Trân quý "người đồng hành" cùng phóng viên trong đại dịch
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNhờ sự kết nối của một nữ "PV" ở Bộ Y tế, tác giả đã được biết đến câu chuyện của nữ điều dưỡng trong bức ảnh với lời hứa "Hết dịch mẹ sẽ về" |
Sự kết nối kịp thời
Mới chỉ một năm về trước, cũng quãng thời gian này tình hình dịch Covid-19 phức tạp bùng phát tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Nam, đã có hàng vạn BS, điều dưỡng tình nguyện lên đường "Nam tiến" để hỗ trợ miền Nam chống dịch. Trong đoàn quân áo trắng ấy, tôi đã tình cờ được tiếp cận thông tin về nữ điều dưỡng Hoàng Thị Diễm, khoa Tai-Mũi-Họng, BV Trung ương Thái Nguyên tình nguyện lên đường chi viện cho TP HCM chống dịch Covid-19.
Ở thời điểm ấy, số bệnh nhân nặng, ca tử vong do Covid-19 tại TP HCM đã bắt đầu nhiều lên. Người tình nguyện đi vào tâm dịch xác định là đi vào cuộc chiến mà chưa biết thời điểm kết thúc. Nhìn những bức ảnh, clip ghi lại cuộc chia tay của nữ điều dưỡng này với chồng và 2 con nhỏ thì lòng trắc ẩn của một người mẹ đã khiến tôi không cầm được nước mắt.
Với sự kết nối của một nữ "PV" làm việc ở Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, tôi đã có đầy đủ thông tin về nữ điều dưỡng cũng như cập nhật được tình hình của chị lúc đó. Xúc động trước lời dặn dò các con "hết dịch mẹ sẽ về", tôi cũng vô cùng ngưỡng mộ ý chí, tinh thần không ngại khó khăn, nguy hiểm của người phụ nữ này. Và cứ thế, tôi ngồi viết lại câu chuyện của chị mà nước mắt cứ trào ra...
Câu chuyện của chị Diễm chỉ là một mảnh ghép trong cả bức tranh về sự cống hiến, hi sinh thầm lặng của những nhân viên y tế trong tâm dịch mà tôi đã được tiếp cận thông tin. Đã có rất, rất nhiều lời tâm sự, chia sẻ của các tình nguyện viên là sinh viên trường Y, là cán bộ, nhân viên y tế được chúng tôi phản ánh trên báo qua những bài viết, hình ảnh sống động ngay trong tâm dịch nhờ sự hợp tác, hỗ trợ kịp thời, đầy đủ của những "PV" làm tại Vụ Truyền thông-Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế.
Đã có nhiều hình ảnh, câu chuyện cảm động tại khu cấp cứu bệnh nhân Covid-19 nặng được ghi lại bởi nhóm truyền thông y tế tại TP Hồ Chí Minh (ảnh BYT). |
Tư liệu sống động gửi về tâm dịch
Chính trong thời điểm dịch Covid-19 khốc liệt ấy, những nam/nữ "nhà báo" của Vụ đã trực tiếp đi vào tâm dịch để sống cùng guồng làm việc ca kíp của các nhân viên y tế tại các BV dã chiến để cung cấp sản phẩm truyền thông cho đội ngũ báo chí thông qua các nhóm Facebook dành cho PV y tế. Những thông tin nóng hổi được chuyển về liên tục qua các bài viết, video, phóng sự... đã khiến cho chúng tôi cảm nhận được những áp lực, nỗi vất vả mà nhân viên y tế đang phải đương đầu. Vì thế, dù không có mặt trực tiếp chúng tôi đã cảm nhận được đầy đủ tinh thần làm việc cũng như những điều mà các "chiến sỹ áo trắng" cũng như người bệnh đang phải trải qua.
Từ những câu chuyện, hình ảnh đó, chúng tôi đã khắc hoạ và nhân lên những vất vả, hi sinh của ngành y tế. Khi tiếp nhận thông tin chúng tôi cũng rưng rưng nước mắt và cảm thấy thắt lòng: những BS, điều dưỡng xung phong vào tâm dịch để chữa bệnh cứu người nhưng khi người thân trong gia đình qua đời lại không thể về chịu tang mà chỉ có thể bái vọng từ xa; đó là những điều dưỡng, BS gạt đi hạnh phúc riêng tư để cùng chung tay cho cuộc chiến của dân tộc. Thậm chí, có cả những "chiến sỹ áo trắng" đã nhiễm Covid-19 và thiệt mạng, để lại sau lưng gia đình đang ngóng chờ...
Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ khi dịch Covid-19 xảy ra, thông tin về tình hình dịch luôn được cập nhật, cung cấp trong Bản tin tình hình phòng chống dịch bệnh trên trang thông tin của Bộ Y tế cũng như trên các nền tảng truyền thông như Facebook, Zalo, Viber... Trên cơ sở đó các cơ quan báo chí truyền thông đã thông tin rộng rãi đến công chúng. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã xây dựng Kho dữ liệu điện tử tài liệu truyền thông phòng, chống dịch Covid-19 với gần 1.800 sản phẩm truyền thông, bao gồm Infographics, chóng, chính xác đến tất cả 63 tỉnh, TP, các đơn vị, các cơ quan báo chí và người dân để thực hiện truyền thông rộng rãi các thông điệp, khuyến cáo phòng, chống dịch Covid-19 và tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 an toàn.
Đến thời điểm này, Việt Nam đã mở cửa, mọi hoạt động trở lại bình thường. Những ký ức đau buồn cũng dần vơi đi, nhịp sống dần trở lại với những sự kiện mới nối tiếp nhau. Có thể, mọi người cũng dần lãng quên những vất vả, hi sinh của những cán bộ, nhân viên y tế trong công cuộc chống dịch. Nhưng với người làm báo trong lĩnh vực y tế như tôi, những ký ức ấy thực sự khó phai. Trải qua cơn đại dịch chúng tôi thêm trân trọng, biết ơn và cảm phục những thầy thuốc luôn đặt lợi ích, sức khỏe của người dân lên hàng đầu. Những ký ức thiêng liêng mà tôi có được cũng nhờ những thước phim, những tư liệu sống động, sự kết nối kịp thời mà đội ngũ truyền thông của Bộ Y tế đã không quản ngại vất vả, khó khăn để lăn xả, xông xáo vào tuyến đầu và cập nhật ngày, đêm cho nhóm PV y tế.
Đối với người làm báo, mỗi khi kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam hàng năm là dịp để chúng tôi chiêm nghiệm, nhìn lại chặng đường làm nghề mình đã đi qua. Với tôi và những đồng nghiệp theo dõi lĩnh vực y tế-sức khỏe nói riêng cũng như các PV nói chung thì có lẽ tác nghiệp về dịch Covid-19 là một trải nghiệm khó quên trong đời. Những kỷ niệm buồn, vui vẫn sẽ song hành nhưng điều mới mẻ là trong đại dịch đã mở ra cho người làm báo cơ hội tiếp cận phương thức tiếp cận thông tin, truyền thông mới mẻ, tận dụng được các nền tảng công nghệ số để cập nhật tới độc giả một cách nhanh nhạy, kịp thời và đầy hấp dẫn.
"Trong các đợt dịch bùng phát mạnh mẽ, xuất phát từ thực tế các PV báo chí rất khó tiếp cận các địa bàn tâm dịch, các khu điều trị tích cực, Bộ Y tế đã cứ nhóm truyền thông trong bộ phận thường trực đặc biệt hoặc tổ công tác của Bộ Y tế để kịp thời ghi lại các tư liệu quý giá về công tác phòng chống dịch, các nỗ lực của ngành y tế và các lực lượng chống dịch, sự phối hợp của địa phương, sự chủ động ủng hộ tham gia của Nhân dân, kịp thời cung cấp cho các cơ quan báo chí thực hiện truyền thông" - Bộ Y tế thông tin. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại