Thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênSáng 5-4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo đối thoại “Bình đẳng giới tại nơi làm việc và những điểm mới trong Bộ luật Lao động sửa đổi – Cơ hội cho doanh nghiệp”.
Hội thảo là diễn đàn cho cộng đồng doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách lao động, tổ chức đại diện người lao động và các bên có liên quan chia sẻ những quan điểm, kinh nghiệm và thực tiễn về thực hành bình đẳng giới tại nơi làm việc; đồng thời cập nhật những điểm mới có liên quan tới bình đẳng giới trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi.
Hội thảo đối thoại “Bình đẳng giới tại nơi làm việc và những điểm mới trong Bộ luật Lao động sửa đổi – Cơ hội cho doanh nghiệp” được tổ chức trong khuôn khổ Dự án “Thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc trong bộ Luật Lao động sửa đổi” |
Việt Nam được quốc tế đánh giá là quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong 20 năm qua. Tình trạng bất bình đẳng giới của Việt Nam đã được cải thiện nhanh với chỉ số phát triển giới (GDI) thuộc nhóm 1 trong 5 nhóm. Tuy nhiên, bất bình đẳng giới ở một số lĩnh vực vẫn là vấn đề thời sự cần tiếp tục được quan tâm giải quyết.
Thực tế cho thấy các doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà với việc thực hiện bình đẳng giới tại nơi làm việc mặc dù việc làm này mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp, giúp nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể về thúc đẩy bình đẳng giới. |
Tỷ lệ lao động nữ tham gia vào thị trường lao động ở Việt Nam hiện luôn giữ ở mức ổn định trên dưới 48%. Theo báo cáo chỉ số phát triển nữ doanh nhân của Mastercard –MIWE thì tỷ lệ nữ doanh nhân tại Việt Nam chiếm 31,3%, xếp thứ 6 trong số các quốc gia, khu vực có tỷ lệ nữ doanh nhân cao nhất.
Bộ luật Lao động 2012 hiện đang trong quá trình sửa đổi đặt vấn đề bình đẳng giới là nội dung quan trọng được điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu và thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên vấn đề mấu chốt trong việc thực hiện bình đẳng giới tại nơi làm việc chính là tư duy của cả người sử dụng lao động và người lao động. Doanh nghiệp cần thiết kế chính sách hoạt động của mình theo hướng lồng ghép các nội dung bình đẳng giới tại nơi làm việc, hỗ trợ cho cả lao động nam và lao động nữ có thể thực hiện trách nhiệm công việc và gia đình. Thực hiện bình đẳng giới không chỉ là một mục tiêu mà là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển bền vững và xây dựng nền quản trị tốt.
Nhiều ý kiến về bình đẳng giới tại nơi làm việc đã được các đại biểu nêu lên trong cuộc Hội thảo đối thoại lần này |
Tại Hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể về thúc đẩy bình đẳng giới. Tuy nhiên, theo ông Phòng bất bình đẳng giới vẫn là một thách thức lớn trong sự phát triển của Việt Nam. Ngay cả khi phụ nữ đóng góp thiết yếu cho xã hội và nền kinh tế, họ bị đánh giá thấp trong thị trường lao động và không được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế bình đẳng so với nam giới. Nữ giới vẫn bị hạn chế về quyền ra quyết định, khoảng cách thu nhập theo giới tính vẫn chưa giảm.
Vì vậy, ông Phòng khẳng định tạo điều kiện bình đẳng cho lao động nam và nữ giúp họ có thể phát triển năng lực của mình, có thêm động lực nâng cao năng suất lao động và duy trì mối quan hệ hài hoà trong lao động, từ đó tăng cường khả năng cạnh tranh trong doanh nghiệp.
“Hiện nay, các doanh nghiệp muốn tham gia vào các chuỗi cung ứng trong khu vực và toàn cầu, thì việc thực hiện bình đẳng giới và chống phân biệt đối xử là rất quan trọng. Đây là một tiêu chí bắt buộc trong tiêu chuẩn về chuỗi sản xuất và cung ứng quốc tế. Nội dung này cần được giới thiệu rộng rãi đến doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp có đủ kỹ năng và phương pháp tăng cường tuân thủ và áp dụng các điều khoản của Bộ Luật Lao động sửa đổi trong thời gian tới”, ông Phòng cho biết.
Tại hội thảo, ông Mai Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội chia sẻ những điểm mới trong Dự thảo Luật lao động sửa đổi lần này. Trong đó đặc biệt là những điều khoản sửa đổi liên quan đến bình đẳng giới, ông Thiện cho biết những sửa đổi lần này hướng đến sự bình đẳng về giữa lao động nam và lao động nữ.
“Bảo đảm bình đẳng giữa nam và nữ trong lao động: tuyển dụng; điều kiện làm việc (thực hiện công việc và bảo đảm các điều kiện an toàn, vệ sinh lao động cho thực hiện công việc); tiền lương, đào tạo, đãi ngộ và thù lao; thăng tiến nghề nghiệp. Nhiều nơi, có những quy định “chỉ tuyển lao động nam” “chỉ tuyển lao động nữ”… nhưng theo dự thảo, chúng tôi sẽ cấm những vấn đề này. Người lao động phải được làm nhưng công việc mà họ lựa chọn”, ông Thiện nói.
Ông Mai Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội cho biết, trong Dự thảo Luật lao động sửa đổi lần này sẽ có những điều khoản sửa đổi liên quan đến bình đẳng giới |
Tại hội thảo, bà Trần Thị Lan Anh, Phó Tổng thư ký VCCI, Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động cho biết: “Tỷ lệ lao động nữ tham gia vào thị trường lao động luôn giữ ở mức ổn định trên dưới 48%. Tỷ lệ nữ doanh nhân tại Việt Nam chiếm 31,3%, xếp thứ 6 trong số các quốc gia, khu vực có tỷ lệ nữ doanh nhân cao nhất. Tuy nhiên bất bình đẳng giới ở một số lĩnh vực vẫn là vấn đề cần tiếp tục được quan tâm giải quyết”.
Theo bà Lan Anh việc thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc sẽ giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật và cam kết với bạn hàng, đồng thời giữ chân và tuyển dụng được những lao động có tay nghề, có kỹ năng và nâng cao năng suất lao động, tạo điều kiện cho đổi mới và sáng tạo.
Bà Trần Thị Lan Anh, Phó Tổng thư ký VCCI, Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động cho rằng, thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc sẽ giúp doanh nghiệp giữ chân và tuyển dụng được những lao động có tay nghề |
Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ Dự án “Thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc trong bộ Luật Lao động sửa đổi” được thực hiện bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và tổ chức Oxfam, CARE quốc tế tại Việt Nam, Viện iSEE, dưới sự tài trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) và sáng kiến của Chính phủ Úc Investing in Women.
Dự án “Thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc trong bộ Luật Lao động sửa đổi” nhằm tập trung nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về 4 chủ đề: Nơi làm việc không có quấy rối tình dục; Bình đẳng trong phân công lao động; Trả lương bình đẳng cho công việc có giá trị ngang nhau; Thu hẹp khoảng cách tuổi nghỉ hưu.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại