Thương mại toàn cầu bất ngờ giảm trong năm 2023 nhưng sẽ phục hồi vào năm 2024
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênThương mại toàn cầu năm 2024 dự kiến phục hồi theo đánh giá của WTO. Ảnh: Reuters |
Thương mại toàn cầu bất ngờ sụt giảm
Nhà kinh tế trưởng của WTO, Ralph Ossa chỉ ra rằng, thương mại toàn cầu năm 2023 giảm chủ yếu do hoạt động tại khu vực châu Âu thấp hơn kỳ vọng, giá năng lượng và lạm phát duy trì ở mức cao trong thời gian dài làm giảm nhu cầu hàng hóa sản xuất.
Tuy nhiên, thương mại hàng hóa toàn cầu đang bắt đầu hồi phục, một phần nhờ lạm phát đã chậm lại. WTO dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng vừa phải trong 2 năm tới, lần lượt đạt tốc độ tăng trưởng 2,6% và 2,7% trong các năm 2024 và 2025.
Bên cạnh đó, khối lượng thương mại hàng hóa toàn cầu cũng tăng 2,6% năm 2024 và 3,3% năm 2025. Như vậy, mức dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2024 mới được WTO đưa ra thấp hơn so với mức 3,3% mà tổ chức này dự báo hồi tháng 10/2023. “Trao đổi thương mại toàn cầu đang có những tiến bộ trong quá trình phục hồi, nhấn mạnh những điều kiện quan trọng là phải giảm thiểu những nguy cơ như cạnh tranh địa chính trị và phân mảnh thương mại” - Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala cho hay.
WTO cũng không đưa ra dự báo cụ thể về sự phát triển của ngành dịch vụ nhưng vẫn cho rằng, ngành này sẽ tăng trưởng hơn nữa trong năm 2024, đặc biệt ở lĩnh vực du lịch và vận chuyển hành khách liên quan đến Thế vận hội Olympic 2024 ở Paris (Pháp) và các giải vô địch bóng đá châu Âu.
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chỉ ở mức 2,8% vào năm 2030
Ngày 10/4, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chỉ ở mức 2,8% vào năm 2030, thấp hơn 1% so với mức trung bình lịch sử, nếu các nước không tiến hành những cải cách lớn để thúc đẩy năng suất và các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI).
Trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO), dự kiến công bố vào ngày 16/4 tới, IMF chỉ ra rằng tốc độ tăng trưởng toàn cầu tiếp tục sụt giảm hơn nữa sau khi sức tăng trường chậm lại đều đặn kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009. Đồng thời nhận định rằng, nếu không có những bước đi tham vọng nhằm nâng cao năng suất, thì tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm xuống dưới mức trung bình lịch sử rất nhiều.
Theo thể chế tài chính này, những dự báo về tăng trưởng yếu của kinh tế toàn cầu có thể cản trở đầu tư, làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái. IMF kêu gọi các quốc gia có hành động khẩn cấp để ngăn chặn nguy cơ kinh tế toàn cầu suy yếu, đồng thời cảnh báo viễn cảnh này ảnh hưởng đến triển vọng về mức sống và nỗ lực giảm đối nghèo toàn cầu.
IMF cũng đưa nhiều biện pháp để giúp cải thiện tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong đó có phân bổ vốn và lực lượng lao động tốt hơn, giải quyết tình trạng thiếu lao động ở các nền kinh tế lớn có dân số già.
Báo cáo của IMF cũng cho rằng, hiện vẫn chưa hiểu đầy đủ về tác động sâu rộng của AI. Tuy nhiên, việc khai thác tiềm năng của AI để thúc đẩy năng suất lao động có thể giúp tăng trưởng kinh tế toàn cầu tăng thêm 0,8 điểm phần trăm tùy thuộc vào việc áp dụng và tác động của AI đối với lực lượng lao động. Công nghệ này được cho là có thể giúp tăng năng suất, đồng thời có khả năng thay thế con người trong một số công việc nhất định và làm thay đổi bản chất của một số công việc.
Do vậy, IMF cho rằng, các quốc gia nên tăng cường khung pháp lý, đảm bảo bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và nỗ lực đảm bảo lợi ích của AI được chia sẻ một cách công bằng và rộng rãi.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại