Du lịch
Trang phục Mông Cổ ở Sa Pa ảnh hưởng đến văn hóa truyền thống Việt Nam
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Vài năm gần đây, khu du lịch Cát Cát, Sa Pa tràn ngập hình ảnh các bạn trẻ thi nhau diện trang phục Mông Cổ, Tây Tạng cùng một số trang phục dân tộc nước ngoài khác. Nhiều người chạnh lòng khi trang phục truyền thống Việt Nam "lép vế" trong các bức ảnh lưu niệm của khách du lịch.
|
Trào lưu diện trang phục Mông Cổ, Tây Tạng và các dân tộc nước ngoài khác đang ngày càng phổ biến tại Sa Pa, đặc biệt là trong giới trẻ trong vài năm gần đây. Du lịch Sa Pa đang ngày càng phát triển, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Việc các trang phục Mông Cổ ở Sa Pa xuất hiện ngày càng nhiều tạo ra hình ảnh không tốt cho du lịch tại đây và hình ảnh Việt Nam với bạn bè Quốc tế. |
|
Những cửa hàng cho thuê trang phục nước ngoài mọc lên ngày càng nhiều. Nguyên con đường nối đến Khu du lịch Cát Cát, thị xã Sa Pa đã có gần 20 cửa hàng cho thuê trang phục. |
|
Theo tìm hiểu của PV, mức giá cho thuê dao động của một bộ trang phục Mông Cổ, Tây Tạng hay, Miêu, Thái Lan... dao động từ 150.000 đồng đến 400.000 đồng/bộ, tùy theo nhu cầu của du khách. |
|
Hiện nay, trên mạng xã hội đã có rất nhiều ý kiến tranh luận về hiện tượng sử dụng trang phục Mông Cổ, Tây Tạng hay Thái Lan... tại Sa Pa. Hơn nữa, khi những hình ảnh check-in ngập tràn mạng xã hội với những trang phục như vậy, nhiều người bày tỏ sự quan ngại khi trang phục nước ngoài có thể ảnh hưởng đến văn hóa truyền thống Việt Nam nếu không được quản lý chặt chẽ. |
|
Khảo sát một vài cửa hàng cho thuê quần áo, nhiều chủ hàng cho biết, việc nhập các mẫu trang phục Mông Cổ, Tây Tạng hay các dân tộc nước ngoài khác chủ yếu để phục vụ du khách nước ngoài đến từ các nước trên. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ Việt Nam nhận thấy các trang phục này khá lạ mắt và có vẻ đẹp nên cũng thuê để chụp hình. |
|
Trước đó, trả lời báo chí, Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) cho rằng việc ăn mặc, chụp ảnh theo trào lưu là điều hết sức bình thường với thanh niên. Tuy nhiên, xét theo khía cạnh giáo dục, mặc quần áo không chỉ để đẹp mà còn thể hiện tầm văn hóa của từng cá thể. Cách ăn mặc nói lên bạn là ai, trí tuệ của bạn ở đâu, tâm hồn dân tộc của bạn ở đâu. Thực tế, đất nước ta ở đâu cũng đẹp, trang phục dân tộc ở miền nào cũng đẹp. Việt Nam có nhiều giá trị văn hóa đẹp đẽ cần được gìn giữ và trân trọng. |
|
Nhiều bạn trẻ cho biết, những bộ trang phục Mông Cổ vốn được thể hiện nhiều trên phim ảnh và qua các bộ tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung nên thành quen thuộc với những bộ đồ đầy phóng khoáng, mạnh mẽ của con người thảo nguyên. Nhiều người cũng muốn thử một lần mặc lên mình trang phục đó. Trong khi đó, những trang phục truyền thống của Việt Nam lại có phần lép vế hơn. |
|
Các trang phục với chi tiết hoa văn, lối trang trí, kết tóc đặc trưng của các dân tộc nước ngoài, không tìm thấy ở bất kì dân tộc truyền thống nào tại Việt Nam. |
|
Hình ảnh những trang phục Mông Cổ cùng các dân tộc nước ngoài khác xuất hiện tràn ngập ở Sa Pa dần trở thành quen thuộc khiến không ít người cảm thấy chạnh lòng khi trang phục dân tộc lại xuất hiện khiêm tốn hơn. |
|
Một bạn trẻ cho biết mình thuê trang phục dân tộc Miêu. Đây là một tộc người có quan hệ gần nhất với người H'Mong Việt Nam. Nhiều ghi chép lịch sử cho rằng, dòng di cư của người Miêu sang Việt Nam đã tách ra và trở thành dân tộc H'Mong hiện tại. Dễ nhìn thấy, vòng trùm đầu của người Miêu cũng có ở người H'Mong. Tuy nhiên điểm khác biệt lớn ở 2 vật dụng này đó là vòng trùm của người Miêu sử dụng rất nhiều chi tiết kim loại, khác với người H'Mong sử dụng chi tiết từ vải thổ cẩm. |
|
Khó có thể xác định đây là trang phục của dân tộc nào nhưng tuyệt nhiên cách trang điểm, làm tóc, chi tiết trên trang phục không thuộc về dân tộc nào tại Việt Nam. |
|
Nhiều người cho rằng, việc trang phục Mông Cổ tràn ngập tại Sa Pa có thể khiến du khách quốc tế hiểu sai về văn hóa Việt Nam. Việc du khách quốc tế nhìn thấy nhiều người Việt Nam mặc trang phục này có thể khiến họ nghĩ rằng đây là trang phục truyền thống của Việt Nam. Điều này có thể gây hiểu lầm và làm ảnh hưởng đến hình ảnh của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. |
|
Bên cạnh sự lấn át của trang phục Mông Cổ, trang phục dân tộc nước ngoài... vẫn còn đó là những bóng dáng của những bộ trang phục dân tộc vùng cao truyền thống của Việt Nam. |
|
Những bộ trang phục truyền thống của người H’Mong được nhiều du khách lựa chọn do có màu sắc đẹp, sặc sỡ và vì sự tự hào dân tộc. |
|
Trang phục người Dao ở Lào Cai sặc sỡ được lựa chọn thuê chụp hình tại khu du lịch Cát Cát, Sa Pa. |
|
Để bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống trong trang phục dân tộc Mông, một dân tộc chiếm trên 50% dân số của Sa Pa, UBND thị xã Sa Pa đã lập hồ sơ đề nghị công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia đối với nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông đen, Sa Pa. |
|
Chị Nguyễn Thị Quỳnh Nga (Hà Nội) chia sẻ: "Tôi và các cháu nhà tới Sa Pa chơi và có thuê trang phục chụp hình lưu niệm. Các cháu cũng không thích những trang phục dân tộc nước ngoài mà yêu trang phục dân tộc truyền thống của Việt Nam hơn bởi màu sắc sặc sỡ, đẹp và quan trọng hơn đây là hình ảnh của nước Việt Nam. Giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam cần được gìn giữ và phát huy. Trong đó, đặc biệt rất cần sự ủng hộ của giới trẻ với trang phục truyền thống Việt Nam". |
|
Nhiều người tỏ ý rằng, việc diện trang phục dân tộc nước ngoài trên chính mảnh đất Việt Nam là một việc làm quay lưng lại với văn hoá dân tộc. Các cơ quan quản lý phải khẩn trương làm việc với các cơ sở cho thuê, bán trang phục dân tộc nước ngoài, bởi điều này liên quan đến thuần phong mỹ tục, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Bảo tồn văn hóa truyền thống là trách nhiệm của cả cộng đồng. |
Khánh Huy