Thứ sáu 03/01/2025 22:08

Đưa đặc sản chè lam Thạch Xá gắn với hoạt động du lịch trải nghiệm

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Mang đậm hồn quê xứ Đoài, chè lam Thạch Xá là sự giao hòa tinh tế giữa bột gạo nếp thơm lừng, vị cay nồng đặc trưng của gừng, vị bùi béo của lạc rang và độ dẻo quánh của mạch nha, tạo nên một hương vị độc đáo. Một thức quà riêng biệt của vùng đất Phật, mang hương vị thanh tịnh và bình yên.
Đưa đặc sản chè lam Thạch Xá gắn với hoạt động du lịch trải nghiệm
Chè lam Thạch Xá trải qua nhiều công đoạn chế biến tỉ mỉ. Ảnh: Văn Đoan

Món quà của lòng thành kính và sự sẻ chia

Cách Hà Nội 25km về phía Tây, Thạch Xá (Thạch Thất, Hà Nội) không chỉ nổi tiếng với ngôi chùa Tây Phương cổ kính, một kiệt tác kiến trúc từ thế kỉ VIII, mà còn là cái nôi của nghề làm chè lam truyền thống. Với tấm lòng thành kính, người dân Thạch Xá làm chè lam trước hết để dâng lên Phật, tổ tiên, cầu mong bình an, hạnh phúc. Song những chiếc bánh thơm ngon, tinh túy vùng đất xứ Đoài cũng là món quà trân quý dành tặng khách thập phương mỗi khi ghé thăm vùng đất này.

Gắn bó với nghề truyền thống 60 năm qua, bà Nguyễn Thị Thanh cho biết: “Chè lam làng Thạch có tuổi đời trăm năm nay, chúng tôi không rõ thời gian cụ thể chỉ biết được đây là vật phẩm phục vụ nghĩa quân Lam Sơn thế kỷ XV. Trước kia, chúng tôi thường quẩy chè lam đi bán khắp các chợ, nổi tiếng nhất là chợ Phùng, có nhiều người từ các tỉnh khác tới tận làng để nhập hàng, kể đến là Hải Dương và Nam Định. Đến nay, chè lam Thạch Xá được nhiều người dân trên khắp mọi miền đất nước biết đến”.

Từ những chiếc quang gánh đơn sơ, chè lam Thạch Xá đã dần vươn xa, trở thành đặc sản được ưa chuộng vào mỗi dịp Tết đến Xuân về. Chè lam đã trở thành một sản phẩm độc đáo, biểu tượng ẩm thực đặc trưng của vùng đất xứ Đoài.

Phát triển sản phẩm đạt chuẩn OCOP

Ở Thạch Xá, công thức làm chè lam không theo một khuôn mẫu nào. Kinh nghiệm được truyền lại qua nhiều đời, kết hợp với bí quyết riêng của mỗi gia đình, đặc biệt việc sử dụng gạo nếp cái hoa vàng để nấu mạch nha đã tạo nên những hương vị chè lam độc đáo và đa dạng.

Chị Nguyễn Thị Ngát - chủ cơ sở sản xuất chè lam Trinh Ngát cho biết: “Mạch nha được làm từ lúa nếp và mộng lúa già đã được phơi nắng cho khô. Sau đó, được giã nát thành bột. Bột được trộn với gạo nếp đem đi đun tạo ra mạch nha”.

Quá trình nấu mạch nha đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và kinh nghiệm của người thợ. Họ phải đảo đều tay liên tục, không để mạch nha bị cháy xém, đồng thời kết hợp hài hòa giữa gừng xay, đường và mỡ lợn để tạo nên một hỗn hợp sánh mịn, nền tảng quan trọng cho món chè lam thơm ngon.

Đưa đặc sản chè lam Thạch Xá gắn với hoạt động du lịch trải nghiệm
Thức quà quê nức tiếng xứ Đoài. Ảnh: T.L

Sau khi mạch nha được nấu chín, người thợ sẽ tiến hành công đoạn đánh bánh. Họ trộn đều mạch nha với bột gạo, đồng thời cho thêm các loại gia vị như lạc rang hoặc quế. Qua bàn tay khéo léo của người thợ, hỗn hợp dần trở nên dẻo quánh và đồng nhất. Cảm giác "nặng tay" sẽ báo hiệu rằng hỗn hợp đã đạt đến độ chín vừa ý.

“Mạch phải đánh đều tay với bột, vừa đánh vừa cho bột đến khi mạch nha và bột quánh lại với nhau. Sau đó đổ lạc vào đánh đều, tùy theo yêu cầu của khách hàng mà có thể cho thêm các loại gia vị khác nhau” - chị Nguyễn Thị Ngát cho hay.

Quá trình chế biến bột gạo ở làng Thạch Xá đòi hỏi sự công phu. Gạo nếp cái hoa vàng được rang đều trên bếp lửa, từng hạt gạo nổ bung ra. Sau đó, những hạt bỏng này được nghiền thành bột mịn, thứ nguyên liệu không thể thiếu để làm nên những chiếc bánh chè lam.

Sau khi đánh bột, người thợ sẽ dùng tay để nhào kỹ hỗn hợp. Công đoạn này yêu cầu kinh nghiệm, bởi nếu nhào không đều tay, bột sẽ bị vón cục, ảnh hưởng đến chất lượng của chè lam. Hỗn hợp được đổ vào khuôn và trải đều một cách cẩn trọng. Từng động tác của người thợ đều rất quan trọng để tạo nên những chiếc bánh chè lam có hình dáng đẹp mắt và đồng đều, cuối cùng là đóng gói sản phẩm.

Đưa đặc sản chè lam Thạch Xá gắn với hoạt động du lịch trải nghiệm
Mẫu mã sản phẩm chè lam tại làng nghề Thạch Xá. Ảnh: Văn Đoan

Theo Chủ tịch Hội làng nghề bánh chè lam Thạch Xá Nguyễn Trí Thủy, làng nghề “đỏ lửa” quanh năm, nhưng dịp cận Tết là thời điểm làng nghề nhộn nhịp nhất. Năm 2015, thương hiệu chè lam được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng bảo hộ. Đến nay, Hội làng nghề bánh chè lam Thạch Xá có khoảng 60 hộ sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho 200-300 lao động địa phương. Hiện làng nghề có 4 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP, các sản phẩm trên được bày bán tại nhiều hội chợ, lễ hội văn hóa - ẩm thực do thành phố tổ chức như Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội, Lễ hội Du lịch Hà Nội, Festival Thu Hà Nội,…

Ông Nguyễn Trí Thủy cho biết, mỗi năm làng nghề phấn đấu có từ 4-5 hộ sản xuất có sản phẩm chè lam chuẩn OCOP. Bên cạnh việc xây dựng thương hiệu, thúc đẩy hoạt động làng nghề gắn với phát triển du lịch, kết hợp hài hòa giữa yếu tố làng nghề truyền thống và du lịch tâm linh.

Đồng thời các hộ sản xuất kiến nghị các phía chính quyền tạo điều kiện thuận lợi về nguồn vốn vay và cung cấp mặt bằng sản xuất để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Nghệ nhân “giữ lửa” di sản văn hóa hát Dô cho thế hệ trẻ Nghệ nhân “giữ lửa” di sản văn hóa hát Dô cho thế hệ trẻ
Đặc sản ô mai phố cổ “hút” khách Đặc sản ô mai phố cổ “hút” khách
Hàng nghìn du khách hào hứng với trải nghiệm diễu hành cổ phục Việt trên tuyến di sản Thủ đô Hàng nghìn du khách hào hứng với trải nghiệm diễu hành cổ phục Việt trên tuyến di sản Thủ đô
Mộc Miên - Văn Đoan
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động