Trách nhiệm hình sự trong vụ bé trai hơn 2 tuổi bị bạo hành
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênDãy nhà trọ nơi bé trai sinh sống cùng cha mẹ ruột |
Người mẹ thừa nhận đánh con
CA huyện Hóc Môn, TP HCM cho biết, đơn vị này đang phối hợp với các đơn vị chức năng lấy lời khai và lập hồ sơ điều tra vụ bé trai nghi vấn bị bạo hành tại xã Thới Tam Thôn.
Bước đầu, lực lượng chức năng xác định bé H.K., hơn 2 tuổi ngụ cùng cha mẹ ruột tại khu nhà trọ trên đường Thới Tam Thôn 16, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn.
Bé trai đã được lực lượng chức năng đưa vào BV Đa khoa Khu vực Hóc Môn để cấp cứu. Bác sĩ chuẩn đoán bé bị bỏng rộp độ 1-2 diện tích 6% ở các vùng bụng, ngực, bẹn và mông, gãy biến dạng cánh tay phải. Ngoài ra, trên người bé trai có nhiều vết thương cũ ở vùng đầu, trán, môi, mũi. Ngay sau đó, bé đã được sơ cứu và chuyển lên bệnh viện tuyến trên để tiếp tục theo dõi, điều trị.
CA xã Thới Tam Thôn phối hợp với CA huyện Hóc Môn đến nơi ở của bé trai để mời cha mẹ của bé làm việc cũng như lấy lời khai. Bước đầu qua kiểm tra, cha mẹ ruột của bé trai đều có kết quả âm tính với ma tuý. Ngoài ra, làm việc với lực lượng chức năng, mẹ ruột của bé trai thừa nhận có đánh con.
Trước đó, vào sáng 12/4, một số người dân sinh sống gần dãy trọ trên đường Thới Tam phát hiện bé trai hơn 2 tuổi trong tình trạng cơ thể bị lột da do bỏng đang nằm trong phòng trọ.
Khi một số người tìm hỏi mẹ của bé trai thì được cho biết bé bị bỏng nước sôi đang chờ ba của bé chạy về đưa vào bệnh viện. Sau đó, người nhà tiếp tục ẵm bé sang nhà người cô của bé ở gần đó nhờ trông giúp.
Tuy nhiên, thời điểm này người dân phát hiện bé trai không chỉ bị bỏng mà trên người còn có chi chít nhiều vết thương khác. Thậm chí, bé trai này còn đang bị gãy cánh tay phải. Nhiều người nghi bé bị bạo hành nên đã trình báo lực lượng chức năng địa phương.
Vụ việc đang được lực lượng chức năng điều tra làm rõ.
Hành vi nghiêm trọng, nguy hiểm cho xã hội
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, mọi hành vi đánh đập, hành hạ, xúc phạm trẻ em vì bất kỳ lý do gì đều là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền trẻ em và người thực hiện hành vi sẽ phải chịu những chế tài nghiêm khắc của pháp luật trong đó có chế tài hình sự.
Trong vụ việc này, cơ quan chức năng sẽ xác minh làm rõ việc bạo hành cháu bé diễn ra thời điểm nào, có những ai biết và có phải chính cha mẹ cháu bé là người thực hiện hành vi hay không. Đồng thời, giám định thương tích cơ thể và mức độ tổn thương tâm lý của cháu bé để làm căn cứ xử lý vụ việc theo quy định pháp luật.
Theo luật sư Thái, trường hợp việc bạo hành cháu bé dẫn tới thương tích nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, người thực hiện hành vi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a, khoản 5, Điều 7, Nghị định 144/NĐ-CP. Mức phạt tiền từ 5 đến 8 triệu đồng.
Còn nếu hành vi đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, người gây thương tích cho cháu bé có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Cố ý gây thương tích" theo quy định tại Điều 134, BLHS năm 2015. Mức độ thương tích của cháu bé càng cao thì mức phạt càng nặng.
Còn một trường hợp nữa là nếu hành vi hành hạ cháu bé diễn ra trong một thời gian dài và chính cha mẹ là thực hiện hành vi thì đã có dấu hiệu của tội "Hành hạ con" quy định tại Điều 185, BLHS năm 2015. Nếu bị chứng minh là có tội, người gây thương tích cho cháu bé có thể phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 2 đến 5 năm theo quy định tại khoản 2 Điều 185, BLHS.
Ngoài ra, theo quy định của pháp luật, người dưới 16 tuổi là trẻ em, là đối tượng được bảo vệ chăm sóc và giáo dục đặc biệt theo quy định của hiến pháp, luật trẻ em và các văn bản pháp luật có liên quan.
Chuyên gia luật nhấn mạnh, pháp luật nghiêm cấm việc sử dụng bạo lực để giáo dục trẻ em, dù bất kể người đó là ai. Trẻ em là đủ tuổi chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần, chưa có nhận thức đầy đủ về cuộc sống nên dễ mắc sai lầm. "Việc giáo dục trẻ em đòi hỏi phải có sự kiên nhẫn và bao dung. Vì vậy, dù bất kỳ lý do gì, hành vi đánh đập trẻ em cũng là hành vi vi phạm pháp luật", luật sư Thái phân tích.
Để giảm thiểu những vụ việc bạo hành trẻ em do chính cha mẹ, người thân của trẻ em gây ra, luật sư Thái nhận định, cần phải thực hiện đồng bộ rất nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp về hoàn thiện chính sách pháp luật đối với công tác bảo vệ trẻ em, đặc biệt là chú trọng đến các cơ chế để đảm bảo quyền trẻ em không chỉ được ghi nhận trong các văn bản quy phạm pháp luật mà còn phải được đảm bảo để thực hiện trong thực tế…
Liên quan đến vụ việc, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM đề nghị CA huyện Hóc Môn và các đơn vị liên quan tiếp tục quan tâm chỉ đạo, sớm làm rõ việc có hay không hành vi bạo hành, ngược đãi trẻ em, đồng thời có các biện pháp can thiệp và trợ giúp cháu K. một cách kịp thời trong thời gian sớm nhất.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại