Tiềm ẩn nguy cơ đằng sau việc quảng cáo tràn lan
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênThS-BS. Nguyễn Đình Minh: Ca tử vong do nâng mũi là hồi chuông cảnh tỉnh cho người dân khi thực hiện phẫu thuật tại các cơ sở hoạt động "chui" |
Tử vong sau khi làm đẹp
Khoảng 11g30 ngày 18-3, chị N.T.N.N (33 tuổi, quê Đồng Tháp) đến BV 1A (số 542 Lý Thường Kiệt, phường 7, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) để thực hiện phẫu thuật nâng ngực theo lịch hẹn. Gần 15g cùng ngày, không thấy chị N, người nhà vào gặng hỏi bác sĩ thì được trả lời “bệnh nhân gây mê, chưa tỉnh”. Khi người nhà xin vào nhìn mặt cho yên tâm thì bác sĩ từ chối. Một lúc sau người nhà tiếp tục vào tìm thì được bác sĩ trả lời “bệnh nhân bị tụt huyết áp” và không cho gặp. Lo sợ sự việc chẳng lành, người nhà bệnh nhân đã tìm kiếm từng phòng và tá hỏa phát hiện chị N. đang nằm trên giường và đã tử vong. Theo lời em gái chị N, trước khi phẫu thuật, sức khỏe của chị N. hơi yếu, nhưng bác sĩ khám nói vẫn ổn và cho phẫu thuật bình thường. Cơ quan chức năng đã khám nghiệm hiện trường điều tra nguyên nhân khiến chị N, tử vong và đang tiếp tục xử lý vụ việc.
Trong ngày 19-3, CA quận Hoàng Mai-Hà Nội đã thông tin về kết quả điều tra ban đầu vụ việc cô gái P.T.D.H (SN 2000, quê ở Long An, tạm trú phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) tử vong sau 2 tháng hôn mê do phẫu thuật nâng mũi tại cơ sở thẩm mỹ viện Hoàng Minh Phong. Cơ sở này có địa chỉ tại số 18C, Tổ 20, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai. Theo hồ sơ phía CA quận Hoàng Mai cung cấp, chị H. đã chuyển tiền đặt cọc nhiều lần với số tiền lên tới 35 triệu đồng để được làm phẫu thuật. Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân được tiêm thuốc Midazolam 5mg/ml để gây mê; sau đó là tiêm thuốc tê tại vị trí mổ. Khoảng 20 phút sau khi được mổ đầu mũi, chị H. có dấu hiệu sức khỏe không tốt nên đã được sơ cứu và thở oxy, hô hấp nhưng đã rơi vào tình trạng hôn mê. Chị H. được đưa đến BV Bạch Mai cấp cứu nhưng sau quá trình điều trị không tiến triển, ngày 25-2 gia đình đã xin cho người bệnh về BV Đa khoa tỉnh Long An điều trị. Ngày 16-3 bệnh nhân đã tử vong.
Trước đó, khoảng tháng 11-2021, chị H.T.N, 31 tuổi, quê tỉnh Cà Mau (tạm trú quận 8, TP Hồ Chí Minh) đã thực hiện hút mỡ bụng, nâng mũi tại một cơ sở thẩm mĩ viện tại phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP Hồ Chí Minh với chi phí khoảng 15 triệu đồng. Sau hơn 2 giờ đồng hồ trải qua ca phẫu thuật gây mê, chị N, được em gái đưa về phòng trọ theo dõi. Đến tối, chị N, có diễn biến sức khoẻ không ổn, được đưa đến BV Nhân dân 115, TP Hồ Chí Minh cấp cứu nhưng đã tử vong vào ngày 6-12. Điều đáng nói là người thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân N không có bằng cấp hay chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh và chuyên khoa thẩm mỹ; cơ sở này không có đăng ký kinh doanh. Nhóm người này tự liên lạc, thỏa thuận nhau để thực hiện phẫu thuật.
Hoạt động "chui" nhưng vẫn quảng cáo
Nói về quy trình chuẩn để thực hiện một cuộc phẫu thuật thẩm mĩ đảm bảo an toàn, ThS-BS. Nguyễn Đình Minh, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ-BV E; Phó Chủ nhiệm bộ môn phẫu thuật tạo hình thẫm mỹ-ĐH Y dược, ĐH Quốc Gia Hà Nội cho biết: Về chỉ định, phẫu thuật nâng mũi có 2 hình thức là gây mê với các trường hợp phẫu thuật phức tạp can thiệp sâu vào cấu trúc mũi như vách mũi, xương chính mũi. Hoặc gây tê đơn thuần nếu chỉ thực hiện đặt chất liệu độn nhân tạo đơn thuần hay chỉnh sửa nhỏ vùng đầu mũi, cánh mũi. Phẫu thuật mũi gây mê được tiến hành tại BV nơi được cấp phép và danh mục phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ mũi, người thực hiện phải là bác sỹ có chứng chỉ hành nghề phẫu thuật tạo hình-thẩm mỹ. Nghĩa là phải đảm bảo cả hai điều kiện của BV và người phẫu thuật. Bệnh nhân cần thực hiện các xét nghiệm trước mổ, khám gây mê như một ca mổ đại phẫu thông thường. Việc tiến hành phẫu thuật dưới gây mê cần có đầy đủ trang thiết bị cấp cứu các tai biến trong phẫu thuật như ngừng thở, tụt huyết áp….
Còn với phẫu thuật mũi gây tê được thực hiện tại phòng khám chuyên khoa Phẫu thuật thẩm mỹ và bác sĩ có chứng chỉ hành nghề phẫu thuật tạo hình-thẩm mỹ. Bệnh nhân được khám trước mổ và làm các xét nghiệm cần thiết (nếu cần). Tuy nhiên khi thực hiện tại phòng khám chỉ được sử dụng các thuốc gây tê tại chỗ không được sử dụng thuốc mê toàn thân. Từ các vụ việc tai biến dẫn đến tử vong trong quá trình phẫu thuật thẩm mĩ, BS. Nguyễn Đình Minh nhấn mạnh: Đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho người dân không tìm hiểu kỹ trước khi phẫu thuật thẩm mỹ, thực hiện phẫu thuật tại các cơ sở hoạt động chui, không có bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật tạo hình-thẩm mỹ. Hiện nay có tình trạng các cơ sở hoạt động "chui" nhưng lại quảng cáo tràn lan không có kiểm soát trên mạng xã hội. Vì vậy, "người bệnh không nghe theo quảng cáo về các trường hợp mũi thành công bởi có thể đằng sau đó đã có rất nhiều bệnh nhân khác gặp biến chứng nhiễm trùng, lệch mũi, thậm chí tử vong tại các cơ sở chui mà mình không thể biết được", BS. Minh cảnh báo.
Giá thành phẫu thuật của các cơ sở "chui" thậm chí còn đắt hơn nhiều so với việc phẫu thuật tại BV có khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ. Để đảm bảo an toàn khi làm đẹp, BS. Minh khuyến cáo: Người bệnh cần tìm hiểu kỹ đâu là cơ sở được phép phẫu thuật mũi gồm: BV có khoa phẫu thuật tạo hình-thẩm mỹ; Phòng khám chuyên khoa phẫu thuật tạo hình-thẩm mỹ được cấp phép phòng khám, bác sĩ thực hiện phẫu thuật phải có chứng chỉ hành nghề. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại