Thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công: Phải tinh gọn bộ máy để có chỗ thu hút người tài!
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNgày 17-7, Bộ Nội vụ đã tổ chức Lễ công bố Quyết định thành lập Ban chỉ đạo, Tổ biên tập xây dựng Đề án “Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài” và Hội thảo khoa học “Chiến lược thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công”.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, thời gian qua, có nhiều bộ, ngành, địa phương đã ban hành các chính sách “trải thảm đỏ” nhằm thu hút người có tài năng về làm việc tại các cơ quan nhà nước, họ đã phát huy được năng lực, sở trường và bước đầu có những kết quả đóng góp tốt cho cơ quan, đơn vị.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, các chính sách này trên thực tế chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn; các chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài còn một số hạn chế, bất cập như: chưa có văn bản quy phạm quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành; chưa được thực hiện một cách đồng bộ, còn tùy thuộc vào khả năng của từng bộ, ngành, địa phương; các chính sách chủ yếu thu hút những người có trình độ cao về bằng cấp…
PGS.TS. Lê Minh Thông cho rằng, phải xây dựng được cơ chế, chính sách trọng dụng, giữ chân nhân tài trong khu vực công |
Vì vậy, Bộ Nội vụ được giao chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài theo hướng không phân biệt Đảng viên hay người ngoài Đảng, người Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài.
Đồng thời, quy định khung cơ chế, chính sách ưu đãi để phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các ngành, lĩnh vực mũi nhọn phục vụ cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.
TS. Dương Quang Tung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức nhà nước – Bộ Nội vụ cho rằng, nhân tài phải được gắn với một lĩnh vực hoạt động cụ thể với chuyên môn, nghiệp vụ nhất định.
Nhân tài trong khu vực công (cán bộ, công chức, viên chức) được hiểu là người có năng lực vượt trội, luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, có nhiều thành tích, cống hiến và tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống vật chất, văn hóa của người dân.
Theo TS. Dương Quang Tung, cần thu hút nhân tài ở các vị trí lãnh đạo, quản lý, tham mưu, hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách phát triển, các vị trí công việc đòi hỏi phải có kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ cao.
Còn đối với các vị trí công việc có tính chất thừa hành, thực thi cụ thể, kể cả trong các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập chỉ cần có những công chức, viên chức, người lao động có kiến thức, kỹ năng cần thiết và có động cơ, thái độ làm việc đúng đắn là được.
Theo PGS.TS. Lê Minh Thông, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, Nhà nước cần phải thể hiện rõ và cụ thể hóa được quan điểm “Nhân tài là nguyên khí quốc gia” và phải xây dựng được cơ chế, chính sách trọng dụng, giữ chân nhân tài trong khu vực công.
Vì vậy, cần phải cải cách mạnh mẽ đội ngũ công chức, viên chức trong khu vực công, phải có giải pháp sàng lọc, loại bỏ những người không có năng lực, ý thức kém, phải làm cho bộ máy tinh gọn, như vậy mới có chỗ để thu hút người có tài năng. Đồng thời, phải đa dạng hóa chính sách thu hút nhân tài./.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại