Tới năm 2030: Tỷ lệ nghèo cùng cực trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương được kỳ vọng giảm còn dưới 1%
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBáo cáo Các chỉ số chính của châu Á và Thái Bình Dương 2022 được công bố hôm nay (24/8), tăng trưởng kinh tế của khu vực trong năm nay được kỳ vọng sẽ giảm tỷ lệ người nghèo cùng cực - được định nghĩa là sống dưới 1,9 USD/ngày - xuống mức lẽ ra có thể đạt được vào năm 2020 nếu đại dịch không xảy ra. Các mô phỏng dữ liệu cũng cho thấy rằng người dân trong khu vực với mức dịch chuyển xã hội - khả năng thoát nghèo - thấp hơn so với trước đại dịch có thể gặp khó khăn trong thời gian dài hơn.
Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã làm gián đoạn xu hướng giảm nghèo lâu dài ở Châu Á và Thái Bình Dương. Dù các nền kinh tế đang phục hồi, nhưng tiến triển là không đồng đều. Đại dịch cũng có thể làm tồi tệ thêm các loại hình nghèo khổ ngoài thu nhập, ví dụ như mất an ninh lương thực và tiếp cận các dịch vụ y tế và giáo dục không đầy đủ, theo nhận định của báo cáo.
Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Albert Park, chia sẻ: “Người nghèo và người dễ tổn thương bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19, và trong khi các nền kinh tế đang phục hồi, rất nhiều người có thể nhận thấy rằng việc thoát nghèo thậm chí còn khó khăn hơn trước kia. Các chính phủ trong khu vực cần tập trung vào khả năng chống chịu, đổi mới sáng tạo và tính bao trùm để cung cấp cơ hội kinh tế đồng đều hơn và sự dịch chuyển xã hội lớn hơn cho tất cả mọi người”.
Tới năm 2030, tỷ lệ nghèo cùng cực trong khu vực được kỳ vọng giảm còn dưới 1%. Đồng thời, dự kiến khoảng 25% dân số sẽ vươn lên ít nhất là tầng lớp trung lưu, được định nghĩa là có thu nhập hoặc tiêu dùng trung bình theo ngày từ 15 USD trở lên, điều chỉnh theo sức mua tương đương. Tuy nhiên, triển vọng này bị đe dọa bởi những khác biệt trong dịch chuyển xã hội, cũng như những yếu tố bất ổn khác. Châu Á đang phát triển đối mặt với nguy cơ lạm phát đình đốn, xung đột tiếp diễn liên quan tới những tác nhân chủ chốt toàn cầu, mất an ninh lương thực gia tăng và các cú sốc giá năng lượng.
Các chỉ số chính của châu Á và Thái Bình Dương trình bày những số liệu thống kê toàn diện về kinh tế, tài chính, xã hội và môi trường của 49 quốc gia thành viên ADB trong khu vực. Ấn bản mới nhất này bao gồm: Một phụ bản đặc biệt về xử lý ngôn ngữ tự nhiên của dữ liệu văn bản trên mạng xã hội, tạo điều kiện cho việc lập bản đồ các chủ đề và ý kiến một cách chi tiết và liên tục, cho phép các nhà nghiên cứu theo dõi những xu hướng và bất thường của xã hội; Phần cập nhật các chỉ số Mục tiêu Phát triển bền vững của châu Á và Thái Bình Dương; Phần rà soát hoạt động của các lĩnh vực chọn lọc bị gián đoạn nghiêm trọng bởi đại dịch, như du lịch, giao thông vận tải, công nghệ thông tin và truyền thông và năng lượng; Những hiểu biết về tác động của việc thiếu hụt chip bán dẫn toàn cầu đối với khu vực; Và tổng quan về những cách làm hiệu quả trong việc sử dụng dữ liệu hành chính như một nguồn thông tin cho hàng loạt các chỉ số phát triển, nhất là số liệu thống kê về lao động và việc làm.
Được thành lập năm 1966, ADB thuộc sở hữu của 68 thành viên, trong đó có 49 thành viên trong khu vực. ADB cam kết đạt tới một khu vực Châu Á và Thái Bình Dương thịnh vượng, đồng đều, thích ứng và bền vững, trong khi duy trì nỗ lực xóa nghèo cùng cực.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại