Trả lại vẻ đẹp của con đường gốm sứ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênMặc dù đã nhiều lần duy tu, sửa chữa nhưng chỉ được một thời gian ngắn con đường gốm sứ lại xuống cấp. |
Xuống cấp…
Với chiều dài gần 4km và diện tích khoảng 7.000m2 chạy dọc theo các quận lớn của Hà Nội, có thể nói con đường gốm sứ là kết tinh tinh hoa, văn hóa của hàng trăm nghệ nhân, sinh viên mỹ thuật cũng như những thợ thủ công từ các làng nghề trứ danh. Điều này đã giúp công trình trở thành một điểm đến ấn tượng và thu hút đối với bạn bè quốc tế.
Tuy nhiên, sau gần 13 năm, biểu tượng gắn bó với người dân thủ đô Hà Nội đã và đang dần bị phá hủy bởi thời gian, những viên gạch gốm bắt đầu xuất hiện tình trạng bong tróc và để lộ những mảng tường gạch đá xấu xí.
Bên cạnh đó, tình trạng nhiều người dân thiếu ý thức, vứt rác, thậm chí phóng uế bừa bãi ở khu vực con đường gốm sứ từ lâu đã là một vấn đề nhức nhối chưa được giải quyết một cách triệt để. Không chỉ vậy, được biết, khi mùa đông đến, một số người dân đã đốt lửa sát tường làm cho tình trạng các viên gạch rơi, nứt trở nên nghiêm trọng hơn. Điều này không những gây ô nhiễm môi trường mà còn làm mất đi mỹ quan của Thủ đô Hà Nội.
Bà Nguyễn Thị Dần (ở Phúc Xá, Ba Đình) cho biết: “Tôi đi bộ tập thể dục dọc con đường này từ khi 60 tuổi. Suốt 13 năm, chưa năm nào tôi thấy con đường này không nhếch nhác, không bong tróc, xuống cấp. Nhiều đoạn, mùi hôi xuyên qua cả lớp khẩu trang. Thỉnh thoảng, thấy khách du lịch dừng lại chụp ảnh, tôi cũng xấu hổ”.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh - Chủ tịch UBND phường Chương Dương cho biết: “Hằng năm, con đường vẫn được các cơ quan quản lý bảo trì đều đặn nhưng còn sự nhếch nhác do ý thức của người dân thì rất khó khắc phục. UBND phường cũng thường xuyên tuyên truyền qua các cuộc họp, qua nhóm thông tin chung hoặc treo biển cấm, băng rôn nhưng chỉ giảm được phần nào”.
Kiến trúc sư Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư TP Hà Nội) cũng nhận định: “Được vài năm đã bong tróc là do chất lượng kém, xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về nghệ thuật ngoài trời, phong cách, vật liệu và phương pháp thi công”.
Đã và vẫn đang có những ý kiến trái chiều về giá trị của con đường gốm sứ. Song, vấn đề hiện tại của con đường là làm sao khắc phục được triệt để chứ không thể thường xuyên sửa chữa, vá víu, trùng tu như thời gian qua. Kiến trúc sư Trần Huy Ánh nhận định, Ccon đường gốm sứ có nguy cơ trở thành rác, rất khó thu dọn.
Đồng quan điểm, TS. KTS Ngô Doãn Đức - nguyên Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam khẳng định vai trò của con đường gốm sứ ven sông Hồng đối với văn hóa Hà Nội. Sự hiện diện của công trình cho thấy mặt tích cực của không gian đô thị. Công trình nghệ thuật gốm sứ đã góp phần làm cho tuyến đê Sông Hồng xóa bỏ được nhiều hệ lụy trước đó.
Theo ông Đỗ Hồng Điệp, Phó trưởng Ban Quản lý Di tích - danh thắng Hà Nội: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuống cấp công trình như kỹ thuật, thời tiết, ảnh hưởng của lưu lượng phương tiện tham gia giao thông. Cụ thể, các bức tranh gốm được gắn trên 2 bức tường ghép vào nhau, phía dưới là tường bằng bê tông chắn đê trước đó, ở trên là bức tường bằng gạch xây bổ sung trong quá trình ghép tranh. Giữa hai bức tường chỉ gắn kết bằng mạch vữa không có trụ, cột, vì thế việc xảy ra rạn nứt là tất yếu...”.
Ông Đỗ Hồng Điệp cho rằng, sự khắc nghiệt thời tiết cũng tác động một phần không nhỏ đến chất lượng công trình. “Con đường gốm sứ” được xây dựng bên cạnh đường giao thông, có lưu lượng xe qua lại rất đông, gây nên sự rung lắc lớn, khiến nhiều đoạn bị bong tróc, xuống cấp rất nhanh. Đặc biệt là vấn đề ý thức của người dân trong việc ứng xử với các công trình văn hóa chưa cao, rất thiếu văn minh, cụ thể ở đây là “Con đường gốm sứ” ven sông Hồng.
Nói về công trình nghệ thuật này, TS. KTS Ngô Doãn Đức cho biết, sự xuống cấp của con đường gốm sứ bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Ông Đức cho rằng, chúng ta nên làm tốt về nội dung đồng thời duy trì bức tranh này sao cho tốt nhất. Bởi nó đã hiện diện, được ghi nhận cũng như ca ngợi. Muốn giữ gìn và phát huy giá trị của con đường gốm sứ thì Hà Nội phải thể hiện sự quyết tâm.
Cần sớm được tu sửa
Trước thực trạng tuyến đường Gốm sứ ven sông Hồng bị xuống cấp nghiêm trọng, mất vệ sinh môi trường đang được dư luận quan tâm, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã yêu cầu các UBND các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Tây Hồ tăng cường công tác quản lý bảo vệ, chỉ đạo UBND các phường liên quan duy trì kiểm tra, tuyên truyền và thực hiện tốt Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng; tổ chức giữ gìn vệ sinh, thu gom rác thải và xử lý nghiêm tình trạng thiếu ý thức của không ít người dân (nếu phát hiện).
Nhà văn, nhà Hà Nội học Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng, con đường gốm sứ ven sông Hồng là một dự án mang tính biểu trưng cho Hà Nội. Trên đường gốm sứ đã tái hiện nhiều hình ảnh Hà Nội xưa và nay. Ngoài những hình ảnh tượng trưng còn có những chi tiết lịch sử được tái hiện. Đây là một công trình hết sức có ý nghĩa. Ngày nay, chúng ta có rất ít công trình văn hóa mang tính nghệ thuật thì con đường gốm sứ ra đời đã trở thành một phần nghệ thuật ngày hôm nay của TP này.
Trên thực tế, số đông người dân định cư dọc theo con đường gốm sứ đều bày tỏ mong muốn các cơ quan có thẩm quyền có những biện pháp hỗ trợ kịp thời, mạnh mẽ và hiệu quả hơn để đốc thúc người dân cùng chung tay cải tạo và bảo vệ con đường gốm sứ trở lại với vẻ đẹp ban đầu. Là một người dân định cư, sinh sống và kinh doanh gần con đường gốm sứ, chị Nguyễn Thu Phương (quận Ba Đình) khẳng định mình chỉ mong nhà nước sớm có phương án tu sửa con đường gốm sứ và có những biện pháp kêu gọi hay xử phạt những người vi phạm, cố tình làm hư hại con đường để người dân sống gần khu vực này được sống trong môi trường sạch đẹp và an toàn hơn…
Con đường gốm sứ ven sông Hồng xuất phát từ ý tưởng của họa sĩ, nhà báo Nguyễn Thu Thủy là một công trình nghệ thuật trong chương trình chào đón đại lễ 1000 năm Thăng Long của nhân dân thủ đô Hà Nội. Công trình này đã nhận được giải thưởng "Bùi Xuân Phái" vì tình yêu Hà Nội" năm 2008 và từng được Tổ chức Guinness công nhận là bức tranh gốm dài nhất thế giới |
Khám phá con đường hoa hồng đẹp như cổ tích tại lễ hội hoa Mê Linh | |
Sẽ trả lại nguyên vẹn con đường gốm sứ sau khi hoàn thành dự án mở rộng đường | |
Không đổi tên “Con đường gốm sứ ven sông Hồng” |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại