Trẻ em cũng mắc bệnh "xã hội"!
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Khi trẻ em nhiễm bệnh người lớn
Nhiều người cho rằng những căn bệnh lây truyền qua đường tình dục chỉ gặp ở người lớn nhưng thực tế, trẻ em cũng có thể mắc do chính sự chủ quan của người lớn trong việc chăm sóc. Đại diện khoa Sản, Trung tâm Y tế Thái Hà (Hà Nội), cho biết mới đây, một cháu bé 8 tháng tuổi đã được mẹ đưa tới để điều trị nhiễm nấm âm đạo. Trước đó, cháu bé bị nấm đã điều trị lành nhưng chỉ ít ngày sau đó, bộ phận sinh dục ngoài và bẹn nổi mẩn đỏ, có ít bợn trắng gây ngứa ngáy, khó chịu.
Sau khi khám cho cháu bé, các BS phát hiện nhiễm nấm và rất có thể tác nhân gây nấm là do cháu mút tay rồi gãi vào vùng kín khiến bệnh lây lan. Trước đó, Trung tâm này cũng từng điều trị cho một bé trai 3 tuổi mắc bệnh giang mai. Theo "lời khai" của người mẹ cho biết trước đó cháu bé hoàn toàn bình thường. Sau đó, người bố tiết lộ là ông bị bệnh giang mai sau một lần quan hệ ngoài vợ chồng và khi về nhà có ôm ấp, chăm sóc con. Tuy nhiên, bản thân ông bố cũng không hiểu tại sao lại có thể lây bệnh cho con...
Tương tự những trường hợp trên, tại BV Da liễu Trung ương cũng từng tiếp nhận một bé trai chưa đầy 2 tuổi (sống ở Hà Nội) mắc bệnh sùi mào gà. Theo BS Nguyễn Duy Hưng, người trực tiếp điều trị, bé được gia đình đưa đến khám với những vết sần sùi như mụn ở đầu dương vật, nằm trong bao quy đầu và đang có dấu hiệu lan rộng ra vùng xung quanh. Tình trạng bệnh được các BS kết luận không phải là nhẹ. Kết quả khám khiến không chỉ người nhà mà cả các BS chuyên môn cũng bất ngờ vì không rõ nguồn lây cho cháu bé từ đâu. "Việc điều trị cho cháu bé cũng không đơn giản, bởi ngoài thời gian điều trị kéo dài thì thuốc để chữa bệnh cũng là loại đặc trị phải đặt mua ở nước ngoài"- BS Duy Hưng nói.
Trẻ em cũng rất dễ mắc bệnh “xã hội”. Ảnh: TL
Lý giải cơ chế gây bệnh
Đại diện BV Da liễu Hà Nội cho biết: Sùi mào gà là chứng bệnh rất hiếm gặp ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 10 tuổi. Bệnh do một loại virus HPV gây ra, thường lây truyền qua đường tình dục nên gặp nhiều ở độ tuổi trưởng thành hoặc nếu có thì là những trẻ em từng bị xâm hại tình dục. Giả thiết nữa, bệnh nhi có thể bị lây từ mẹ trong lúc sinh, hay gặp ở niêm mạc ngoài cơ quan sinh dục như mắt, mũi, miệng.
Các BS tại BV Da liễu chia sẻ thêm: Trẻ em mắc bệnh sùi mào gà, nguyên nhân có thể do vô tình tiếp xúc với virus gây bệnh mà không biết. Sùi mào gà là bệnh lây truyền chủ yếu qua đường tình dục, qua chỗ xây xát niêm mạc. Tuy nhiên, nó cũng có thể lây do tiếp xúc trực tiếp với virus gây bệnh. Nếu trẻ tiếp xúc với người trong gia đình, người giúp việc... có bệnh thì cũng có thể bị lây. Đại diện Trung tâm Y tế Thái Hà cũng khuyên các bậc phụ huynh đừng quá ngạc nhiên khi phát hiện con em mình mắc những bệnh của người lớn.
Với bệnh sùi mào gà, mọi người vẫn nghĩ chỉ có thể lây qua đường tình dục và thường gặp ở những người trưởng thành có quan hệ tình dục bừa bãi. Thực tế, bệnh này cũng lây qua tiếp xúc trực tiếp. "Ngay cả bệnh giang mai cũng không chỉ lây qua đường tình dục mà còn có thể lây qua đường máu. Qua các tiếp xúc, khi cơ thể của đứa trẻ có vết xước thì càng tạo cơ hội cho mầm bệnh xâm nhập", vị đại diện khoa Sản, Trung tâm Y tế Thái Hà giải thích.
Giới chuyên môn cho rằng phần lớn trẻ mắc bệnh "người lớn" là do người lớn vệ sinh cho trẻ chưa đúng cách, không vệ sinh thường xuyên vùng kín cho bé, đóng bỉm quá lâu… nên đã làm lây nhiễm bệnh cho trẻ. Theo GS Đỗ Trọng Hiếu, thông thường, virus lây truyền qua đường tình dục có thể tồn tại vài giờ sau khi tay, chân tiếp xúc với bộ phận sinh dục, quần áo vừa thay. Nếu vừa chạm vào nơi bị nhiễm bệnh, không rửa tay tiệt trùng mà lại chăm sóc, tắm rửa cho trẻ, đụng chạm các bộ phận sinh dục của trẻ thì rất có khả năng truyền mầm bệnh sang.
Việc điều trị các bệnh "người lớn" ở trẻ nhỏ cũng rất phức tạp bởi theo GS Đỗ Trọng Hiếu, chẳng hạn việc điều trị bệnh sùi mào gà cho trẻ em dưới 10 tuổi cũng phải bôi, phải uống thuốc như người lớn trong khi không có thuốc dành riêng cho trẻ em. Hiện số trẻ em bị mắc bệnh sùi mào gà không nhiều nên giới chuyên môn cũng chưa rõ các tác dụng phụ khi điều trị bằng thuốc của người lớn. Do vậy, nếu điều trị không khéo, có thể để lại sẹo ở dương vật khiến việc trưởng thành của dương vật gặp khó khăn, ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ sau này.
Đồng quan điểm trên BS Hoàng Văn Hướng (BV Da liễu Trung ương) cho biết thêm: Bệnh nhi bị mắc bệnh này, quá trình điều trị rất khó khăn. Loại thuốc đặc trị cho cháu cũng rất đắt tiền và phải đặt mua từ nước ngoài. Sau hơn 6 tháng điều trị, bệnh của cháu bé mới được chữa khỏi. BS. Hướng chia sẻ: Virus HPV có thể gây bệnh u nhú trên da và niêm mạc trên cơ thể người như ở niêm mạc miệng, da mặt, gan bàn tay... nhưng hay gặp nhất là ở da, niêm mạc bộ phận sinh dục nam và nữ. Vì vậy, chỉ một trong hai sơ ý tiếp xúc qua tay, chân với người bị bệnh thì cũng sẽ bị lây nhiễm. Ngoài ra, BS. Hướng còn khuyến cáo: "Những trường hợp đang mang thai nên kiểm tra thường xuyên hơn và tư vấn thêm các bác sỹ chuyên khoa sản.
Phụ nữ trong giai đoạn mang thai khi mắc bệnh sùi mào gà cần tích cực điều trị trước khi sinh, vì bệnh này không chỉ dễ lây truyền từ mẹ sang con mà còn có thể đe dọa đến tính mạng của thai phụ (tổn thương âm đạo, nguy cơ ung thư cổ tử cung, chảy máu khó cầm, phải mổ lấy thai...). Virus này có thể từ đường sinh dục của mẹ xâm nhập vào đường hô hấp của trẻ sơ sinh, gây tử vong".
Vu Quy
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại