Thứ sáu 08/11/2024 20:22

Tiếp nhận 30 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca theo nguyên tắc phi lợi nhuận

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 10-3, Tổ công tác liên Bộ Y tế, Tài chính, Kế hoạch và đầu tư... thống nhất trình Thủ tướng xem xét và quyết định tiếp nhận toàn bộ 30 triệu liều vắc-xin của AstraZeneca theo nguyên tắc phi lợi nhuận, giá chuyển nhượng ngang bằng với giá mà Công ty CP Vắc-xin Việt Nam (VNVC) mua của AstraZeneca cùng các chi phí khác như thuế VAT, bảo hiểm, vận chuyển, tiếp nhận, bảo quản...

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, chiều 10-3, Tổ công tác liên bộ gồm đại diện lãnh đạo các Bộ: Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngoại giao, Công an đã họp thảo luận về việc tiếp nhận 30 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 mà Công ty CP vắc-xin Việt Nam (VNVC) đặt mua của AstraZeneca để cung ứng cho Việt Nam, trong đó bao gồm 117.600 liều đang được triển khai tiêm chủng cho lực lượng trên tuyến đầu chống dịch tại 13 tỉnh và TP.

Tổ công tác liên bộ thống nhất trình Thủ tướng xem xét và quyết định tiếp nhận toàn bộ 30 triệu liều vắc-xin này theo nguyên tắc phi lợi nhuận, giá chuyển nhượng ngang bằng với giá mà VNVC mua của AstraZeneca cùng các chi phí khác như thuế VAT, bảo hiểm, vận chuyển, tiếp nhận, bảo quản… Toàn bộ chi phí đã phát sinh trước thời điểm chuyển giao do VNVC tự chi trả.

Các thành viên tổ đàm phán đánh giá cao nỗ lực của VNVC trong việc phối hợp với Bộ Y tế và các cơ quan liên quan tìm kiếm nguồn cung, đàm phán với đối tác AstraZeneca, đặt mua vắc-xin, chấp nhận rủi ro đặt cọc 30 triệu đô-la Mỹ trong thời điểm vẫn đang thử nghiệm lâm sàng.

Bên cạnh đó, VNVC còn tích cực phối hợp cùng Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia triển khai tiêm chủng 117.600 liều đầu tiên theo Kế hoạch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 giai đoạn 2021-2022 của Bộ Y tế. Việt Nam là nước thứ hai trong khu Đông Nam Á triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 của AstraZeneca.

Cho đến nay, các nguồn cung ứng vắc-xin phòng Covid-19 cho Việt Nam gồm: Hỗ trợ của COVAX Facility và thông qua Công ty VNVC cung ứng.

COVAX Facility là cơ chế do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên minh Toàn cầu về vắc-xin và tiêm chủng (GAVI), UNICEF, Liên minh đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI), các nhà sản xuất vắc-xin và các đối tác lập ra, đảm bảo các quốc gia đều được tiếp cận vắc xin một cách công bằng và hiệu quả. Theo thông báo của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF), ngày 25-3-2021 lô vắc -in đầu tiên từ nguồn COVAX Facility với 1,37 triệu liều vắc-xin của AstraZeneca trong cam kết hỗ trợ 30 triệu liều sẽ về đến Việt Nam. Lô tiếp theo với 2,8 triệu liều sẽ tiếp tục về Việt Nam ngày 25-4-2021. Như vậy, đến hết tháng 4-2021, Việt Nam sẽ tiếp nhận 4,17 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 từ COVAX Facility. Khoảng 25,9 triệu liều vắc-xin còn lại trong cam kết hỗ trợ của COVAX Facility dự kiến được chuyển về Việt Nam trong thời gian từ tháng 8 đến tháng 11-2021.

Tiếp nhận 30 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca theo nguyên tắc phi lợi nhuận
Tư vấn trước khi tiêm vắc-xin AstraZeneca tại BV Thanh Nhàn, Hà Nội (ảnh V.H)

Còn với nguồn vắc-xin AstraZeneca thông qua Công ty VNVC cung ứng, VNVC là một trong 3 tổ chức được AstraZeneca đồng ý cung cấp vắc-xin tại Việt Nam. Cùng với COVAX Facility và UNICEF, Công ty VNVC chuyển giao vắc-xin mua được từ AstraZeneca cho Bộ Y tế theo cơ chế phi lợi nhuận. Cuối tháng 2-2021, Công ty VNVC đã vận chuyển 117.600 liều vắc-xin của hãng AstraZeneca do SK Bio Hàn Quốc sản xuất đã về đến Việt Nam và được triển khai tiêm chủng từ ngày 8-3. Dự kiến, các đợt vắc-xin tiếp theo với tổng số 29,87 triệu liều sẽ về đến Việt Nam vào tháng 4 (1,48 triệu liều), tháng 5 (2,76 triệu liều), tháng 6 (5,04 triệu liều), tháng 7 (7,32 triệu liều) và tháng 8 (13,27 triệu liều).

Để có nguồn cung ứng vắc-xin với mục tiêu đảm bảo bao phủ tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân Việt Nam, sớm chủ động đẩy lùi đại dịch, Bộ Y tế đã và đang tiếp tục đàm phán với các nhà sản xuất vắc-xin như Pfizer, Moderna, Johnson&Johnson, Gamaleya (Sputnik V) để có thể tiếp cận với tất cả các nguồn cung ứng vắc-xin nhằm triển khai nhanh nhất việc mở rộng phạm vi sử dụng vắc-xin phòng Covid-19 tại Việt Nam.

Bộ Y tế đồng thời khuyến khích tất cả các doanh nghiệp có đủ điều kiện, tiếp cận, đàm phán với các đối tác cung cấp vắc-xin phòng Covid-19 khác trên thế giới để nhập khẩu vắc-xin về sử dụng trong nước theo tinh thần Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26-2-2021 của Chính phủ về việc mua và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19.

Đã có tổng số 955 người được tiêm vắc-xin phòng Covid-19

Theo báo cáo của Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia (TCMR) có thêm 433 người được tiêm chủng an toàn vắc-xin phòng Covid-19 trong ngày 10-3. Tính đến cuối giờ chiều ngày 10-3, tổng cộng đã thực hiện tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho 955 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng.

Qua theo dõi cho thấy, chưa có trường hợp nào tiêm chủng ngày 10-3 báo cáo phản ứng sau tiêm vắc-xin. Các trường hợp được báo cáo bổ sung của 2 ngày tiêm trước đều là các phản ứng thông thường sau tiêm chủng như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, phát ban, đau cơ, đau đầu, tiêu chảy… Trong ba ngày triển khai đầu tiên, công tác an toàn tiêm chủng luôn được Chương trình CMR đặt lên hàng đầu và được các địa phương thực hiện nghiêm túc.

Phong Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động