Triển khai hiệu quả các giải pháp phục hồi du lịch, hàng không trong bối cảnh mới
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên Những quyết định của Chính phủ cho phép mở cửa du lịch từ 15-3 tới đã tạo điều kiện để ngành hàng không Việt Nam tiến dần tới bình thường hóa hoàn toàn các hoạt động của mình |
Để ngành hàng không Việt Nam tiến dần tới bình thường hóa hoàn toàn
Tại buổi Tọa đàm, Ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam cho biết, hàng không và du lịch là 2 ngành bị ảnh hưởng lớn nhất của đại dịch Covid-19. Hoạt động của các DN hàng không đã bị ảnh hưởng trên cả mạng bay nội địa và quốc tế.
Kết quả sản xuất kinh doanh giảm sút, tình trạng tài chính của các DN trong ngành hàng không gặp khó khăn. Sau khi cho phép triển khai và khôi phục từng bước đường bay nội địa, ngành hàng không Việt Nam đã có sự khởi sắc trở lại.
Đặc biệt, ngành đã phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Nhâm Dần 2022, đảm bảo hành khách đi lại an toàn trên cả khía cạnh giao thông lẫn y tế.
Ông Bùi Doãn Nề nhấn mạnh, những quyết định của Chính phủ cho phép mở cửa du lịch từ 15-3 tới đã tạo điều kiện để ngành hàng không Việt Nam tiến dần tới bình thường hóa hoàn toàn các hoạt động của mình, không bị "chậm chân" trong cuộc cạnh tranh với các hãng hàng không trong khu vực và thế giới có đường bay đi đến Việt Nam.
Tuy nhiên, việc mở lại đường bay quốc tế cũng đặt ra những thách thức lớn đối với Việt Nam nói chung, với ngành hàng không và du lịch. Đặc biệt là khó khăn do thị trường cần có giải pháp khôi phục và kích cầu trở lại; khó khăn do kiểm soát và đảm bảo an toàn cho hành khách và cộng đồng trong tình hình diễn biến dịch bệnh còn phức tạp.
Phó chủ tịch Hiệp hội hàng không Việt Nam nhấn mạnh, chúng tôi hy vọng những kinh nghiệm, bài học được chia sẻ trong cuộc toạ đàm này đem lại những lợi ích thiết thực cho các DN hàng không, có được những kiến nghị, những giải pháp giúp các DN, các hãng hàng không và ngành hàng không sớm khôi phục lại đường bay quốc tế đạt hiểu quả và kỳ vọng.
Thông tin về kết quả khai thác đường bay quốc tế, ông Bùi Minh Đăng, Phó trưởng phòng Vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, tính tới thời điểm hiện tại, hàng không Việt Nam mở lại bay quốc tế đến 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Từ ngày 15-2, Việt Nam mở cửa toàn bộ đường bay quốc tế, không hạn chế tần suất. Từ đầu năm 2022 đến nay, có khoảng 200 nghìn khách quốc tế đến Việt Nam qua đường hàng không. Con số này tuy còn thấp so với thời kỳ cao điểm năm 2019 (4 triệu khách/tháng) nhưng vẫn là con số ấn tượng vì chúng ta vừa mở trở lại sau giai đoạn ảnh hưởng của dịch bệnh.
Ông Đăng chia sẻ, Cục Hàng không Việt Nam đã đưa ra các kịch bản dự báo tăng trưởng, trong đó, kịch bản trung bình với tính khả thi cao là năm 2022, thị trường hàng không Việt Nam đón 42-43 triệu hành khách, trong đó, dự báo sẽ có khoảng 8 triệu khách quốc tế. Hiện nay, các đường bay quốc tế mới tập trung đến Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Cục Hàng không Việt Nam cũng đã nhận được rất nhiều đề nghị mở lại đường bay từ các nước châu Âu, Nga đến các tỉnh, TP khu vực miền Trung.
Mở lại hàng không và du lịch quốc tế càng sớm càng tốt
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, Tổng cục Du lịch và các địa phương đã hết sức khẩn trương, có trách nhiệm trong triển khai hiệu quả các giải pháp phục hồi du lịch nội địa và quốc tế trong bối cảnh mới với tiêu chí “thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19.
Năm 2021, ngành Du lịch đón 40 triệu lượt khách nội địa, 3.800 khách du lịch quốc tế. Chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế được triển khai từ tháng 11-2021 đến nay đã đón được gần 9.000 khách. Chỉ riêng trong dịp Tết Nguyên đán 2022, ngành Du lịch phục vụ khoảng 6,1 triệu lượt khách nội địa.
Đối với thị trường quốc tế, Tổng cục Du lịch sẽ sớm công bố các nội dung, quy định đón khách du lịch quốc tế; phương án mở cửa trở lại hoạt động du lịch và hướng dẫn chi tiết để các địa phương, DN chủ động tổ chức thực hiện. Đối với thị trường nội địa, Các địa phương công bố mở cửa lại hoạt động du lịch, đón và phục vụ khách du lịch theo từng cấp độ dịch tại địa bàn gắn với các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh tương ứng.
Theo TS Lương Hoài Nam, chuyên gia hàng không, chúng ta cố gắng mở lại hàng không và du lịch quốc tế càng sớm càng tốt, càng rộng các tốt, điều kiện mở càng thoáng càng tốt. Trước đây, cứ 2 tuần Việt Nam thu được 1 tỷ USD doanh thu từ khách du lịch quốc tế, trong khi 2 năm vừa qua hoạt động này bị đình trệ. TS Lương Hoài Nam đề xuất, một trong những điều kiện để phát triển du lịch quốc tế là phục hồi chính sách miễn thị thực cho một số nước như đã thực hiện trước khi có dịch Covid-19.
Dưới góc độ hãng hàng không, ông Nguyễn Ngọc Trọng, Phó Tổng GĐ Bamboo Airways chia sẻ, trong quá trình 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Bamboo Airways bị ảnh hưởng nhưng "trong nguy có cơ", chúng tôi có điều kiện củng cố hệ thống, nguồn lực tiếp viên, kỹ thuật, phi công để sẵn sàng khi có lệnh mở cửa của Chính phủ. Đến nay có thể nói là thành công, khi Chính phủ vừa cho phép mở thị trường quốc tế, Bamboo Airways tự tin mở thêm hàng loạt đường bay thẳng đến thị trường Châu Âu, Đông Bắc Á, Úc…
Thông qua buổi toạ đàm, đa phần các chuyên gia, đaị biểu tham dự đều bày tỏ sự lạc quan vào việc khôi phục thị trường hàng không. Các đại biểu cũng đã tập trung phân tích kỹ lưỡng về những vấn đề, kiến nghị, giải pháp thực tế để kích thích hơn nữa đà hồi phục của hoạt động bay thường lệ quốc tế, đồng thời đảm bảo các quy định, điều kiện về an toàn phòng chống dịch.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại