Thuê chặt chân, tay để trục lợi bảo hiểm bất thành
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênKhông khởi tố vụ án lừa đảo!
Liên quan đến việc chị Lý Thị N, SN 1986, trú tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội, thuê người chặt chân trái và tay trái của mình để trục lợi bảo hiểm, CQCA quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, cho biết, không khởi tố vụ án hình sự.
Trước đó, khoảng 0g, CA quận Bắc Từ Liêm nhận được tin báo của anh Doãn Văn D, SN 1995, trú tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội, về vụ tai nạn đường sắt; nạn nhân là chị N, bị tàu hỏa cán cụt một bàn tay và một bàn chân trái. CQCA đã đưa chị này đi cấp cứu, nối lại bàn tay, bàn chân bị đứt rời. Nhưng do vết thương đã bị hoại tử nên phải tháo bàn tay, bàn chân. Quá trình điều trị vết thương, chị N liên tục yêu cầu CQCA cung cấp hồ sơ vụ tai nạn để yêu cầu Cty bảo hiểm trả tiền.
CQCA xác định, có nhiều điểm nghi vấn từ vụ tai nạn này (vết thương có dấu hiệu bị cắt bằng vật sắc nhọn, trên người nạn nhân không có thương tích như bị tàu hỏa hút vào đường ray…). Qua khám nghiệm hiện trường, lời khai của anh D và nạn nhân, cơ quan tố tụng kết luận, chị này đã thuê anh D chặt tay, chân mình với giá 50 triệu đồng (mới trả 20 triệu đồng) rồi tạo dựng hiện trường vụ tai nạn giao thông.
Thực hiện kịch bản của mình, từ tháng 1-2016, chị N mua 2 hợp đồng bảo hiểm (1 hợp đồng trị giá 10 triệu đồng/năm, 1 hợp đồng trị giá 20 triệu đồng/năm - 2 gói này được bồi thường khoảng 1,9 tỷ đồng nếu bị thương tật vĩnh viễn do tai nạn giao thông). Một tháng sau, chị N mua tiếp 1 hợp đồng bảo hiểm khác mà nếu bị thương tật vĩnh viễn do tai nạn giao thông sẽ được đền bù khoảng 1 tỷ đồng (tổng cả 3 hợp đồng khoảng 3,5 tỷ đồng). Thỏa thuận và được anh D đồng ý, chị này đã thuê anh này chặt tay, chân ở khu vực đường tàu thuộc địa bàn phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
CQCA nhận định, hành vi của chị N có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng cơ quan bảo hiểm chưa bồi thường; phía CQĐT đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, tài sản chưa bị chiếm đoạt được nên không cấu thành tội phạm.
Chị N với những vết thương “tự chuốc”. Ảnh: H. Đỗ
Có “cố ý gây thương tích”?
Về vụ việc, luật sư Nguyễn Minh Long, Đoàn LS TP Hà Nội cho hay, không đủ cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự với chị N, nhưng hành vi của anh D cần phải cân nhắc. Theo quy định, với “Cố ý gây thương tích” (Điều 104 BLHS), hành vi của người phạm tội phải gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ thương tật từ 11-30% hoặc dưới 11% nhưng dùng hung khí nguy hiểm, gây cố tật…
Theo Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự, tội phạm được quy định tại khoản 1 (tỷ lệ thương tật dưới 11-30%) Điều 104 BLHS, chỉ được khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại. Ở vụ việc này, nếu đối chiếu thương tích của chị N với bảng tỷ lệ % tổn thương cơ thể theo Thông tư số 20/2014 của Bộ Y tế, thì tỷ lệ thương tật trên 40% (thuộc khoản 2 Điều 104 BLHS). Do đó, không cần yêu cầu của bị hại thì hành vi của anh D vẫn bị xem xét, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích”.
Ngoài ra, cả chị N và anh D có khả năng phải nhận phạt hành chính về hành vi báo tin giả đến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền - điểm b khoản 2 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính; mức phạt từ 500.000-1 triệu đồng.
Tội danh đã quy định nhưng chưa có hiệu lực!
Hiện Việt Nam có 18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, khoảng 30 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và tiềm năng phát triển còn rất lớn. Các doanh nghiệp bảo hiểm đều có ý thức chống các hành vi, thủ đoạn trục lợi bảo hiểm từ khách hàng và nội bộ doanh nghiệp. Việc xây dựng các quy trình khai thác bảo hiểm, giám định, bồi thường, quy trình kiểm soát nội bộ được quy định rất chặt chẽ. Bởi vậy, không phải dễ dàng lấy được tiền bảo hiểm bằng hành vi gian dối. Theo trình tự, khách hàng tham gia bảo hiểm xảy ra sự cố tai nạn phải nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường. Doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chuyển qua bộ phận pháp chế thẩm định, tự điều tra; nếu nghi ngờ có sự dàn dựng, gian dối thì cơ quan bảo hiểm chuyển CQCA đề nghị làm sáng tỏ.
Để tăng cường chế tài, sức răn đe, BLHS năm 2015 có quy định về tội “Gian lận trong kinh doanh bảo hiểm” (Điều 213), đây là tội mới. Điều này nêu rõ, người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tiền bảo hiểm từ 20-100 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 50-200 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm: Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm; tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm…
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100-300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1-3 năm tù: Có tổ chức, dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; chiếm đoạt số tiền bảo hiểm từ 100- 500 triệu đồng; gây thiệt hại từ 200-1 tỷ đồng… Chiếm đoạt số tiền bảo hiểm 500 triệu đồng trở lên; gây thiệt hại 1 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù từ 3-7 năm.
Hành vi của chị N có dấu hiệu của tội này nhưng cũng không thể truy cứu trách nhiệm hình sự vì BLHS năm 2015 chưa có hiệu lực thi hành.
Gần đây nhất, Tổng Cty bảo hiểm Bảo Việt đã thắng kiện một khách hàng tại phiên tòa phúc thẩm của TAND TP Hà Nội. Đó là trường hợp, ông Đặng Công H, quê Bắc Ninh; vị này khởi kiện Tổng Cty bảo hiểm Bảo Việt để đòi bồi thường khoảng 176 triệu đồng và khai rằng, gặp tai nạn xe ô tô. Cho rằng, khách hàng khai không đúng, cơ quan bảo hiểm từ chối bồi thường. Ban đầu, HĐXX sơ thẩm của TAND quận Hoàn Kiếm kết luận, lỗi thuộc 2 bên nên tuyên bảo hiểm Bảo Việt phải bồi thường 70%, ông H chịu 30% thiệt hại. Bị đơn kháng cáo và HĐXX phúc thẩm của TAND TP đã tuyên, không có tai nạn xảy ra như khách hàng khai nên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông H. |
Chị N khai, vay nợ khoảng 240 triệu đồng và không có khả năng chi trả nên đã túng quẫn, làm liều. Chị N quê Tuyên Quang và làm dâu ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội, từ năm 2009. Vợ chồng sinh được 2 người con (lớn 6 tuổi, nhỏ 2 tuổi) và thường để các con cho ông bà nội chăm. Năm 2015, chị này bị bắt vì môi giới mại dâm rồi bị tuyên án 8 tháng tù. Vì nuôi con nhỏ nên người phụ nữ này được nợ thi hành án. Hết hạn, phải trả án thì chị N lại dính “tai nạn tàu hỏa”. Như lời bố mẹ chồng chị N, con dâu không có việc làm ổn định, chồng thì làm ăn xa. Gần đây, nhiều người đến đòi nợ và ông bà phải vay mượn để lo cho con. Con dâu dùng tiền làm gì, họ không hay biết. Câu chuyện tự sát thương của chị N khiến nhiều người sửng sốt. Luật sư Nguyễn Minh Long chia sẻ, suy nghĩ của chị N thật thiển cận. Từ người lành lặn, khỏe mạnh, có thể dùng sức lực của mình để lao động, kiếm tiền chân chính thì nay, chị này trở thành tàn phế. Có gan thuê người chặt tay, chân mình nhưng người phụ nữ này lại không đủ cam đảm để trả án rồi cải tạo để sớm trở về nuôi các con, phụng dưỡng bố mẹ. “Dù không thể truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng hành vi của chị N khiến nhiều người lên án” - luật sư nói. |
Hoa Đỗ
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại