Tôn vinh đặc sản mít Hà Nội
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCác sản phẩm mít của huyện Chương Mỹ tham gia tại Hội thi. Ảnh:Thiện Tâm |
Tối 5/7, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với thị xã Sơn Tây tổ chức khai mạc sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP các tỉnh đồng bằng sông Hồng và tôn vinh các sản phẩm về mít đặc sản Hà Nội năm 2024.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Nội, TP Hà Nội hiện nay có 1.135 ha trồng mít, năng suất bình quân đạt 147,23 tạ/ha, tổng sản lượng đạt 14.075 tấn/năm. Các giống mít được trồng khá đa dạng và phong phú về chủng loại, bên cạnh những giống mít truyền thống đặc sản của Hà Nội như mít dai Sơn Tây, mít dai Cổ Loa - Đông Anh, mít Na Ba Vì... còn có một số giống mít nhập nội với đặc điểm ra quả sớm, quả sai như mít Thái da xanh, mít nghệ siêu sớm, mít ruột đỏ.
Mít được trồng tập trung ở một số huyện, thị xã như Sơn Tây, Ba Vì, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, Đông Anh, Thanh Oai… Hà Nội có 28 cây mít chất lượng cao, có tuổi đời từ 80 đến trên 100 năm, đặc biệt có cây mít cổ thụ tại Cổ Loa - Đông Anh đã được công nhận là cây di sản Quốc gia với trên 500 tuổi.
Ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, TP Hà Nội có rất nhiều các sản phẩm đã được chế biến từ mít, nhiều sản phẩm chất lượng đã đạt chứng nhận OCOP như mít khô, mít sấy, làm nguyên liệu các món chè, xôi mít, nhút, đồ chay… Đây đều là sản phẩm thân thuộc gắn với nông thôn Hà Nội cũng như người dân Việt Nam, đặc biệt các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề được tạo ra từ gỗ mít mang lại giá trị kinh tế cao như nhà cổ truyền thống, tượng, đồ trang trí...
Sơn Tây - mảnh đất hai vua gắn với bề dày lịch sử của văn hóa xứ Đoài- với thổ nhưỡng của dẻo đất vùng bán sơn địa đặc trưng là đá ong (nguồn cung cấp dồi dào các loại vi lượng) đã hun đúc cho các loại cây trồng và đặc biệt là cây mít có hương vị múi thơm ngon, giòn ngọt tinh túy và gỗ mít chất lượng cũng tốt khác biệt so với các vùng trồng khác. Chính vì vậy, việc phát triển trồng mít đối với Hà Nội nói chung và thị xã Sơn Tây nói riêng không chỉ là phát triển kinh tế, mà còn là một trong những nội dung quan trọng kết nối của các tuyến du lịch văn hóa, lịch sử, làng nghề và trải nghiệm với du khách trong nước và quốc tế.
Với mục đích đó Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với UBND thị xã Sơn Tây tổ chức Hội thi tôn vinh, quảng bá và xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm về mít đặc sản Hà Nội năm 2024, nhằm tôn vinh các nhà vườn có cây mít mang lại giá trị kinh tế cao, những giống mít chất lượng và kỹ năng chế biến các sản phẩm từ mít, sản phẩm thủ công mỹ nghệ lấy ý tưởng sáng tạo từ mít.
"Từ đó đưa sản phẩm về mít hòa nhập vào hệ sinh thái sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề, đặc sản vùng miền, từng bước hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ mít đặc sản Hà Nội nhằm nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân nông thôn" - ông Nguyễn Xuân Đại nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Xuân Đại, sự kiện ngoài việc quảng bá, giới thiệu, tôn vinh các sản phẩm về mít đặc sản Hà Nội, còn hỗ trợ, giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể đẩy mạnh hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, là điểm tựa để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp nông thôn bền vững, phát triển chế biến sâu, chế biến tinh gắn với du lịch là tiền đề hướng tới nền nông nghiệp đa giá trị để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Ban Tổ chức, tham gia Hội thi năm nay có 17 đội thi của 7 huyện, thị xã: Sơn Tây, Ba Vì, Thạch Thất, Phúc Thọ, Chương Mỹ, Quốc Oai, Sóc Sơn. Qua các vòng thi tuyển có 37 giải thưởng được trao giải tại buổi lễ cho các tập thể và cá nhân. Kết quả, giải Đặc biệt thuộc về xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây; giải Nhất thuộc về xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ…
Sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP các tỉnh đồng bằng sông Hồng tại thị xã Sơn Tây sẽ diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 4/7 đến ngày 8/7 với trên 100 gian hàng sản phẩm làng nghề và nông sản thực phẩm an toàn, sản phẩm OCOP các vùng miền.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại