Thứ ba 19/03/2024 10:30

“Thực phẩm online” tiềm ẩn nguy cơ mất ATVSTP

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Do diễn biến dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc mua bán thực phẩm online “nở rộ” trên các phần mềm ứng dụng facebook, zalo, website... Việc mua bán thực phẩm chế biến sẵn có ưu điểm tiện ích, tránh tiếp xúc đông người. Tuy nhiên, chất lượng của các mặt hàng thực phẩm online có được kiểm soát chặt chẽ hay không đang là vấn đề nhiều người tiêu dùng quan tâm.
“Thực phẩm online” tiềm ẩn nguy cơ mất ATVSTP

Để bảo đảm ATVSTP, bảo vệ sức khỏe, người dân cần nâng cao nhận thức trong mua sắm online

Muôn mặt “thực phẩm online”

Khi viết bài, tôi gõ cụm từ “thực phẩm online”, chỉ sau 0,52 giây đã cho ra 231.000.000 kết quả. Trên chợ ảo, các sản phẩm thực phẩm chế biến sẵn được chào bán bằng những hình ảnh bắt mắt, cụm “từ khóa” thu hút khách hàng tương tác.

Chúng ta có thể đặt mua từ thức ăn bình dân đến thực phẩm cao cấp, hải sản vùng miền... chỉ bằng cú “click chuột”. Với hình thức thanh toán, giao hàng nhanh gọn, các bà nội trợ được “giải phóng” khỏi công cuộc đi chợ một cách ngoạn mục.

Chị Phạm Thị Lan, trú tại quận Hai Bà Trưng cho biết: “Tôi quản lý một DN nhỏ nên khá bận rộn. Việc mua thực phẩm trên mạng giúp tôi tiết kiệm được nhiều thời gian. Rất may, tôi tìm được một cơ sở bán thực phẩm online ngon như nhà làm, giá cả phải chăng. Vậy nên, hầu như tuần nào tôi cũng đặt hàng của họ”.

Chị Nguyễn Thị Minh Thu, trú tại quận Hoàn Kiếm sống cùng cha mẹ già, vừa bố trí thời gian đi làm, vừa phải kiểm soát các con học trực tuyến nên quay cuồng trong việc nhà từ sáng đến tối. Đi chợ online, mua thực phẩm trên mạng đã giúp chị tiết kiệm được khá nhiều thời gian, giảm căng thẳng, áp lực.

Trong những ngày TP HCM phong tỏa, chị Trần Thanh Vân, ngụ tại quận Bình Thạnh đã chọn hình thức mua thực phẩm qua facebook.

Chị chia sẻ: “Mình tìm được gian hàng bán thực phẩm online khá ưng ý trên mạng facebook. Chỉ việc vào gian hàng, lựa chọn, đặt mua. Người bán hàng cũng mới nảy sinh kinh doanh trong mùa dịch nên rất nhiệt tình, giao hàng nhanh gọn, món ăn vừa miệng”.

“Thực phẩm online” tiềm ẩn nguy cơ mất ATVSTP
Hiện nay, hình thức mua bán trực tuyến trên trang web thương mại điện tử, mạng xã hội thu hút người tiêu dùng mọi lứa tuổi do sự đa dạng và tiện dụng

Từ trước đến nay, người dân thường đi chợ dân sinh, mọi hoạt động mua bán đều diễn ra trực tiếp. Người nội trợ được lựa chọn, mặc cả theo hình thức “thuận mua vừa bán”. Thế nhưng, khi mua thực phẩm online, hầu hết người nội trợ đều lựa chọn thực phẩm dựa trên hình ảnh được chụp và đưa lên mạng theo cảm tính. Do đó, nhiều người “ngậm bồ hòn làm ngọt” khi nhận sản phẩm không ưng ý.

Trên thực tế, hầu hết các sản phẩm đưa lên mạng đều không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Mọi câu từ quảng cáo đều được cân nhắc để hút khách bằng giá cả, ưu đãi... Người bán chỉ để lại thông tin sản phẩm, số điện thoại đặt hàng và nhận giao hàng đến khách.

Chị Phan Thị Lưu, trú tại quận Đống Đa chia sẻ: “Tôi đã từng “vỡ mộng” khi nhận hoa quả mua trên mạng. Tôi đặt mua quả bơ sáp, trên hình ảnh quả bơ tươi ngon, da căng bóng. Nhưng khi nhận, quả bơ héo, da nhăn. Gọi cho chủ hàng thì nhận được lời hứa sẽ “bù” trong lần mua sau. Nhưng tôi không bao giờ còn dám mua của trang đó nữa”.

Bà Ngô Thị Thu, trú tại quận Hai Bà Trưng bức xúc cho biết: “Một lần, tôi đặt mua pa-tê qua mạng. Nhìn hình ảnh thì ngon và đầy đặn, nhưng khi hàng đến nơi, hộp pa-tê vơi, không đầy đặn, màu sỉn, nếm thử thấy có mùi lạ nên tôi không dám ăn”.

Người tiêu dùng nên cẩn trọng với “thực phẩm online”

Hiện nay, hình thức mua bán trực tuyến trên trang web thương mại điện tử, mạng xã hội thu hút người tiêu dùng mọi lứa tuổi do sự đa dạng và tiện dụng. Tuy nhiên, phần lớn mặt hàng rao trên mạng xã hội không bảo đảm chất lượng hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ, quảng cáo sai sự thật, không có địa chỉ kinh doanh cụ thể hoặc không có hóa đơn, chứng từ...

Do đó, nhiều hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng thông qua mua bán online khi được phản ánh đến Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không đủ cơ sở để xử lý.

Đặc biệt, hầu hết các cơ sở bán thực phẩm online đều kinh doanh không có giấy phép, các sản phẩm chế biến không có giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm. Chất lượng sản phẩm chỉ được chủ cửa hàng... cam đoan bằng miệng, khó kiểm chứng. Chính vì vậy, bên cạnh những tiện ích thì việc mua thực phẩm chế biến sẵn được bán online cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm...

Khi mua hàng trực tiếp, người tiêu dùng có thể tận mắt nhìn thấy việc chế biến, đóng gói và sản xuất của cơ sở, nhưng nếu mua hàng online thì không thể biết được việc này. Trên các trang mạng, lời quảng cáo sản phẩm luôn khẳng định đảm bảo chất lượng vì được lấy từ các nhà cung cấp lớn, nhưng khách hàng thường quên kiểm soát việc này. Cứ thấy bắt mắt, giá cả phải chăng là mua.

Trên thực tế, các loại thực phẩm bán trên mạng, nhất là thức ăn chế biến sẵn, món nhà làm đang bị thả nổi về chất lượng. Hình thức kinh doanh đồ ăn online nhỏ lẻ thường không có giấy phép, không chứng nhận ATTP, không địa chỉ chính xác, chỉ làm theo mùa vụ hoặc rao bán qua trung gian.

Mặc dù các cơ quan chức năng đã rất quyết liệt điều tra, theo dõ và xử lý những địa chỉ bán hàng thực phẩm online không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, tuy nhiên, việc xử lý này chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”, thậm chí, rất khó khăn để xác định vì đại chỉ kinh doanh ghi trên mạng và địa chỉ thật lại hoàn toàn khác biệt.

Hơn nữa, trên thực tế, công tác quản lý, kiểm soát việc mua - bán online là rất khó khăn. Đôi khi, khách hàng mua phải thực phẩm kém chất lượng nhưng rất khó kiện.

Do vậy, để bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe, điều đầu tiên là người dân cần nâng cao nhận thức trong mua sắm online. Khi chọn mua thực phẩm online nên chọn nơi uy tín, nguồn gốc rõ ràng. Sau đó là chọn đơn vị vận chuyển, giao hàng chuyên nghiệp vì họ thường sẵn có dụng cụ bảo quản. Khi nhận hàng phải kiểm tra kỹ nơi sản xuất, hạn sử dụng.

Để giảm thiểu nguy cơ nhiễm virus, hãy thực hiện các biện pháp an toàn khi nhận hàng. Các cửa hàng và nhà hàng bán thức ăn trong hộp đựng, nhưng để an toàn trong mùa dịch, hãy chuyển thực phẩm vào đồ đựng của gia đình, bỏ bao bì rồi rửa tay với xà phòng.

Thái Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động