Thứ sáu 20/09/2024 22:54

Tổng Bí thư gặp mặt các đại biểu người có công tiêu biểu toàn quốc

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Chiều 23/7, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gặp mặt thân mật 75 đại biểu người có công tiêu biểu, đại diện cho hàng triệu người có công ở khắp mọi miền Tổ quốc.
Tổng Bí thư gặp mặt các đại biểu người có công tiêu biểu toàn quốc
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói chuyện với người có công tiêu biểu toàn quốc. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2022), chiều 23/7, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gặp mặt thân mật 75 đại biểu người có công tiêu biểu, đại diện cho hàng triệu người có công là cán bộ lão thành cách mạng, các mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang, thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sỹ ở khắp mọi miền Tổ quốc, thể hiện sự quan tâm, tri ân và động viên kịp thời của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với các thế hệ đã có nhiều cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Cùng dự buổi gặp mặt có các Ủy viên Bộ Chính trị: Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an và Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Tổng Biên tập báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Quốc Minh và đại diện nhiều bộ, ban, ngành.

Thực hiện có hiệu quả các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”

Báo cáo tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết đến nay toàn quốc đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công, trong đó có 1,2 triệu liệt sỹ, trên 139 ngàn bà mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 1.300 anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, gần 800 ngàn thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, 185 ngàn bệnh binh, 320 ngàn người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học, 111 ngàn người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày, 1,9 triệu người có công giúp đỡ cách mạng...

Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư ngày 19/7/2017 và chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, sau 5 năm (từ 2017 đến nay), với quyết tâm rất cao và cách làm sáng tạo, toàn quốc đã rà soát, xem xét trên 7.000 hồ sơ tồn động trong cả nước, trình Chính phủ cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với trên 2.400 liệt sỹ và công nhận 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Trong các liệt sỹ được xác nhận phần lớn là sau khi đất nước đã hòa bình được gần 50 năm, nhiều trường hợp đã hy sinh 70, 80 năm về trước, cá biệt có trường hợp hy sinh cách đây trên 90 năm.

Thông qua chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, cũng như được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và việc thực hiện có hiệu quả các phong trào “đền ơn đáp nghĩa,” đời sống người có công ngày càng được nâng cao.

Đến nay, chỉ tiêu hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình dân cư nơi cư trú đạt 98,6%; đã hoàn thành hỗ trợ trên 500 ngàn căn nhà đối với người có công còn khó khăn về nhà ở, số kinh phí cấp từ ngân sách Trung ương khoảng 10.654 tỷ đồng; Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cả nước vận động được hơn 4.900 tỷ đồng; 3.736 bà mẹ Việt Nam anh hùng được các cơ quan, đơn vị, địa phương phụng dưỡng...

Bản thân người có công, với ý chí tự lực, tự cường, đã vượt lên thương tật, khó khăn, hòa mình vào cuộc sống, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ, nêu những tấm gương sáng trong học tập, lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu... góp phần bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

Tổng Bí thư gặp mặt các đại biểu người có công tiêu biểu toàn quốc
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi gặp mặt. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, dịp kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sỹ năm nay, đón nhận được sự quan tâm sâu sắc của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã được các cơ quan thông tấn, báo chí từ Trung ương đến các địa phương chú trọng, góp phần cổ vũ, động viên, phát huy tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc. Các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, sâu rộng, hiệu quả với quy mô, hình thức phù hợp gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Các đại biểu đại diện cho hàng triệu người có công ở khắp mọi miền Tổ quốc về dự buổi gặp mặt.

Đại biểu Đỗ Viết Thông, ở Hà Nội, năm nay 92 tuổi là cán bộ lão thành cách mạng.

Đại biểu Hà Thị Sâm ở xã Bảo Linh, huyện Định Hóa, Thái Nguyên, dân tộc Tày, năm nay 97 tuổi. Bà tham gia cách mạng từ rất sớm là cán bộ tiền khởi nghĩa đã được tặng thưởng Huy chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì và nhiều Bằng khen, giấy khen của chính quyền địa phương.

Đại biểu Trần Văn Khánh sinh năm 1943, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa- Vũng Tàu, là con liệt sỹ. Bản thân ông Khánh là thương binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể 77%, khi hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, nhiều lần bị địch bắt giam cầm, tra tấn, giờ đây mang trên mình nhiều vết thương, di chứng nặng nề của chiến tranh...

Đại biểu Hoàng Kim Đạo ở tỉnh Hà Giang, người dân tộc Tày, là thương binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể 65%, tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Với bản lĩnh “thương binh tàn nhưng không phế”, ông tích cực tăng gia sản xuất, thường xuyên tham gia các hoạt động của thôn, xóm, phong trào hội, công tác "Đền ơn đáp nghĩa."

Đại biểu Lưu Nguyệt Hồng ở tỉnh Sóc Trăng, anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, thương binh hạng 4/4.

Đại biểu Nguyễn Duy Nở ở tỉnh Thanh Hóa, thương binh hạng 4/4, tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Hiện ông là Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hoàng Tuấn, giải quyết việc làm cho 230 lao động, trong đó có con em thương binh, bệnh binh và người có công.

Hàng năm, công ty trích lợi nhuận từ 300 đến 400 triệu đồng để giúp đỡ gia đình thương binh, liệt sỹ, người tàn tật, trẻ em mồ côi, nạn nhân chất độc da cam/dioxin, ủng hộ quỹ phòng, chống dịch COVID-19 của địa phương, nhận phụng dưỡng suốt đời 4 mẹ Việt Nam anh hùng...

Hãy sống và làm việc sao cho xứng đáng với những người đã hy sinh vì Tổ quốc, vì Nhân dân!

Bày tỏ vui mừng, xúc động được gặp mặt các đại biểu người có công tiêu biểu toàn quốc, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thành kính tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trân trọng gửi tới các bác, các đồng chí lão thành cách mạng, các mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang, các đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng lời chào thân ái, lời thăm hỏi chân tình, những tình cảm sâu nặng và lòng biết ơn sâu sắc nhất.

Tổng Bí thư gặp mặt các đại biểu người có công tiêu biểu toàn quốc
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu chụp ảnh chung với người có công tiêu biểu toàn quốc. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, thấm nhuần đạo lý "Uống nước nhớ nguồn," "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây" của dân tộc Việt Nam và ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt 75 năm qua, nhất là trong hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã luôn luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa đối với thương binh, liệt sỹ, những người có công với cách mạng. Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi đối với người có công đã được ban hành; đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được bổ sung, hoàn thiện, thể hiện sự trân trọng, biết ơn, chăm lo của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng mới đây lại nêu rõ: "Tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công; bảo đảm chế độ ưu đãi người và gia đình người có công phù hợp với xu hướng tăng trưởng kinh tế, tiến bộ và công bằng xã hội."

Thực hiện chủ trương đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong cả nước đã có nhiều biện pháp và kế hoạch, phong trào, phát huy mọi nguồn lực để thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, phù hợp với điều kiện của địa phương, cơ quan, đơn vị mình.

Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh tinh thần trách nhiệm và cảm ơn tấm lòng tri ân của các bộ, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương nói chung, của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nói riêng trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, góp phần khơi dậy niềm tự hào, ý thức tự tôn dân tộc; giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tình nghĩa thủy chung, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đồng thời cũng xác định trách nhiệm của thế hệ sau đối với công lao của các thế hệ đi trước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ xúc động, vui mừng được thấy sức khỏe, đời sống của các bậc lão thành cách mạng, các mẹ Việt Nam anh hùng, các đồng chí thương binh, bệnh binh ngày càng được các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức xã hội và nhân dân quan tâm chăm sóc chu đáo và bản thân các đồng chí cũng có nhiều đóng góp tích cực trong cộng đồng, cho sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, tiếp tục góp phần xây dựng, phát triển, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam muôn vàn yêu quý.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao ý chí tự lực, tự cường của các đồng chí thương binh, bệnh binh, các gia đình, thân nhân liệt sỹ và người có công đã vượt lên thương tật, những mất mát, hy sinh, khắc phục khó khăn, hòa mình vào cuộc sống, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ, nêu những tấm gương sáng trong lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu, học tập..., góp phần bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

Để tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các cấp ủy Đảng, các cơ quan chính quyền, các ngành, các đoàn thể cần phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt hơn nữa các chính sách, pháp luật về ưu đãi đối với người có công với nước, với cách mạng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn và đề nghị các địa phương, các cơ quan, đơn vị, cũng như mỗi cá nhân bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, với ý thức trách nhiệm cao hãy chủ động, sáng tạo triển khai nhiều hoạt động thiết thực hơn nữa, coi đó là bổn phận, trách nhiệm và cũng là tình cảm để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Các đồng chí thương binh, bệnh binh với tinh thần "tàn nhưng không phế," cùng thân nhân, gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng, tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

“Tất cả mọi người chúng ta hãy luôn luôn ghi nhớ và tâm niệm "Hãy sống, chiến đấu, lao động, học tập và làm việc sao cho xứng đáng với những người đã khuất, đã hy sinh vì Tổ quốc, vì Nhân dân!," Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Tôn vinh 450 đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2022 Tôn vinh 450 đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2022
Lãnh đạo thành phố Hà Nội thăm, tặng quà các thương binh, bệnh binh Lãnh đạo thành phố Hà Nội thăm, tặng quà các thương binh, bệnh binh
TTXVN
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động