính quyền thành phố với chính quyền cấp quận, huyện, thị xã. Chủ động ban hành các quy định, cơ chế theo thẩm quyền nhằm cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước làm tiền đề để thực hiện cải cách tổ chức bộ máy chính quyền thành phố tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, triển khai quản lý theo mô hình chính quyền đô thị.

Việc thực hiện thí điểm mô hình tổ chức chính quyền sẽ làm cho bộ máy chính quyền thành phố tinh gọn, phản ứng nhanh nhạy, hoạt động thông suốt hơn; cơ quan hành chính ở cấp huyện và cấp xã sẽ tích cực, chủ động điều hành, quyết định nhanh chóng những vấn đề cấp bách ở địa phương trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm, rõ người, rõ việc. Các cơ quan chuyên môn trực thuộc sắp xếp lại tinh gọn; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền giữa các cơ quan trung ương và chính quyền thành phố, qua đó, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền. Do vậy, hiệu lực và hiệu quả quản lý của bộ máy chính quyền đô thị sẽ được nâng cao, không chỉ trong quản lý đô thị hiện đại, phát triển mà còn bảo đảm cả trong những tình huống khẩn cấp, khó khăn, an ninh phi truyền thống, như hoả hoạn, thiên tai, dịch bệnh… Tuy nhiên, việc triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị cần có bước đi thận trọng, vừa bảo đảm tính kế thừa, vừa giữ được ổn định về mô hình tổ chức chính quyền quận, huyện, thị xã; cần có một số điều chỉnh nhất định về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân cấp quận, huyện, thị xã và ủy ban hành chính cấp phường sao cho phù hợp với đặc điểm của quản lý chính quyền đô thị, tạo được sự đa dạng, phù hợp với đặc thù của từng loại đơn vị hành chính (phường, xã, thị trấn).

Việc sắp xếp, bố trí lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị phải sáp nhập, hợp nhất, tổ chức lại hoặc bị giải thể sẽ dẫn đến một số cán bộ, công chức phải chuyển đổi công tác hoặc bị dôi dư, từ đó, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và chế độ, chính sách đối với số cán bộ, công chức này. Do vậy, đòi hỏi phải triển khai các biện pháp đồng bộ để giải quyết tốt chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức này. Mặt khác, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục đổi mới tư duy, tác phong, phương pháp làm việc; nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, am hiểu pháp luật và xu thế phát triển, hội nhập quốc tế; tinh thông nghiệp vụ và có năng lực để bắt kịp quá trình phát triển theo hướng phục vụ người dân, doanh nghiệp, xây dựng đô thị thông minh và hội nhập quốc tế…

Trong trường hợp thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân ở cấp huyện, quận, phường, xã thì cần phải xây dựng cơ chế giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân nhằm góp phần phát huy cao nhất quyền làm chủ của nhân dân. Do đó, cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động giám sát của xã hội đối với tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương nói chung và chính quyền đô thị nói riêng, góp phần thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận đối với hoạt động của ủy ban nhân dân, phối hợp trong việc giải quyết các vấn đề ở địa phương, thay thế chức năng giám sát do không tổ chức hội đồng nhân dân.

Tiếp tục hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả khung kiến trúc chính quyền đô thị theo chỉ đạo của Chính phủ, yêu cầu quản lý và phù hợp với việc thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng công nghệ thông minh để từng bước mở rộng việc cung cấp các loại hình dịch vụ công và vận hành thông suốt hệ thống thông tin trong hoạt động điều hành, tác nghiệp của các cơ quan, đơn vị, tăng cường mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân. Kết nối và vận hành thông suốt các phần mềm quản lý tác nghiệp, điều hành giữa các đơn vị trong thành phố và giữa thành phố với Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

TQ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động