Thứ năm 18/04/2024 18:44

“Tiền mất tật mang” vì “đi chợ online”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
“Đi chợ online” đang trở thành xu hướng của người tiêu dùng bởi tính tiện ích, phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, nhưng đằng sau là muôn vàn nỗi lo “không tên” khác.

Gặp “họa” vì sản phẩm kém chất lượng

Giữa cao điểm dịch bệnh Covid-19 hiện nay, nhất là trong bối cảnh Hà Nội thực hiện quy định “giãn cách xã hội” theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ việc mua sắm thực phẩm hằng ngày được nhiều bà nội trợ quan tâm.

Trong đó, tâm lý ngại đi siêu thị để giảm nguy cơ lấy nhiễm, nhu cầu mua thực phẩm tươi nên việc đi chợ theo tem phiếu đã cấp ở phường khiến họ bị động. Bởi thế, nhiều người dân lựa chọn cách mua thực phẩm trên các chợ cư dân online hoặc các trang thương mại điện tử.

Bên cạnh tiện ích thì khách hàng đối mặt với nhiều tình huống “méo mặt” khi mua hàng online như giao rau hư héo, thịt có mùi, cá chết sình, cân thiếu…

Vụ việc khá ồn ào của một khách hàng tại quận Hoàng Mai, Hà Nội, vì tin theo lời quảng cáo của người bán gà tươi, ngon nên khách hàng đã đặt mua 2 con gà với giá là 120.000 đồng/kg. So về giá thành, mức giá trên mạng cao hơn với khu chợ gần nhà. Bấm bụng vì tình hình dịch bệnh, hạn chế đi lại nên chị đã gọi điện đặt hàng.

Sau khi nhận hàng và kiểm tra thì khách hàng phát hiện gà bốc mùi hôi thối, nồng nặc. Bộ lòng gà còn nguyên 2 con ruồi chết trong đó. Sau khi gọi điện thoại cho người bán hàng để phản ánh thì không liên lạc được. Quá bức xúc, khách hàng đăng đàn bóc phốt và gọi điện nhiều lần thì người bán với chịu giao trả một con gà mới.

Trường hợp khác, một khách hàng đặt mua xúc xích từ một người bán hàng online. Theo như giới thiệu, đây là món ăn được làm thủ công, nguyên liệu thịt được lựa chọn cẩn thận. Thế nhưng, không hiểu có phải do bảo quản sai cách hay thời gian vận chuyển quá lâu giữa thời tiết nắng nóng mà khi nhận hàng, kiểm tra thấy bề ngoài xúc xích lấm tấm chấm đen.

Dù hoài nghi, nhưng chị vẫn chế biến bữa ăn buổi tối. Vì chủ quan và tin tưởng chất lượng sản phẩm của người bán, sau bữa tối hôm đó, cô con gái bị đau bụng và rối loạn tiêu hóa. Chị bày tỏ ý kiến với người bán thì họ nhiều lần không nghe máy.

Do tính chất công việc bận rộn nên chị Hường hay đặt các sản phẩm hải sản đông lạnh và nem, chả làm sẵn. Một lần, chị mua phải đơn hàng nem bề bề nhưng thịt bề bề bị nhão, bở như bột, có vị chua. Thắc mắc với người bán, chị nhận được phản hồi là đó là nem mới làm, bảo quản đông lạnh nên không có chuyện sản phẩm kém chất lượng. Do không muốn tranh luận nên chị Hường đành “ngậm bò hòn làm ngọt” và nhắc bản thân cẩn thận hơn khi mua hàng thực phẩm chế biến sẵn.

Thường đặt đồ ăn trưa qua ứng dụng app, khách hàng A.D đã đặt phần cơm gà cà ri tại một tiệm cơm online ở Tam Trinh, Hà Nội. Ngay khi mở suất cơm gà ăn, khách hàng nhận thấy miếng gà có vị hôi, bở, dù cà ri thơm lừng nhưng vẫn không át được mùi hôi của miếng gà.

“Tiền mất tật mang” vì “đi chợ online”
Sản phẩm món cơm gà kém chất lượng được khách hàng A.D đăng tải

Khách hàng A.D bày tỏ: "Tôi đã ói ngay lập tức và cảm thấy lợm giọng kinh khủng vì món gà đấy". Phản ánh đến trang thông tin của quán cơm thì phía CSKH gọi điện, xin lỗi và đền bù lại suất cơm khác. Qua đọc đánh giá từ phía khách hàng, A.D. nhận ra không chỉ mình anh mà nhiều khách khác đã có trải nghiệm tương tự “mất vệ sinh” tại tiệm cơm này.

Trở thành khách hàng thông thái

Thực tế, các chợ cư dân tự phát trên diễn đàn mạng hay các cửa hàng kinh doanh thực phẩm online nhỏ lẻ không có giấy phép kinh doanh, các sản phẩm “nhà làm” được quảng cáo nhưng hầu hết không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm từ cơ quan chức năng thẩm định. Bởi thế, nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm là điều khó tránh khỏi.

Trong thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) liên tiếp phát hiện và ngăn chặn số lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hồi tháng 5-2021, CA tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện, ngăn chặn hơn 3 tấn thịt gà hôi thối chuẩn bị bán ra thị trường. Qua kiểm tra, có trên 3.150 kg gà chết (loại gà công nghiệp) đã biến đổi màu sắc, bốc mùi hôi thối, trong đó có gần 250 kg gà đã làm sạch lông, đóng túi.

“Tiền mất tật mang” vì “đi chợ online”
Số lượng gà đã được làm sạch, đóng túi (Ảnh tư liệu)

Trước đó, ngày 10-8-2021, đoàn kiểm tra Đội QLTT số 4 thuộc Cục QLTT tỉnh Tiền Giang đã tổ chức kiểm tra đột xuất tại 1 hộ kinh doanh thịt heo trên tuyến đường tại huyện Gò Công Tây. Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện cơ sở đang kinh doanh thịt gia súc không có dấu kiểm soát giết mổ. Tang vật vi phạm là 50 kg thịt heo, với trị giá hàng hóa vi phạm là 5 triệu đồng. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với chủ cơ sở này, đang hoàn chỉnh hồ sơ để xử lý theo quy định pháp luật.

Hay hồi đầu tháng 7 vừa qua, Cục QLTT Hà Nội thu giữ gần 3.000kg các loại thịt, sườn bò, trâu, lợn đông lạnh, chân gà, đùi gà đông lạnh, tôm đông lạnh... tại cơ sở kinh doanh ở làng Kim 1, xã Kim Quan, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chủ cơ sở chưa xuất trình được giấy tờ, hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

Trong thời điểm giãn cách, việc đặt hàng online là hoạt động vô cùng quen thuộc của mọi người. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần phải tìm hiểu kỹ càng về thông tin người bán, địa chỉ, nguồn gốc sản phẩm, giấy tờ xác nhận đạt chuẩn an toàn thực phẩm.

Cần tuyệt đối không đặt mua ở những trang nhóm mạng xã hội không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng, hoặc khi hỏi thông tin thì cố tình giấu địa chỉ bán hàng, chỉ nhận đặt hàng qua tin nhắn (inbox), chỉ bán hàng online chứ không có cửa hàng cụ thể.

Để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số khuyến cáo người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương.

Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động