Tiết kiệm khoảng 400 tỷ đồng mỗi năm
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNgười dân thực hiện yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID. Ảnh: Khánh Huy |
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, việc thí điểm cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID là một trong các giải pháp hiệu quả và đã được khẳng định sau một thời gian thực hiện tại 2 địa phương là Hà Nội và Thừa Thiên – Huế, được người dân tích cực đón nhận và đồng tình ủng hộ.
Sau hơn 4 tháng triển khai thí điểm cấp Phiếu LLTP qua ứng dụng VNeID, TP Hà Nội tiếp nhận hơn 45.000 hồ sơ, tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp nhận hơn 5.000 hồ sơ, chiếm hơn 70% tổng số hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP của 2 địa phương. Ước tính mỗi hồ sơ tiết kiệm khoảng 10.000 đồng tiền xăng xe, đi lại và công sức chờ đợi; 150.000 đồng tiền công trung bình nửa ngày công của người dân, với nhu cầu cấp Phiếu LLTP ở Hà Nội.
Với nhu cầu cấp Phiếu LLTP hàng năm là khoảng 2,6 triệu yêu cầu trong cả nước, Bộ Tư pháp cho biết, khi người dân thực hiện đăng ký trực tuyến, sẽ giúp tiết kiệm khoảng 400 tỷ đồng mỗi năm cho người dân và xã hội. Riêng TP Hà Nội đã quyết định hỗ trợ 100% phí cung cấp thông tin LLTP khi công dân có đề nghị cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID từ 11/6/2024 đến ngày 31/12/2024.
Sau 2 tháng thực hiện thí điểm cấp Phiếu LLTP qua VNeID, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Công an, TP Hà Nội và tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức sơ kết với sự tham gia của tất cả 63 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.
Từ những kết quả bước đầu, ngày 24/8/2024 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công văn số 656 về mở rộng thí điểm cấp Phiếu LLTP qua ứng dụng VNeID toàn quốc từ ngày 1/10/2024 đến hết ngày 30/6/2025. Việc cấp Phiếu LLTP qua ứng dụng VNeID được thực hiện qua 10 bước theo Quy trình số 570 do Bộ Công an ban hành ngày 20/9/2024. Đối với trường hợp công dân không có thông tin về án tích, thực hiện trả kết quả giảm từ 10 ngày xuống còn 3 ngày làm việc.
Để triển khai mở rộng thí điểm trên toàn quốc, Bộ Tư pháp đã ban hành kế hoạch triển khai, tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác LLTP tại 63 địa phương. Đồng thời, thành lập tổ công tác hỗ trợ các địa phương thực hiện thí điểm; chủ trì, phối hợp với Bộ Công an rà soát, hoàn thiện và ban hành Quy trình thực hiện thí điểm cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng định danh Quốc gia VNeID.
Lực lượng chức năng hướng dẫn người dân thực hiện cấp Phiếu Lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID tại Sở Tư pháp TP Hà Nội. Ảnh: Khánh Huy |
Đến nay, đã có 48/63 tỉnh/TP đã thử nghiệm thành công về kỹ thuật, trong đó có 5 địa phương đã hoàn thành việc quét an toàn, an ninh, bảo mật thông tin để sẵn sàng thực hiện thí điểm cấp Phiếu LLTP trên VNeID, các tỉnh đã thử nghiệm thành công còn lại đang thực hiện kiểm thử toàn trình, chuẩn bị đánh giá an toàn thông tin…
Bộ, ngành Tư pháp cũng ưu tiên nguồn lực xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu LLTP với mục tiêu "đúng - đủ - sạch - sống" phục vụ việc khai thác, tra cứu thông tin để cấp Phiếu LLTP. Theo quy định của Luật LLTP, Cơ sở dữ liệu LLTP được xây dựng, quản lý theo mô hình 2 cấp tại Trung tâm LLTP Quốc gia thuộc Bộ Tư pháp và tại 63 Sở Tư pháp tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.
Trung tâm LLTP Quốc gia thuộc Bộ Tư pháp đã tích hợp được hơn 3 triệu thông tin phục vụ cấp Phiếu LLTP; 63 Sở Tư pháp đã xử lý và tích hợp được hơn 5,8 triệu thông tin LLTP vào cơ sở dữ liệu LLTP. Mặc dù được xây dựng theo mô hình 2 cấp Trung ương - địa phương nhưng trên thực tế dữ liệu LLTP đã được kết nối, chia sẻ thông suốt giữa Trung ương và địa phương.
Cơ sở dữ liệu LLTP điện tử cũng đã được kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, bảo đảm có thể khai thác, sử dụng thông tin của cá nhân trong cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP và cấp Phiếu LLTP.
Bộ Tư pháp cũng đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, tham mưu, đề xuất việc kết nối, chia sẻ, đồng bộ thông tin về án tích, thông tin bản án với Tòa án Nhân tối cao và các bộ, ngành khác có liên quan.
Đề xuất tháo gỡ vướng mắc trong cấp Phiếu Lý lịch tư pháp | |
Tín hiệu tích cực trong cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu Lý lịch tư pháp |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại